Thông báo vừa phát hành của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cho biết nhà băng đã nhận được quyết định của Ngân hàng Nhà nước, cho phép đổi tên viết tắt tiếng Anh từ LienVietPostBank thành LPBank.
Việc đổi sang tên viết tắt mới giúp khách hàng dễ nhớ hơn, vì ngắn gọn, dễ đọc.
Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục thay đổi toàn diện hệ thống logo và nhận diện thương hiệu thành LPBank, nhằm đồng bộ hóa các dịch vụ, sản phẩm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 ngày 23/4 vừa qua, Ban lãnh đạo LienVietPostBank đã trình cổ đông kế hoạch đổi tên và được thông qua.
Lãnh đạo ngân hàng này cho biết từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã sử dụng tên viết tắt bằng tiếng Anh chính thức là "LienVietPostBank" trên tất cả văn bản pháp lý và kênh truyền thông.
Tuy nhiên, nhược điểm của tên gọi này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Trong khi xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ. Do đó, ban lãnh đạo nhà băng trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt việc thay đổi tên viết tắt của ngân hàng từ "LienVietPostBank" thành "LPBank".
Cũng tại đại hội này, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy cho biết ngân hàng đặt mục tiêu từng bước trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu thị trường trong giai đoạn 2023-2028.
Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản dự kiến đạt 375.000 tỷ đồng vào cuối năm, tăng 11,4% so với năm 2022 và giữ vững vị thế một trong những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.
Nhà băng này cũng dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 12% cho năm 2023.
Cổ đông cũng thống nhất phương án tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng; phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu tương đương 3.000 tỷ cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 15,5%...
Kết thúc quý I/2023, LPBank đạt lợi nhuận trước thuế giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.565 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã hoàn thành 26% kế hoạch cả năm.
Cũng như LienVietPostBank, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank) cũng đã có phương án đổi tên thành BVBank, vì lý do tên viết tắt quá dài.
Theo đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 tổ chức ngày 26/4 vừa qua, Vietcapital Bank có nội dung xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh, từ Vietcapital Bank thành BVBank. Theo lý giải, việc đổi tên ngắn gọn hơn để thuận tiện trong việc truyền thông và giao dịch, phù hợp với mã giao dịch chứng khoán.
Nội dung này đã được cổ đông thông qua.
Trước đó, năm 2021, KienLongBank cũng muốn trình cổ đông thông qua việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh từ KienlongBank thành KSBank, sau khi có những thay đổi về cơ cấu cổ đông.
Lãnh đạo ngân hàng này giải thích việc đổi tên viết tắt giúp ngân hàng truyền tải thông điệp rõ ràng và phù hợp với mục tiêu số hóa trong giai đoạn mới. "K" trong KSBank là đại diện cho từ Kiên Long, còn "S" là biểu tượng bản đồ Việt Nam.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận đề nghị này, vì KienLongBank chưa tuân thủ quy định tại Thông tư số 50. Theo nội dung Thông tư 50 ban hành năm 2018, ngân hàng muốn đổi tên phải nộp bộ hồ sơ, gồm văn bản đề nghị (tên hiện tại, tên dự kiến thay đổi, lý do thay đổi) và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.