Hiểm họa từ những khu nhà hàn kín, không lối thoát hiểm rất dễ nhận thấy, nhiều cư dân vẫn chấp nhận ở lại. Song, một số người lại tức tốc chấm dứt hợp đồng, tìm nơi ở mới.
Lo âu khi sống trong "chuồng cọp", "hộp ngủ"
Tại các khu vực tập trung đông dân cư, không khó để thấy những khu nhà được chủ xây dựng lắp đặt lồng sắt. Khu vực này được nhiều người dân tận dụng làm nơi phơi đồ, trồng cây cối. Vụ cháy ngày 12/9 tại phố Khương Hạ đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về nguy hiểm khi cháy nổ, khiến nhiều người không khỏi lo âu.
Chị Nguyễn Thị Hoan (34 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) thuê căn chung cư mini trên đường Khương Hạ đã nhiều năm.
Chị Hoan cho biết: "Tôi ở đây lâu, cũng không lo lắng gì. Cho đến khi căn chung cư mini gần nhà bị cháy, tôi mới tá hỏa kiểm tra quanh nhà và nhận ra lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang bộ".
Không chỉ chung cư mini, tại địa bàn thành phố Hà Nội còn có nhiều nhà tập thể, sleep box (hộp ngủ) với nguy cơ chưa đảm bảo điều kiện PCCC.
Ghi nhận tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm,… cho thấy các chung cư mini, homestay, sleep box "mọc" lên như nấm. Đây đều là các mô hình cho thuê có sức chứa lớn, lên đến hàng trăm người trong một tòa.
Sau nhiều lần chuyển nhà, chị Yến Linh (22 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) quyết định thuê "hộp ngủ" tại một con ngõ trên đường Thái Hà. Mới ở được vài tháng, sau khi nghe tin về vụ cháy tại Thanh Xuân, chị không ngừng lo lắng về nơi ở hiện tại của mình.
"Qua vụ đó thì tôi lại càng thấy sợ hơn. Một tầng có đến 8 hộp ngủ tương đương 8 người ở. Tầng tôi ở có một ô cửa sổ nhỏ. Dưới tầng một lại để rất nhiều xe máy. Từ lúc nghe tin cháy ở Thanh Xuân tôi lại lo lắng không yên", chị tâm sự.
Được biết, các mô hình như sleep box, homestay giống như kí túc xá, nhưng có nhiều khoang ngủ hay giường tầng chồng lên nhau. Nhiều người tìm đến dịch vụ này với mong muốn tiết kiệm chi phí, không phải sắm sửa nội thất.
Tuy nhiên, hầu hết các mô hình kinh doanh dạng này đều có diện tích nhỏ, số lượng người ở đông. Chỉ với một cầu thang bộ duy nhất là không đủ để cư dân thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn.
Sẵn sàng bỏ cọc đi thuê nhà mới
Để vào ở trong các chung cư mini, homestay hay sleep box, người thuê phải ký hợp đồng kéo dài từ 3 – 12 tháng tùy theo quy định của chủ nhà. Chính vì vậy, khi có ý muốn rời đi, nhiều người đứng trước hai lựa chọn: ở lại đủ thời gian trên hợp đồng hoặc trả phòng trước thời hạn và mất cọc.
"Nghe tin vụ cháy ở Hà Nội, người thân dưới quê gọi điện lên liên tục. Khi thấy nơi ở của tôi cũng bị gắn lồng sắt, người thân rất lo lắng và mong muốn tôi chuyển đi càng sớm càng tốt nhưng tôi đã lỡ thuê 12 tháng nên giờ chuyển đi coi như mất tiền cọc", chị Cao Thị Duyên (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Theo lời chị Duyên, đường vào khu trọ có cửa san sát. Ngõ chỉ vừa hai xe máy lách qua. Chị Duyên sống trong căn phòng chưa đến 15 mét vuông, được cải tạo từ một căn nhà 4 tầng thành nhà trọ. Khung cửa sổ hàn kín bằng khung sắt.
"Ở tại đây, nếu có cháy thì tôi không biết làm thế nào để thoát ra. Tầng 1 ngoài xe của người ở thì còn xe của người ngoài thuê riêng để ở đây, như vậy lại càng chật chội. Mới đây căn phòng tôi ở còn tăng tiền thuê, chắc tôi tìm nhà mới luôn trong đợt này", chị Duyên cho biết.
Cùng theo dõi vụ cháy nổ tại Khương Hạ, chị Hoàng Khánh Linh (25 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cũng đầy lo lắng khi bản thân đang thuê phòng trọ trong con ngõ nhỏ, đường đi lắt léo.
Chị Linh kể, chị thuê trọ tại đây vì phòng rộng, thoáng, lại có ban công. Ban đầu chị không nghĩ nhiều về phần ban công được hàn kín. Tuy nhiên sau vụ cháy lớn, chị nhận ra nơi này không đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.
"Tôi báo với quản lý về việc thuê thợ cắt khung sắt nhưng quản lý nói không cần thiết. Họ có lắp đặt các bình chữa cháy ở mỗi tầng nhưng tôi cho rằng như vậy là không đủ nên đã trả phòng và chấp nhận mất 3 triệu tiền cọc. Bây giờ tôi vẫn đang tìm phòng mới", chị cho hay.
Sau vụ cháy lớn đầy thương tâm tại quận Thanh Xuân, các khu nhà trọ trong ngõ nhỏ, giá rẻ không còn là sự lựa chọn đầu tiên của hộ gia đình, sinh viên.
Trong các hội nhóm cho thuê trọ trên mạng xã hội, đa số người thuê đều tìm kiếm những căn phòng thoáng, có lối thoát hiểm, đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.