
Khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều nhất, tiêu tiền nhiều và ở lại lâu
Phúc Minh
08/02/2023 6:15 PM (GMT+7)
Khách Trung Quốc chiếm đến 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trước Covid-19, chi tiêu nhiều và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á. HSBC đánh giá nguồn khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ khách Trung Quốc.
50-80% khách Trung Quốc quay lại Việt Nam
Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ giúp Việt Nam vượt mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022. Trong khi đó, khách quốc tế chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động và chưa đạt như kỳ vọng, chỉ đón 3,6 triệu lượt khách quốc tế, bằng 20% so với mức của năm 2019.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (biểu đồ 1) và cơ cấu khách Trung Quốc tại một số nước Đông Nam Á. Nguồn: HSBC
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của HSBC, Việt Nam vẫn có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, bởi trước dịch Covid-19, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam khi chiếm đến 30%.
"Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có thể đạt được tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc quay lại từ 50-80%", HSBC nhận định.

Khách Trung Quốc tham quan Hội An trước dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc
Theo HSBC, mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện, bởi không chỉ chiếm tỷ trọng lớn mà khách du lịch Trung Quốc cũng chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á khác.
“Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận cú hích từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc”, HSBC đánh giá thêm.
Để thu hút được khách du lịch Trung Quốc, các chuyên gia của HSBC cho rằng cần giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.
Cần những cú hích khác
Tuy nhiên, để thực sự hút khách quốc tế không chỉ từ một thị trường Trung Quốc, các chuyên gia của HSBC cho rằng việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là một vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới với các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch tiếp cận các thị trường mới nổi, chẳng hạn là Ấn Độ.
Sau dịch Covid-19, một số đường bay với Ấn Độ được mở lại và khai thác mới, cùng các chương trình quảng bá du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đã tăng thấy rõ. Khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2019.

Khách Ấn Độ tham quan chợ Bến Thành, TP.HCM năm 2022. Ảnh: Hồng Phúc
Tháo gỡ nút thắt thị thực cũng là một vấn đề cần được Chính phủ quan tâm. Hiện Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. So với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam. Các quan chức đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo HSBC, cần phải đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bên cạnh cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch. Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam, điển hình như du lịch golf có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao.
“Cùng với các phân khúc khác như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam”, HSBC đánh giá.
Ngoài ra, lĩnh vực lưu trú, nhất là các khách sạn 4-5 sao, đẳng cấp quốc tế để phục vụ khách quốc tế, khách chi tiêu cao cũng đang được đầu tư tại các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam: La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến sẽ khai trương vào giữa năm nay, Marriott International cũng dự kiến bổ sung 9.000 phòng vào mức hiện tại là 3.300 phòng.
“Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực”, chuyên gia của HSBC đánh giá.
Hà Nội sắp khởi công cụm công nghiệp gần 160 tỷ đồng gần Vành đai 4, ngay chân cầu Hồng Hà
Hà Nội giao 60.000m² đất tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Đây là cụm công nghiệp có vị trí nằm ngay đường vành đai 4, chân cầu Hồng Hà sắp khởi công xây dựng.
Bật mí cách duy nhất giúp Đông Nam Á đẩy lùi 'cơn lũ' hàng giá rẻ Trung Quốc
Từ tủ gỗ đến quần áo, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng giá rẻ Trung Quốc đang làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và sinh kế tại Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là điều gì đang chờ đợi phía trước và làm thế nào để Đông Nam Á có thể đẩy lùi 'cơn lũ' hàng hóa giá rẻ Trung Quốc?
TikTok có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm quy định của EU
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã bị các cơ quan quản lý công nghệ EU buộc tội vì vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến của EU, khiến chủ sở hữu ByteDance có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Hai trường đại học hàng đầu Châu Á về tạo ra số người siêu giàu
Theo nghiên cứu của Altrata, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc là những trường đại học hàng đầu châu Á về đào tạo ra những cựu sinh viên siêu giàu.