Tăng trưởng chậm của TP.HCM là điều đã được cảm nhận trong hầu hết giới kinh tế. Nói như một số chuyên gia phát biểu với truyền thông, là “không bất ngờ”, nhưng mà con số chỉ 0,7% vẫn là đặc biệt thấp. Một số phân tích của các công ty chứng khoán vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng trên 3% (ngay cả như vậy thì cũng chỉ đạt một nửa mục tiêu tăng trưởng đặt ra hồi đầu năm của TP.HCM).
Nói cách khác, tăng trưởng GDP của TP.HCM trong quý I/2023 không đạt mục tiêu là chuyện ít nhiều đã được dự đoán trước, nhưng “không ngờ giảm sâu vậy” như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
Có 2 vấn đề được nhiều chuyên gia chỉ ra là nguyên nhân chính kéo tăng trưởng kinh tế của TP.HCM xuống thấp.
Thứ nhất là, tăng trưởng khu vực dịch vụ (ngành chiếm 66% cơ cấu kinh tế của TP.HCM), chỉ đạt 2,07%, trong khi năm 2022, khu vực này tăng trưởng trên 8,3%.
Thứ hai là, khu vực công nghiệp và xây dựng (chiếm tỷ trọng 20% cơ cấu kinh tế của TP.HCM) giảm 3,6%. Kinh tế toàn cầu khó khăn khiến đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giảm mạnh, trong khi TP.HCM là trung tâm kinh tế - dịch vụ của cả nước, nên bị ảnh hưởng theo là điều không khó hiểu.
Nhưng đó là những gì các con số thống kê cho thấy, trong khi vấn đề thật sự lại nằm ở chỗ sâu xa và là căn bệnh lâu năm của TP.HCM được chỉ ra nhiều năm nay mà không được chữa. Vì vậy, chiếc đồ thị “gây sốc” với nhiều người thể hiện tốc độ tăng GDP cực thấp của TP.HCM so với 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác, do Tổng cục Thống kê vừa công bố thật ra là không lạ với giới kinh tế cả nước.
Thực tế này đã diễn ra từ lâu rồi, chỉ là sự tương phản lần này đã quá rõ ràng nên thu hút nhiều mối quan tâm hơn mà thôi. Lý do sâu xa của sự tăng trưởng chậm ở TP.HCM là do ba cái thiếu kéo dài nhiều năm.
Cái thiếu thứ nhất là một cơ chế phát triển phù hợp, hay nói cách khác, TP.HCM đang mặc một chiếc áo quá chật so với cơ thể ngày một lớn, như TS. Trần Du Lịch đã phát biểu tại Hội thảo khoa học Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030 cách đây 2 năm.
Ông Lịch cho biết, TP.HCM đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực đều giảm dần.
Theo TS. Trần Du Lịch, trong giai đoạn 20 năm (1991-2010), tốc độ tăng GDP trên địa bàn TP.HCM bình quân 10,5%/năm, và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm (2011-2020), tốc độ này giảm chỉ còn 7,2%/năm, và năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Cùng kỳ năm ngoái, tức là quý I/2022, TP.HCM cũng là một trong 10 địa phương tăng trưởng GDP thấp nhất cả nước.
Sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị loại đặc biệt như TP.HCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với hình tượng dễ hiểu là “Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”.
Như vậy, từ 2 thập kỷ trước, cơ chế phát triển lạc hậu của TP.HCM so với quy mô và trình độ lực lượng lao động đã được chỉ ra, nhưng không có một giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Lấy ví dụ, những câu hỏi như “vì sao 4 năm, TP.HCM chỉ thu hút được 5 nhân tài?” cứ đến hẹn lại lên, gần như là một câu hỏi tu từ, nhưng không có câu trả lời thỏa đáng, vì người ta cứ tránh nói thẳng. Không thu hút được nhân tài là do cơ chế. Trả tiền lương cao và có môi trường làm việc tốt thì tự nhiên nhân tài sẽ đến. Và còn rất nhiều câu chuyện về cơ chế khác nữa.
Cái thiếu thứ hai là thiếu đầu tư hạ tầng tương ứng. Nhiều người nước ngoài nhận xét, TP.HCM tụt hậu về hạ tầng, thậm chí nhà báo Michael Tatarski (nhà báo người Mỹ, sống và làm việc tại Việt Nam) gọi TP.HCM là “siêu đô thị đình trệ”.
Tuyến đường sắt đô thị metro kéo dài cả thập kỷ, gần như đã trở thành một đặc điểm của TP.HCM. Điều đáng buồn đó phản ánh bộ mặt của một siêu đô thị đình trệ, quá tải về hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, thiếu một hệ thống giao thông công cộng xứng tầm cũng như năng lực kết nối với các đô thị vệ tinh. Đường sá, metro, sân bay, đều trong tình trạng quá tải và những dự án mới chậm triển khai.
Tháng 10 năm ngoái, nhân một chuyến đi Thái Lan, tôi hẹn gặp một anh bạn cũ làm kinh doanh ở Singapore, cũng vô tình đang ở Thái Lan khi đó. Ngồi nói chuyện nhiều thứ, anh dẫn tôi ra một tuyến tàu điện ở Bangkok và bảo tôi: “TP.HCM giờ nhiều thứ không thua gì Bangkok, thậm chí còn hơn, nhưng cái chuyện giao thông công cộng thì thua xa cả 2 thập kỷ”.
Một nhà báo nước ngoài sống ở Việt Nam và một người dân gốc TP.HCM không hẹn mà gặp, cùng nhận ra vấn đề về hạ tầng của TP.HCM so với một thành phố tương đương trong khu vực ASEAN. Các chuyên gia kinh tế cũng nói nhiều rồi, nhưng qua bảng biểu, số liệu kinh tế thì không sống động bằng những câu chuyện của họ.
