Dẫu đã trở nên rất quen thuộc, hoạt động tái chế cần được nhân rộng trong những ngành sản xuất hiện đại. Với ngành công nghiệp nước hoa, tái chế càng biểu thị ý nghĩa bảo vệ môi trường rõ nét. Việc cắt giảm nguồn nguyên liệu xa xỉ và tận dụng những gì sẵn có từ một số ngành nghề liên quan có thể giảm tải đáng kể sức ép khí thải, rác thải.
Theo một khảo sát do Firmenich - công ty kinh doanh nước hoa và hương liệu hóa mỹ phẩm lâu đời bậc nhất ở Thụy Sĩ - thực hiện gần đây, 65% người tiêu dùng cho biết họ đang muốn trải nghiệm các loại mùi hương mang tính bền vững hơn. “Trên thực tế, có không ít nguyên liệu tạo hương thú vị chúng ta có thể tạo ra bằng phương pháp tái chế. Vụn gỗ còn thừa sau quy trình chế tác đồ nội thất; nhựa thông, phụ phẩm thường thấy của ngành sản xuất giấy… chẳng hạn. Khi chưng cất, chúng cho ra mùi hương tương tự gỗ đàn hương cao cấp” - chuyên gia thẩm định nước hoa Alice du Parcq nhận định.
Các công thức tạo hương mới lạ
Nữ nghệ nhân sáng giá Emilie Bouge đặc biệt hào hứng trước trào lưu tái chế để sáng tạo cái mới trong ngành sản xuất nước hoa hiện nay. Một minh chứng đáng chú ý là Myrica Muse, sản phẩm Bouge vừa cho ra mắt, cộng tác cùng Miller Harris - hãng nước hoa Anh nổi danh bởi sự phá cách.
Myrica Muse chứa tinh dầu hoắc hương (hoa quảng hoắc hương) tốt cho sức khỏe nhưng được tổng hợp theo cách chưa từng có. “Trong quá khứ, quảng hoắc hương trải qua tiến trình chiết xuất phức tạp. Nhà bào chế chỉ chọn phần lõi của cây, chắt lọc lấy tinh dầu họ tin rằng thuần khiết nhất. Tôi muốn hướng đến lối sản xuất bền vững, tận dụng toàn bộ nguyên liệu. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải sau khi bào chế mà còn có thể làm nổi bật một mùi hương truyền thống theo cách thức mới mẻ” - Bouge chia sẻ.
Bouge mô tả, những bộ phận khác của quảng hoắc hương có mùi thơm trầm ấm mộc mạc, hòa quyện với hương hoa hồng nồng nàn đem lại cảm nhận khứu giác vừa sâu lắng vừa mềm mại cho Myrica Muse.
Xoay quanh lợi ích môi trường của nước hoa tái chế, Du Parcq phân tích: “Với nguyên liệu tự nhiên, tái chế nghĩa là tận dụng tối đa mọi thứ, từ công đoạn trồng trọt đến thu hoạch. Điều này giúp giảm nguy cơ ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính lẫn tiết kiệm hàng tấn nước”.
Nữ chuyên gia đề cập đến một sáng kiến khác để sản xuất cồn ethanol - thành phần cốt lõi trong nước hoa giúp lưu giữ và dẫn hương thơm. Nếu phương pháp cổ điển đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng, cách làm mới mang tính đột phá là lên men ethanol từ khí thải carbon. Coty - hãng mỹ phẩm đa quốc gia danh tiếng - dự tính áp dụng giải pháp sản xuất ethanol bền vững cho tất cả sản phẩm nước hoa của hãng từ năm 2023.
“Ngành công nghiệp nước hoa sản sinh 92 triệu tấn rác thải mỗi năm. Tôi tin tái chế là công cụ tuyệt vời có thể giúp chúng ta đấu tranh trước biến đổi khí hậu” - Bouge bổ sung.
Firmenich - “gã khổng lồ” của thị trường nước hoa quốc tế - gây ấn tượng mạnh với loạt sản phẩm khai thác nguyên liệu bột gỗ tuyết tùng tái chế: Eau d’Issey - Issey Miyake Eau & Magnolia (cho nữ) và Eau & Cedre Pour Homme (cho nam) ra mắt vào năm 2022. Phong cách mùi hương thanh nhẹ đi kèm thông điệp bền vững lôi cuốn nhiều khách hàng trẻ ưa chuộng lối sống xanh.
