Thấy gì từ những sự cố xe ô tô liên tiếp xảy ra?
Chính Phong
25/12/2024 7:26 PM (GMT+7)
Vai trò của các cơ quan quản lý chất lượng sản xuất xe ô tô, cơ quan đăng kiểm, ủy ban an toàn giao thông và các cơ quan giám sát xã hội đang ở đâu trong việc này?
Trong suốt một thời gian dài, đa số người Việt Nam đi xe máy. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao, nhiều gia đình đã có điều kiện sở hữu một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, với túi tiền không được lớn lắm, lựa chọn một chiếc xe hơi đảm bảo yêu cầu đẹp, tốt, rẻ, an toàn, hậu mãi tốt không phải đơn giản, chứ không nói đến những dòng xe sang trọng.
Người ta thường kháo kinh nghiệm mua xe: Thứ nhất, xe có độ bền mong đợi đến 20 năm, như vậy có đồ bền mà đi lâu dài, và không mất giá khi đổi xe khác. Thứ hai, độ tồn tại lâu dài của hãng xe, nếu hãng xe đóng cửa sau vài năm hoạt động, xe của bạn không có phụ tùng thay thế coi như quẳng cái xe. Những hãng xe nào nợ tiền nhiều, thua lỗ triền miên, xe liên tục lỗi, không đầu tư nhiều vào khâu R&D, linh kiện nhập nhiều từ nơi khác, không chủ động được công nghệ và chiến lược kinh doanh không đáng tin cậy sẽ là hãng xe có nguy cơ đóng cửa lớn nhất.
Thứ ba là thị trường của xe, bạn mua xe và xem nó như một loại tài sản, khi bạn bán lại, bạn không muốn nó bị mất giá nhiều. Nếu xe bạn mua được ưa chuộng trên thị trường, nhiều người biết và thích thì tốt, bạn đã đạt được mục đích. Còn nếu bạn mua loại xe không được công chúng và thị trường đánh giá cao, thì chắc chắn xe bạn sẽ mất giá nhiều khi bán lại. Có hãng đặt chiến lược bán xe giống như hại chính khách hàng của mình. Lúc mới ra họ đặt giá rất cao, lúc sau thì giảm giá rất sâu để giải quyết hàng tồn, như vậy là bất công với những người mua đầu, liệu sau đó họ còn tin vào hãng?
Thứ tư là yếu tố tài chính, hãng và đại lý bán xe có các gói hỗ trợ tài chính nào? Thứ năm, hệ thống sửa chữa và bảo trì tốt, có thợ tay nghề tốt và thái độ phục vụ tốt. Bạn hẳn không muốn mua xe của một hãng mà xe hỏng triền miên, không lỗi này thì lỗi khác, đến các cơ sở sửa chữa của hãng, người ta khất lần, đùn đẩy và còn đổ lỗi cho chính khách hàng. Và dẫn đến việc có chủ xe giận quá, viết thư đến hãng nói nếu không sửa chữa, thì chủ xe sẽ công khai đốt xe quay trực tiếp để cộng đồng mạng xem.
Nhưng trên hết, trên năm yếu tố kể trên là yếu tố an toàn. Xe của bạn có thể mất giá, có thể phải vứt đi nếu hãng đóng cửa. Nhưng nếu xe của bạn không an toàn, bạn không còn hiện diện nữa để mà tức giận đâu.
Nhiều sự cố xe ô tô liên tiếp xảy ra gần đây
Các hãng xe nước ngoài đầu tư rất nhiều nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm làm sao xe có sự an toàn cao nhất. Nhưng mọi thứ đều không hoàn hảo, ví dụ tại Anh, tai nạn giao thông do lỗi của xe chiếm khoảng 2%. Các hãng làm vậy không chỉ để bảo vệ danh tiếng, uy tín, kèm theo đó là thị trường, doanh thu, mà còn để không bị phạt tiền nặng, hoặc triệu hồi hàng loạt để sửa chữa với chi phí rất cao. Ví dụ, công ty Nhật Bản Takata sản xuất túi khí (airbag) cho xe hơi đứng đầu thế giới với doanh thu lên tới 60 tỉ USD/năm đã phá sản năm 2017 vì một lỗi kỹ thuật rất nhỏ khiến cho hàng trăm triệu xe hơi của các hãng xe lớn trên thế giới phải triệu hồi để sửa chữa.
Ở các nước, một chiếc xe để được lăn bánh thì phải chịu rất nhiều vòng kim cô về kiểm soát an toàn, ví dụ ở Mỹ có các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải như Cơ quan quản lý an toàn vận tải cơ giới liên bang (FMCSA), Cơ quan quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia (NHTSA), Cơ quan quản lý đường bộ liên bang (FHWA), Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), các cơ quan ở các tiểu bang. Xe phải tuân theo Tiêu chuẩn an toàn xe cơ giới liên bang (FMVSS) có đến hàng trăm hạng mục.
