![](https://sf.ex-cdn.com/danviet.vn/v0.0.82/templates_thegioitiepthi/themes/images/ads_top.jpeg)
Phó Tổng giám đốc OCB xin rời ghế
Nguyễn Tường
08/11/2024 10:55 AM (GMT+7)
HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thông báo đã nhận được đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động của Phó Tổng giám đốc Trương Thành Nam theo nguyện vọng cá nhân.
OCB (mã trên sàn HoSE: OCB) ra thông báo trên vào ngày 7/11 và cho biết đơn xin từ nhiệm của ông Nam sẽ có hiệu lực khi HĐQT có quyết định miễn nhiệm.
![Vì sao Phó Tổng giám đốc OCB xin rời ghế? - Ảnh 1.](https://danviet.ex-cdn.com/files/f1/296231569849192448/2024/11/8/ocbcong-bo-17310371767402138101849.png)
Ngân hàng OCB công bố thông tin đã nhận được đơn xin từ nhiệm của Phó Tổng giám đốc Trương Thành Nam.
Sau khi HĐQT có quyết định, ban điều hành của OCB sẽ còn lại 8 thành viên. Trong đó, ông Phạm Hồng Hải là Tổng Giám đốc. Ông Hải là người đã từng làm CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam và nổi tiếng trong giới tài chính - ngân hàng.
Ông Trương Thành Nam, sinh năm 1972, có trình độ cử nhân luật, cử nhân tài chính - ngân hàng. Tháng 5/2010, ông chính thức được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc OCB. Giữa tháng 8 vừa qua, ông được tái bổ nhiệm giữ chức vụ này trong thời hạn 12 tháng.
Tổng cộng thời gian ngồi ghế Phó Tổng giám đốc OCB của ông Nam đến nay là 14 năm. Ngoài ra, ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng từ chuyên viên đến trưởng phòng tại VietinBank hay ACB. Năm 2003, ông Nam được bổ nhiệm làm phó giám đốc OCB - chi nhánh Trung Việt. Sau đó là giám đốc OCB - chi nhánh Trung Việt.
![Vì sao Phó Tổng giám đốc OCB xin rời ghế? - Ảnh 2.](https://danviet.ex-cdn.com/files/f1/296231569849192448/2024/11/8/ocbpho-tgd-17310373877181938727884.jpg)
Ông Trương Thành Nam. Nguồn: OCB
Trong một diễn biến khác, OCB đã công bố vào ngày 5/11/2024 nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ 2 trong năm 2024.
Theo đó, OCB dự kiến phát hành tối đa 13.200 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành tối đa 13.200 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán, kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành.
![Vì sao Phó Tổng giám đốc OCB xin rời ghế? - Ảnh 3.](https://danviet.ex-cdn.com/files/f1/296231569849192448/2024/11/7/ocb-17309389116452102022926.png)
OCB thông báo dự kiến phát hành tối đa 13.200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng mỗi trái phiếu.
Theo kế hoạch, số trái phiếu dự kiến phát hành sẽ được phát hành trong 13 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2024. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trái phiếu được phát hành theo hình thức đại lý phát hành, bán trực tiếp cho nhà đầu tư hoặc phương thức khác và được chào bán riêng lẻ. Số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.
Theo tài liệu của OCB, dư nợ trái phiếu tính đến ngày 16/10 của nhà băng này là 36.085 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng năm 2024, OCB huy động 21.800 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. OCB cho biết, toàn bộ dư nợ thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được ngân hàng sử dụng để cho vay các khách hàng trong từng thời kỳ.
Sau 9 tháng đầu năm 2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.553 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 7,25%, đạt 157.877 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 8,41%, đạt 136.535 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng hiện ở mức khá cao, 115,6%.
- Tham khảo thêm