Givaudan - cái tên đình đám không kém trong ngành sản xuất hương liệu - góp mặt vào trào lưu tái chế với Forest Lungs. Mẫu nước hoa unisex hãng cộng tác cùng The Nue Co - công ty mỹ phẩm giàu tiềm năng sáng lập tại Anh - cũng sử dụng nguyên liệu gỗ tuyết tùng tái chế.
Nổi bật hơn cả phải kể đến I Am Trash (“Tôi là Rác”) của thương hiệu nước hoa thủ công Etat Libre d’Orange (Pháp). Đây là mẫu nước hoa đầu tiên trên thế giới làm hoàn toàn từ nguyên liệu tái chế, là thiết kế tâm đắc của nữ nghệ nhân tài hoa gốc Đức - Daniela Andrier.
Về đứa con tinh thần độc đáo này, Andrier cho biết: “Với I Am Trash, chúng tôi muốn lần nữa mang đến sự sống cho các sản phẩm phụ thường bị bỏ quên, thậm chí chưa khai thác hết tiềm năng trong ngành sản xuất nước hoa và một số ngành công nghiệp khác. Tái chế chính là sử dụng có trách nhiệm hơn những tài nguyên chúng ta đang nắm giữ”.
Hương thơm cao cấp từ... rau củ
Nhằm tiếp tục chuyển mình theo định hướng bền vững, cũng để thúc đẩy người tiêu dùng đổi mới tư duy, một số doanh nghiệp muốn tiến xa hơn nữa. Symrise - hãng sản xuất nước hoa giàu tham vọng từ Đức - đang thể hiện nỗ lực đầu tư nghiêm túc vào trào lưu tái chế với bộ sưu tập hương liệu nước hoa Garden Lab, chiết xuất từ 100% rau quả phụ phẩm nông nghiệp.
“Điều chúng tôi nhắm đến là kết hợp công nghệ tân tiến cùng các chất liệu thuần tự nhiên để tạo ra những mùi hương tươi đẹp, mang sức hút bền vững mới mẻ” - Clarissa Loureiro - Giám đốc tiếp thị ngành hàng nước hoa, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Symrise - chia sẻ. Theo nữ doanh nhân, xu hướng cải tiến nguyên liệu bằng sản phẩm tái chế cho thấy tiềm năng phát triển rất khả quan. Cô nhấn mạnh: “Người tiêu dùng ngày nay muốn tìm kiếm dấu ấn cá nhân nhiều hơn thông qua nước hoa. Thị trường nước hoa thủ công, độc lập với những ý tưởng thú vị về tái chế bắt đầu thu hút giới sưu tầm. Nguyên nhân khác là làn sóng sản xuất bền vững cùng lối sống thuần xanh, đề cao giá trị tự nhiên”.
Ứng dụng kỹ thuật chiết xuất tinh vi đã đăng ký bản quyền có tên SymTRAP, Symrise chiết xuất các thành phần tạo hương từ nhiều loại rau củ như atisô, bông cải, măng tây và cả… hành tây. Tất cả đều là phụ phẩm thường bị bỏ phí của ngành nông nghiệp thực phẩm.
“Nghĩ đến một củ hành tây, hẳn chúng ta khó hình dung nó có thể được dùng như một nguyên liệu tạo hương. Điều làm chúng tôi bất ngờ là mùi hương đặc trưng ở một vài loại rau củ có thể dùng để nâng đỡ những tầng hương khác trong một chai nước hoa. Chẳng hạn, chúng tôi nhận ra hành tây kết đôi rất tốt với các mùi hương trái cây nhiệt đới ngọt lịm, khiến chúng trở nên sâu lắng, nổi bật hơn” - nghệ nhân sáng tạo nước hoa Leslie Gauthier - thành viên của dự án Garden Lab - bày tỏ.
SymTRAP cũng được thiết kế để sản xuất nguyên liệu tạo hương từ trái cây phụ phẩm. Trước đây, mùi hương trái cây trong nước hoa không có nguồn gốc tự nhiên mà chỉ có thể được tạo ra từ các thành phần tổng hợp.
Gauthier tin tưởng Garden Lab nói riêng và trào lưu tái chế nói chung, sẽ mở ra tương lai cho thị trường nước hoa toàn cầu. Cô nói: “Khi bền vững trở thành một phong cách sống được đón nhận ngày càng tích cực, bạn sẽ muốn lựa chọn những sản phẩm tạo hương lành mạnh và thuần tự nhiên hơn”.
Theo PNO
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.