Khi một xe có lỗi, người chủ xe có thể phàn nàn với hãng xe. Nếu hãng xe không xử lý đúng đắn, chủ xe có thể viết thư đến các cơ quan trên phàn nàn. Nếu các cơ quan trên thấy, lỗi đó không chỉ ở một xe mà ở trên nhiều xe cùng loại, họ sẽ tiến hành thử nghiệm, điều tra, chi phí này hãng xe phải trả.
Nếu các cơ quan đó phán, rõ ràng lỗi do xe, họ sẽ nói hãng xe triệu hồi về sửa chữa. Nếu hãng xe tự nguyện triệu hồi thì được, còn hãng xe chống chế, các cơ quan sẽ ra văn bản bắt buộc hãng phải triệu hồi. Thường các hãng chọn tự nguyện triệu hồi. Năm 2015, các cơ quan quản lý ở Mỹ ra gần 900 lệnh triệu hồi riêng biệt, ảnh hưởng đến 51 triệu xe trên toàn quốc. Mỗi lần thu hồi tốn hàng trăm triệu USD, cá biệt Toyota trong giai đoạn 2009-11 tốn 2 tỉ USD triệu hồi xe để sửa chữa lỗi ở bàn đạp ga.
Các cơ quan và hãng xe làm rất có trách nhiệm để đảm bảo an toàn giao thông, không chỉ an toàn cho chủ xe và những người ngồi chung xe, mà còn an toàn cho những người khác đang lưu thông trên đường, và cả những ngôi nhà ở hai bên đường. Để không có thảm kịch cả nhà đang ngồi trong nhà ăn cơm thì bỗng đâu một hung thần từ ngoài đường chồm thẳng vào mâm cơm. Các hãng xe làm cũng cho chính họ, chi phí hầu kiện và bồi thường rất lớn nếu điều tra cho thấy đó là lỗi xe.
Một điều nữa, các cơ quan quản lý an toàn về xe rất coi trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của những người làm việc trong ngành xe. Cả Ủy ban chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Cơ quan quản lý an toàn giao thông đường bộ quốc gia (NHTSA) đều có các chương trình thưởng tiền cho những người tố giác các quy trình sản xuất xe cẩu thả mà việc tố giác dẫn đến các hành động thực thi thành công.
Ví dụ mới đây nhất là SEC và NHTSA đang bảo vệ một kỹ sư cơ khí người Anh từng làm việc cho một hãng xe của Ấn Độ để phát triển một dòng xe cho một hãng xe ở Đông Nam Á. Kỹ sư này tố giác rất nhiều điểm cẩu thả trong thiết kế và sản xuất của dòng xe này nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và đẩy nhanh tiến độ ra xe. Đó là những điểm khiến xe trở nên rất kém an toàn. NHTSA bảo vệ và trao thưởng cho những người tố giác ở xa lắc đâu đó ngoài nước Mỹ dựa trên lý luận, biết đâu có một ngày hãng xe làm cẩu thả kia đưa vào nước Mỹ của họ những "vũ khí giết người di động". Chặn ngay từ trước sẽ tốt hơn.
Thời gian gần đây, trên lãnh thổ Việt Nam xảy ra nhiều sự cố về xe của một hãng đang sản xuất xe tại đây. Sự cố kéo dài từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Lạt, Tuyên Quang, Đồng Nai… khắp nơi, gây ra cả tai nạn thương tâm rồi. Những sự cố rất khó hiểu như xe tự động lùi, tự động lái, tự động bốc khói, tụt pin, chết máy giữa đường, lỗi phần mềm. Trước đó, hiện tượng gãy trục xe của xe hãng này khá phổ biến dù rằng lúc đó xe chỉ di chuyển giữa đường phố đông đúc với tốc độ thấp.
Việc này không chỉ gây mất an toàn cho chủ xe, mà đáng nói hơn là mất an toàn cho những người tham gia gia thông khác trên đường. Đến mức nhiều người trên mạng xã hội tuyên bố họ sẽ tránh xe này triệt để, không đứng gần xe, kể cả khi xe đang đậu bên lề đường. Có người còn truyền đạt kinh nghiệm đi xe: "Ra đường, gặp xe hãng này mình chạy chậm lùi hẳn lại tránh xa cho lành, hoặc định lượng tình hình xe trước sau, khoảng cách an toàn rồi chủ động vượt qua xe hãng đó thật xa mới an tâm hành trình tiếp".
Rõ ràng có một sự hoang mang không nhỏ trong xã hội cần phải có một cuộc tổng kiểm tra công khai từ cơ quan nhà nước, hoặc một cuộc điều tra độc lập từ một ủy ban quốc hội để xem xét những sai sót của hãng xe đó có mang tính hệ thống hay không, xác định là lỗi xe hay lỗi tài xế, tại sao không có tài xế trên xe mà xe vẫn cứ hoạt động và di chuyển. Nhưng không, chưa thấy cơ quan nào nào công khai họ đang làm việc đó, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đâu? Cục đăng kiểm đâu? Các cơ quan giám sát xã hội bảo vệ người dân đâu?