Thứ sáu, 22/11/2024

Phía sau khoản lãi của công ty mẹ Shopee: Tiết kiệm cả giấy vệ sinh

15/05/2023 7:36 PM (GMT+7)

Việc thực hiện chiến lược tiết kiệm một cách "khắt khe" đã giúp Sea - công ty mẹ Shopee và Garena - đảo ngược kết quả kinh doanh, lần đầu báo lãi trong quý IV/2022.

Từng là một hiện tượng chứng khoán khi đạt mức vốn hóa 200 tỷ USD bất chấp khoản lỗ khổng lồ, nhưng giờ đây Sea đã khác. Thời kỳ nhà đầu tư nhắm mắt rót vốn cho các startup đã qua, cổ đông bắt đầu mất kiên nhẫn với những doanh nghiệp liên tục báo lỗ.

Sea buộc phải chuyển hướng từ đốt tiền giành thị phần sang tập trung kiếm lợi nhuận, cắt giảm chi tiêu và rút khỏi các thị trường kém hiệu quả, theo Bloomberg.

Phía sau khoản lãi của công ty mẹ Shopee: Tiết kiệm cả giấy vệ sinh - Ảnh 1.

Sea ưu tiên kiếm lợi nhuận thay vì tăng trưởng thị phần. Ảnh: Bloomberg.

Tiết kiệm từng xu

Ngay lập tức môi trường làm việc tại đây bị xáo trộn, các chuyến bay hạng thương gia bị cắt và thay bằng chuyến bay thường bất kể là quản lý hay nhân viên.

Chi phí ăn uống khi đi công tác cũng bị giảm xuống còn 30 USD dù có tiếp khách quan trọng, còn khách sạn cũng bị giới hạn ở mức 150 USD. Những món ăn vặt ở trụ sở Sea bị cắt bỏ, dòng trà cao cấp TWG bị thay bằng trà Lipton thông thường. Thậm chí, nhiều phòng vệ sinh ở công ty đã thay giấy hai lớp bằng các loại giấy một lớp.

“Chúng tôi hiện phải quan tâm đến từng xu một. Bạn có thể có một giấc mơ to lớn, một tham vọng hoài bão nhưng trước tiên bạn phải sống sót. Những người khởi nghiệp như chúng tôi luôn lo lắng sẽ hết tiền hoạt động”, nhà sáng lập Forrest Li của Sea thừa nhận.

Tuy vậy, những động thái này đã nhanh chóng đem lại hiệu quả khi công ty vừa ghi nhận lần đầu có lãi trong 14 năm hoạt động. Lợi nhuận quý I/2023 đạt 427 triệu USD, giúp cổ phiếu tăng mạnh 22%.

Hiện tổng mức vốn hóa của Sea đã tăng gấp đôi so với hồi tháng 11/2022. Vào tuần trước, công ty còn tuyên bố sẽ tăng 5% lương cho phần lớn nhân viên để ăn mừng sự kiện này.

Câu chuyện thua lỗ của Sea chẳng hề lạ lẫm trong giới khởi nghiệp. Tập đoàn này đã lỗ đến 8 tỷ USD khi đốt tiền của nhà đầu tư cho thương mại điện tử, phát triển game và tham gia cả mảng tài chính. Thế nhưng, không phải công ty nào cũng may mắn vực lại được như vậy.

Một trong những đối thủ của công ty này trong khu vực là Grab Holdings tại Singapore) đã lỗ hơn 300 triệu USD trong quý I vừa qua, còn Goto Group (Gojek) của Indonesia lỗ khoảng 250 triệu USD.

Trong khi đó, Alibaba và Amazon đang tìm cách mở rộng thị phần tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á, đe dọa đến Sea.

Đánh hơi được nguy hiểm

Trên thực tế, vào tháng 11/2021, nhà sáng lập Li đã “ngửi” được mùi nguy hiểm từ sớm khi ông tổ chức sinh nhật lần thứ 44 cho bản thân với những lãnh đạo cấp cao của Sea.