Đứng ở Bangkok hay Kuala Lumpur để nhìn về TP.HCM, mới thấy cái thiếu về hạ tầng của ta, dù các thành phố bạn cũng nổi tiếng về kẹt xe không kém TP.HCM.
Cái thiếu thứ ba là thiếu tiền đầu tư. Nghe vô lý nhưng là sự thật. Sự thiếu hụt hạ tầng xứng tầm với tham vọng phát triển của TP.HCM kể trên là rõ ràng, nhưng do đâu trì trệ thì lại là một câu hỏi đã tốn nhiều giấy mực mà không được giải quyết suốt một thập kỷ qua.
Có chuyên gia cho rằng, giải ngân đầu tư không tương ứng là nguyên nhân lớn. TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, phân tích: “Chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng đang là điểm nghẽn. Mức chi chung giảm 8,5% và chi đầu tư chỉ có 487 tỷ đồng, đạt 1,1% dự toán, bằng 24,5% so với cùng kỳ. Trong gần 60 ngày làm việc của quý I, con số chi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày cho nền kinh tế có quy mô 1,5 triệu tỷ đồng”.
Người ta nói tới những nguyên nhân khách quan như xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng sụt giảm, và câu chuyện về suy giảm của thị trường bất động sản, tăng cung tiền, tăng tín dụng thấp. Nhưng câu chuyện vốn đầu tư không thể giải ngân, thiếu “vốn mồi” cho phát triển đang là thách thức lớn của đầu tàu kinh tế cả nước này. Không có tiền thì không có hạ tầng và do đó tất yếu là không có tăng trưởng kinh tế xứng tầm.
Thiếu vốn mồi từ ngân sách, thiếu hạ tầng, thiếu cơ chế phù hợp, dẫn tới vốn đầu tư tư nhân cũng sụt giảm luôn.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2023 của Cục Thống kê TP.HCM, thì vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 70% vốn đầu tư thực hiện của TP.HCM) chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong cùng thời điểm, vốn nhà nước trên địa bàn (chiếm 18,5% vốn đầu tư của TP.HCM) giảm 3,3%. Những con số này là rất thấp so với mức tăng hơn 19% của doanh nghiệp FDI (chỉ chiếm 11,3% vốn đầu tư của toàn TP.HCM).
Vì FDI là “ngoại viện”, nên những con số vốn đầu tư thực hiện cho thấy, nguồn tiền đầu tư xuất phát nội lực là rất yếu. Với vốn đầu tư thực hiện như vậy trong quý I/2023, triển vọng tăng trưởng những quý tiếp theo chỉ có thể trông cậy vào ngoại lực.
Đó là sự hồi phục của xuất khẩu và vốn FDI, cũng như chờ đợi chuyển biến từ phía thị trường bất động sản và du lịch, những thứ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành xây dựng và dịch vụ, chứ với mức tăng 3,6% của đầu tư xây dựng cơ bản so với cùng kỳ, thì không có nhiều hy vọng với tăng trưởng bằng nội lực do mức đầu tư đó tạo ra.
Nói cách khác, nếu không có chuyển biến về thực chất để giải quyết ba cái thiếu (thiếu cơ chế, thiếu hạ tầng, thiếu tiền) thì tăng trưởng GDP của TP.HCM, nếu có hồi phục trong các quý sau, cũng chỉ là “người khổng lồ chân đất sét” của kinh tế cả nước, hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi của ngọn gió kinh tế ngoại lực.
Chỉ cần một thay đổi trong xu thế xuất khẩu hay FDI, là người khổng lồ sẽ lộ rõ điểm yếu của mình. Mà không có cơ chế, hạ tầng và tiền đầu tư xây dựng cơ bản, thì nội lực thúc đẩy tăng trưởng đến từ đâu?
Cũng đừng nghĩ, đây chỉ là vấn đề của riêng TP.HCM. Trung tâm kinh tế của cả nước mà bị bệnh thì cả nước cũng sẽ bị lây nhiễm theo. Tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ tăng hơn 3% trong quý I/2023, chỉ rõ điều đó.
Khi một trung tâm kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ hàng đầu của cả nước tăng trưởng chậm, thì những đầu mối cung cấp hàng sớm muộn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Kinh tế tăng trưởng chậm như vậy, trong khi lãi suất thì cao, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp trong tình trạng làm không đủ trả lãi ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng. Bởi vậy, đẩy mạnh gỡ rối cho TP.HCM cũng chính là hỗ trợ cho cả nước.
Theo Báo đầu tư
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi bão số 3 (tức siêu bão Yagi).
Hàng hóa, thực phẩm phục vụ mùa Tết với giá bình ổn, khuyến mãi sâu chính thức được TP.HCM triển khai và tổ chức bán lưu động tại nhiều quận. Người dân sẽ được mua sắm hàng Tết với giá bất ngờ, để ai cũng được đón xuân.
Thảo cầm viên Sài Gòn đứng trước nguy cơ trước nguy cơ tạm ngưng hoạt động khi bị truy thu gần 850 tỷ đồng tiền nợ thuế.
11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 15,8 triệu lượt khách quốc tế ước đạt 758 nghìn tỷ đồng. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất với 4,1 triệu lượt người, chiếm 26,1% tổng lượng khách quốc tế.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Sau 5 phiên giao dịch dao động quanh mốc 100.000 USD, đồng Bitcoin đã giảm mạnh khiến chủ sở hữu mất trắng 3.220 USD/BTC.