Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2024 (ngày 2/1), tuy thị trường bị áp lực chốt lời nhưng nhờ một số cổ phiếu chủ lực tăng giá nên chỉ số VN-Index tăng điểm nhẹ. Theo đó, kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 1,79 điểm, tương ứng 0,16%, lên 1.131 điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, phiên này nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 354 tỷ đồng, tập trung bán các mã thuộc nhóm ngành ngân hàng, tài chính như FUESSVFL, SSI, SHB…
Phiên giao dịch hôm nay (3/1), Chứng khoán Asean (Aseansc) nhận định, phiên giao dịch 2/1 thị trường hình thành mẫu nến giảm điểm thân hẹp, đóng cửa ở vị trí tương đương phiên trước với thanh khoản gia tăng mạnh, thể hiện trạng thái giằng co và thận trọng khi áp lực tâm lý vẫn lớn, bất chấp dòng tiền nhập cuộc.
Bên cạnh đó, giá duy trì trên hai đường EMA6 và EMA20 thể hiện xu hướng chưa có nhiều thay đổi sau khi tiếp cận vùng đỉnh cũ và cần tiếp tục thắt chặt nhằm giảm áp lực bán. Thị trường có xu hướng tiếp tục đi ngang và rung lắc trong ngắn hạn, trước khi đi lên tiếp cận vùng kháng cự 1.156 điểm.
Trong khi đó, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, VN-Index kết phiên 2/1 với mẫu hình nến có giá đóng cửa thấp hơn mức giá mở cửa ngay tại vùng kháng cự quanh 1.130 điểm cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện diện khá mạnh tại đây, trong khi ý định đánh bứt phá khỏi mức cản này chưa rõ ràng.
Chỉ báo MACD và RSI vẫn đang duy trì tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được ủng hộ. TPS cho rằng nhịp tăng xuất phát từ ngày 19/12/2023 là chưa kết thúc. Tuy nhiên, vị thế hiện tại đã cách điểm mua khá xa và với các diễn biến vừa qua, rủi ro của thị trường vẫn đang ở mức cao.
Nhà đầu tư nên tranh thủ chốt lời những khi thị trường hưng phấn trong phiên nhằm bảo toàn lợi nhuận và chỉ mở vị thế mua mới khi nhóm vốn hóa vừa lấy lại đà tăng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì nhận định thị trường đã bước qua ngưỡng 1.130 điểm của VN-Index. Thanh khoản trên sàn HoSE tăng so với phiên trước cho thấy nguồn cung có động thái gia tăng.
Thị trường sẽ tạm thời dao động trong vùng 1.130 – 1.140 điểm của VN-Index trong thời gian gần tới để kiểm tra lại cung cầu trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát cung - cầu cổ phiếu, nên ưu tiên nắm giữ các mã chứng khoán đã tạo nền tích lũy và có giá khởi sắc trong thời gian gần đây. Đồng thời, trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng những đợt tăng của thị trường để chốt lời cổ phiếu.
Chứng khoán Đông Á (DAS) thì đánh giá, phiên giao dịch đầu năm (2/1) sôi động nhưng lực bán khá mạnh làm cho chỉ số chỉ tăng nhẹ. Cổ phiếu ngân hàng là bệ đỡ hôm nay khi nhóm này vừa có tỷ trọng lớn vừa có mức tăng cao. VN-Index thoát đáy và đi lên mạnh trong hai tháng cuối năm vừa qua, kỳ vọng sẽ quay lại chu kỳ tăng trưởng từ năm 2024.
Chiến lược giao dịch hợp lý là đầu tư theo xu hướng, nắm giữ danh mục trung dài hạn. Quan tâm nhóm cổ phiếu chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng, xây dựng hạ tầng và cổ phiếu khu công nghiệp.
Phiên giao dịch hôm nay (3/1), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị trung lập cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu 29.100 đồng/cổ phiếu.
Trong quý IV/2023, VDSC kỳ vọng sản lượng thép xây dựng đạt 1,15 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ khi các dự án đầu tư công tăng cường giải ngân trong các tháng cuối năm.
Qua đó, doanh thu của Hòa Phát có thể đạt 33.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.868 tỷ đồng.
Năm 2024, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của Hòa Phát tăng trưởng đáng kể từ thị trường nội địa, hỗ trợ bởi các dự án bất động sản sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024, đi cùng với quá trình xây dựng và tăng nhu cầu nguyên vật liệu; các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng trong giai đoạn năm 2024-2025.
Từ đó, dự báo doanh thu của Hòa Phát trong năm 2024 có thể ở mức 145.100 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 11.000 tỷ đồng, tăng 23% và 94% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng với tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 1.782 đồng.
Từ các yếu tố trên, VDSC khuyến nghị trung lập cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 29.100 đồng/cổ phiếu.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì khuyến nghị mua cổ phiếu QTP của Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh với giá mục tiêu 16.800 đồng/cổ phiếu.
Theo KBSV, dư nợ của QTP giảm mạnh qua các năm nhờ việc tập trung dòng tiền để trả nợ. Theo báo cáo tài chính quý III/2023, QTP chỉ còn khoảng 716 tỉ đồng nợ vay. Dựa trên lịch trả nợ và tình hình thực tế, KBSV dự báo QTP có thể hoàn thành trả nợ trả nợ vào năm 2024-2025.
Với việc không còn nợ vay, KBSV cho rằng QTP sẽ giữ mức cổ tức hấp dẫn như hiện nay khi không có kế hoạch mở rộng lớn trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở đó, KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu QTP với giá mục tiêu 16.800 đồng/cổ phiếu.
Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.