Thời điểm đó, tổng vốn hóa của công ty đã vượt 200 tỷ USD khi đại dịch giúp Garena và Shopee bùng nổ. Kể cả trong năm 2020, Sea cũng là một trong những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Thế nhưng thay vì ăn mừng, nhà sáng lập này lại chỉ ra những điều đáng ngại ngay trong bữa tối. Ông nhận thấy rằng trên Free Fire - trò chơi di động nổi tiếng của công ty - người dùng đã bắt đầu chi tiêu ít hơn khi các hạn chế trong đại dịch được nới lỏng. Lễ kỷ niệm biến thành nơi tranh luận việc thế giới sẽ thay đổi như thế nào sau đại dịch.

Phía sau khoản lãi của công ty mẹ Shopee: Tiết kiệm cả giấy vệ sinh - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Forrest Li. Ảnh: The Straits Times.

Sau đó, tháng 2/2022, Ấn Độ đột ngột cấm Free Fire cùng hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước, và thị trường quay đầu đúng như những gì nhà sáng lập này lo lắng.

Đến tháng 3/2022 khi báo cáo kết quả kinh doanh công bố khoản lỗ đều như trước, các nhà đầu tư tỏ ra mất kiên nhẫn và bán tháo cổ phiếu của Sea, khiến mã này sụt giảm hơn 45% thị giá chỉ trong 5 ngày.

Ngay lập tức, nhóm lãnh đạo cấp cao rơi vào trạng thái khủng hoảng. Họ tổ chức các cuộc họp hàng tuần để thảo luận hướng đi tiếp theo, thậm chí còn liên tục sửa chữa cơ cấu ngân sách mỗi 2 ngày một lần để cải thiện dòng tiền.

Tiếp đó là đợt sa thải hàng loạt, tạm ngưng nâng lương và thậm chí nợ lương, đồng thời rút khỏi một số thị trường như Ấn Độ, châu Âu hay Mỹ Latinh để tiết kiệm ngân sách.

Tất nhiên, những biện pháp quyết liệt của Sea dẫn đến vô số lời chỉ trích, bao gồm trường hợp một kỹ sư công nghệ vào tháng 8/2022 đăng bài tố cáo Shopee đuổi việc ông khi vừa mới bước xuống sân bay Singapore cùng vợ và cún cưng. Trước cơn bão dư luận, Shopee đã phải xin lỗi và bồi thường tổn thất cho cựu nhân viên này.

Trong thời điểm khó khăn đó, các quản lý thậm chí còn phải tự bỏ tiền túi để tổ chức khen thưởng nhân viên và giữ vững tinh thần cho tập thể. Mặc dù vậy, vào tháng 9/2022, nhà sáng lập Li vẫn cho biết Sea sẽ không thưởng cho bất kỳ lãnh đạo nào cho đến khi công ty có thể “tự sống sót”.

“Chúng ta cần phải thấy rằng đây không phải một cơn bão đến nhanh rồi qua đi mà là một trạng thái mới trong dài hạn. Khi các nhà đầu tư rút vốn sang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn thì chúng ta sẽ không thể dễ dàng gọi vốn như trước nữa”, nhà sáng lập nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận sẽ khó khăn, song vị lãnh đạo vẫn tỏ ra tự tin khi cho biết Sea sắp đạt đến điểm hòa vốn.

Theo ông, Sea có nhiều cơ hội để đưa thương mại điện tử đến các thị trường mới nổi, và thành công ở những quốc gia này sẽ là bước đệm vững chắc để công ty phát triển xa hơn.

Ngoài ra, ông Li cũng cho rằng công ty có lợi thế ở Brazil - nơi Shopee đã thành công kể từ khi ra mắt vào năm 2019. Với dân số 214 triệu người và thu nhập bình quân đầu người ở mức khá, quốc gia này có thể là thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất của Sea.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.