Thứ năm, 02/01/2025

Ngày 30/4/1975 ở các sở chỉ huy

30/04/2023 8:38 AM (GMT+7)

Sáng 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các Ủy viên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đón nhận tin Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.


Ngày 30/4/1975 ở các sở chỉ huy - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu chụp lúc 12 giờ 50 phút ngày 30/4/1975 tại Tổng hành dinh, thành cổ Hà Nội. Ảnh tư liệu của tác giả Nguyễn Tiến Trỗ

Khi nghe tin Quân giải phóng đã vào đến Dinh Độc Lập, bắt nội các ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, thì ở Tổng hành dinh, Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy quân đoàn, thông tin đó được đón nhận thế nào?

Tất cả sự kiện này, cũng như cảm xúc của các vị tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ ở sở chỉ huy, đều được ghi lại chi tiết trong hồi ký của các nhân vật lịch sử.

Sáng 30/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các Ủy viên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đón nhận tin Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập tại phòng họp ở Nhà Con Rồng, thành cổ Hà Nội.

Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng”, Bộ chỉ huy tối cao nhận tin đầu tiên về việc Quân giải phóng có xe tăng dẫn đầu đang tiến vào Sài Gòn từ Đài Phát thanh Nhật Bản lúc 10 giờ.

Đến 10 giờ 50 phút, Cục 2 (Quân báo) báo cáo Quân giải phóng đã vào dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này.

Đại tướng Hoàng Văn Thái, khi đó là Phó Tổng tham mưu trưởng thứ nhất (thực tế là quyền Tổng tham mưu trưởng, thay cho Đại tướng Văn Tiến Dũng đã vào miền Nam giữ chức Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh), đã tả kỹ những diễn biến này trong cuốn hồi ký “Những năm tháng quyết định”:

Cục phó Cục 2 tất tưởi đi như chạy, báo cáo Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh và Vương Thừa Vũ: “Ta đã giải phóng Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng”. Ông vừa nói vừa giơ cao chiếc băng ghi âm mà Cục 2 vừa ghi âm.

Các thành viên trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương vui mừng, có người không cầm được nước mắt.

Tướng Cao Văn Khánh yêu cầu: “Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) chỉ thị phải đem băng ghi âm giọng nói của Dương Văn Minh hôm nay đối chiếu giọng khi Dương Văn Minh tuyên bố nhậm chức hồi 17 giờ ngày 28/4/1975 xem có giống nhau không”.

Trở lại với hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “11 giờ 30 phút, đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục Cơ yếu mang vào phòng họp một bức điện của Trung tướng Lê Trọng Tấn (Tư lệnh cánh quân phía Đông) báo cáo: Một đơn vị thuộc cánh quân phía Đông đã cắm cờ lên Dinh Độc Lập.

Sau khi chỉ đạo gửi bức điện “Đã nhận tin ta cắm cờ lên Dinh Độc Lập lúc 11 giờ. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui” lúc 12 giờ 25 phút, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng. Chỉ 15 phút sau, đài ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại dòng tin: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.

Ngày 30/4/1975 ở các sở chỉ huy - Ảnh 2.

Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sở Chỉ huy tiền phương, Bình Dương. Ảnh tư liệu của tác giả Võ Xuân Sáng

12 giờ 50 phút, tại Sở chỉ huy, có mặt thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng; đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Tác chiến; đại tá Nguyễn Trọng Yên và thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Cục phó Tuyên huấn. Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ.

Thượng úy Nguyễn Tiến Trỗ, cán bộ bảo vệ Đại tướng, với chiếc máy ảnh hiệu Kiev, đã ghi lại hình ảnh lịch sử này.

Tướng Hoàng Văn Thái viết tiếp về diễn biến hân hoan đón nhận tin chiến thắng: “Hành lang phòng họp của Quân ủy bỗng trở nên chật hẹp hẳn lại. Không biết từ lúc nào, các anh trong Bộ Chính trị và chúng tôi đã từ phòng họp ra cả hành lang”.

“Anh Khánh, một số cán bộ các Cục và Văn phòng, trực ban tác chiến, Tổ cơ yếu thường trực, mấy chiến sĩ công vụ, vệ binh, tất cả chỉ trong chốc lát bỗng nhiên hình thành một cuộc mít tinh. Già, trẻ, thường phục, quân phục, cấp trên, cấp dưới, mọi người đều hân hoan, xúc động. Các anh trong Bộ Chính trị cười nói rất vui”.

Đồng chí trực ban tác chiến được phép thông báo tin chiến thắng đến các Tổng cục, các Cục. Trước đó, ít nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đã biết. Vậy mà khi tiếng loa chính thức báo tin vừa dứt, nơi nơi vang lên tiếng vỗ tay reo hò.

Đâu đó có tiếng pháo nổ vang. Một không khí phấn khởi, náo nhiệt bao trùm cơ quan Tổng hành dinh.

Trong khi đó, tại miền Nam, ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đang đóng tại Sở Chỉ huy tiền phương - căn cứ Căm Xe thuộc xã Minh Thạch, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (nay xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Khi nghe báo cáo Quân giải phóng đã chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng, cả Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh reo mừng. Trong sách “Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về diễn biến được thuật lại tại Sở Chỉ huy chiến dịch lúc đó: “Không còn là chuyện bất ngờ mà ai nấy đều giàn giụa nước mắt, siết chặt tay nhau, phấn khởi, tự hào”.

Các đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị tại mặt trận; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch; Phạm Hùng, Chính ủy chiến dịch, xúc động ôm hôn mọi người.

Trung tướng Đinh Đức Thiện (Phó tư lệnh chiến dịch) là người khóc ra tiếng to nhất. Thượng tướng Trần Văn Trà (Phó tư lệnh chiến dịch) đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào sung sướng. Riêng đồng chí Phạm Hùng, mở phanh chiếc áo bà ba, vừa cười to vừa bình luận sảng khoái, vừa ra lệnh chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

Đại tướng Văn Tiến Dũng viết rõ hơn trong cuốn “Đại thắng mùa Xuân” những diễn biến này: “Tại Sở Chỉ huy mặt trận, chúng tôi mở các máy thu thanh để nghe. Tiếng của “tổng thống” ngụy quyền nói xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta không điều kiện.

Sài Gòn hoàn toàn giải phóng! Toàn thắng! Chúng ta toàn thắng rồi! Tất cả chúng tôi trong Sở chỉ huy đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau. Tiếng vỗ tay, tiếng cười ran, tiếng nói vui, náo nhiệt, ríu rít, tưng bừng như cả mùa Xuân ập đến.

Một cảnh tượng mừng vui không gì tả được. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng ôm chầm lấy tôi và tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt. Tất cả chúng tôi nghẹn ngào, xúc động vì sung sướng. Tôi châm một điếu thuốc lá hút.

Đồng chí Đinh Đức Thiện mắt đỏ hoe nói: “Bây giờ nếu có nhắm mắt cũng yên lòng”. Cái giây phút lịch sử thiêng liêng này, sảng khoái và hả hê này, cả một đời người, cả nhiều đời người mới có.

Đời chúng ta biết nhiều buổi sớm mai thắng lợi, nhưng không buổi sớm mai nào tươi đẹp, rực rỡ, trong mát, ngát thơm như buổi sớm mai toàn thắng hôm nay, buổi sớm mai em bé lớn thêm, cụ già trẻ lại.

Điện của Bộ Chính trị gửi cho chúng tôi: “Đã nhận được tin ta đã cắm cờ trên “Dinh Độc Lập”, gửi các anh lời chúc mừng đại thắng. Bộ Chính trị rất vui!”. Và có cả tiếng nói từ trái tim Tổ quốc qua máy điện thoại truyền đến chúng tôi: “Chúc mừng đại thắng. Các anh trong ấy có nghe thấy tiếng pháo nổ không? Hà Nội đang ran tiếng pháo đấy”.

Chúng tôi vui quên ăn, quên nghỉ. Và chúng tôi đã khóc”.

Trong bức ảnh lịch sử “Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại Sở chỉ huy tiền phương”, do tác giả Võ Xuân Sáng, cán bộ bảo vệ Đại tướng Văn Tiến Dũng chụp, ngoài các vị kể trên, còn có mặt thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng chiến dịch; Lê Xuân Kiện, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng binh chủng Tăng - Thiết giáp…

Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn 2, trong hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”, kể về thời khắc lịch sử khi ông vào đến cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4: “Khi tôi vào, Tổng thống Dương Văn Minh đã đi ra đài phát thanh.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn) trông thấy tôi đoán là người chỉ huy, nên báo cáo về tình hình trong dinh trước lúc Quân giải phóng đến, giới thiệu nhân vật chính có mặt.

Tôi nói với Chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng không điều kiện và báo cho đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị khác nhau”.

“Sau lúc thảo xong thông cáo số 1, khoảng 17 giờ các đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào (Quân đoàn 4 được Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ chiếm Dinh Độc Lập). Các đồng chí nói, các đồng chí có nhiệm vụ chiếm Dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay xin cho bàn giao lại.

Ngày 30/4/1975 ở các sở chỉ huy - Ảnh 3.

Xe tăng của bộ đội Quân đoàn 2 tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các ngụy quyền Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Chúng tôi vui vẻ bàn giao ngay. Thật ra chúng tôi cũng muốn bàn giao nhanh để ra ngoài, nắm lại tình hình các đơn vị và trước mắt nghỉ ngơi một ít. Đã 4 - 5 ngày đêm không hề chợp mắt. Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau. Chúng tôi phải hết sức vất vả và mãi 24 giờ mới về đến Thủ Đức”, ông Đan kể trong hồi ức.

Thượng tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4, kể lại với tác giả Phan Hoàng trong cuốn “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam”: 13 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi tôi vào đến Dinh Độc Lập, được biết Dương Văn Minh cùng nội các của ông ta từ sáng sớm đến lúc ấy vẫn chưa ăn uống gì. Tất nhiên, họ sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi liền bảo họ: Các ông có thể nhờ người nhà đưa cơm nước và đồ cá nhân cần dùng tới, chứ đói sao chịu nổi…

Đêm hôm ấy, Sở chỉ huy Quân đoàn 4 đặt ngay trong Dinh Độc Lập. Tướng Hoàng Cầm cùng các tướng lĩnh, sĩ quan trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cùng anh em binh lính nằm ngay trên hiên Dinh Độc Lập để nghỉ ngơi. “Dù đang đói ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Đã nằm trong Dinh Độc Lập rồi mà tôi cứ ngỡ mình đang mơ!”, tướng Hoàng Cầm viết.

Tướng Cầm kể tiếp: “Tôi nhớ hoài kỷ niệm đêm hôm đó. Tôi - Tư lệnh và anh Hoàng Thế Thiện - Chính ủy Quân đoàn 4 cùng nằm trò chuyện và ngủ ngay ngoài hiên Dinh Độc Lập. Không mùng mền chiếu gối. Sáng dậy, muỗi đốt đỏ cả người. Chúng tôi đùa, muỗi Sài Gòn kinh quá! Sau này, mỗi lần gặp nhau, anh Thiện cũng hay nhắc lại kỷ niệm ấy. Cả hai cười vang”.


Theo Giáo dục & Thời đại

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

HoREA kiến nghị đề xuất mới, bổ sung nguồn cung nhà ở giá rẻ cho thị trường

HoREA kiến nghị đề xuất mới, bổ sung nguồn cung nhà ở giá rẻ cho thị trường

HoREA vừa đề nghị UBND cấp tỉnh được ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại trung cấp hoặc dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.

TP.HCM "tuýt còi" cơ sở y tế hành nghề không phép, chủ cơ sở thách thức cơ quan chức năng

TP.HCM "tuýt còi" cơ sở y tế hành nghề không phép, chủ cơ sở thách thức cơ quan chức năng

Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa phát hiện một cơ sở y tế có nhiều dấu hiệu vi phạm. Điều đáng nói, chủ cơ sở này không hợp tác, có dấu hiệu thách thức cơ quan chức năng.

TP.HCM sắp có thêm trung tâm thương mại trước Tết, chủ đầu tư nói sẽ tổ chức khai trương hoành tráng

TP.HCM sắp có thêm trung tâm thương mại trước Tết, chủ đầu tư nói sẽ tổ chức khai trương hoành tráng

Trung tâm thương mại sắp khai trương nằm trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6. Nơi này sẽ được vận hành trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân.

Lo lắng hàng trôi nổi, kém chất lượng trước Tết

Lo lắng hàng trôi nổi, kém chất lượng trước Tết

Lo lắng chất lượng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước Tết Nguyên đán luôn là vấn đề được quan tâm. Còn khoảng 1 tháng nữa là Tết, nhu cầu mua sắm tăng, nỗi lo càng tăng cao.

Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2025

Tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2025.

Lý do bất ngờ bất động sản ven TP.HCM “lật thế cờ” vào thời điểm cận Tết

Lý do bất ngờ bất động sản ven TP.HCM “lật thế cờ” vào thời điểm cận Tết

Trong buổi chia sẻ đầu năm, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam tiếp tục dành sự quan tâm cho bất động sản khu đô thị vệ tinh