Thứ hai, 07/10/2024

Nguyên xạ thủ DKZ và câu chuyện làm bánh đậu xanh

15/07/2023 1:00 PM (GMT+7)

Tác phong hoạt bát, dứt khoát, chất giọng sôi nổi, tính cách cương trực, thẳng thắn nhưng dễ gần, câu chuyện khởi nghiệp muộn của cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đình Giang thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang không chỉ nổi tiếng với thương hiệu bánh đậu xanh Gia Bảo (Hải Dương), mà còn hơn thế.

Đúng 10 giờ 30 phút, hội nghị ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ, Hải Dương) kết thúc. Lúc này nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ C và không có gió. Tôi đến bên cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang và trân trọng xin vài phút trò chuyện để về Hà Nội thì ông nhẹ nhàng: "Chúng ta ăn cơm đã, chuyện đâu sẽ có đó". Đến hơn 13 giờ 30 phút xong tiệc, ông bảo tôi, anh em yêu quý nhau lâu ngày không gặp, bện lắm! Ông “lệnh” cho tôi, về TP Hải Dương uống trà và ăn bánh đậu xanh.

Sau khi vượt hơn 30km đường nhỏ hẹp dưới tiết trời nắng nóng như đổ lửa, đến TP Hải Dương, tôi được ông mời vào phòng khách rộng gần trăm mét vuông trong ngôi nhà ở phường Việt Hòa, nằm cạnh Quốc lộ 5. Ông nói: "Khoe cậu ít “của để dành”.

Trời! “của để dành” của ông toàn bằng khen, bằng sáng chế treo kín trên bức tường rộng gần 30m2.

Nguyên xạ thủ DKZ và câu chuyện làm bánh đậu xanh - Ảnh 1.

Cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đình Giang trao sách tặng tác giả. Ảnh: MINH HUYỀN

Sau khi nếm chiếc bánh đậu xanh thơm nức mũi và thưởng ngụm trà Thái Nguyên móc câu, tôi thắc mắc: "Bánh đậu xanh bác dùng tiếp khách chắc ngon hơn bánh bán ở cửa hàng chứ ạ?". Vốn bộc trực, lại sẵn có hơi men, ông lườm tôi, mắng: "Làm điêu như cậu nghĩ thì chẳng có lão Giang ngày hôm nay".

Tôi lại kích ông: "Lát cháu mua một hộp mang về và để 20 ngày. Nếu mốc, cháu sẽ cho mọi người biết sự thật". "Tớ cho cậu cả 4.000m2 đất và cả gia sản này nếu có điều đó" - ông Giang nói chắc như đinh đóng cột.

Tôi chưa biết trả lời thế nào thì một người đàn ông mặc áo lao động bước vào đưa cho ông Giang một tập văn bản rồi định rời đi, nhưng bị ông cản lại và giới thiệu: "Đây là bí thư chi bộ công ty TNHH Gia Bảo, bác Trần Văn Triền. À, anh Triền nói hộ tôi xem, chi bộ công ty mình có lãnh đạo sản xuất và bán hàng "đểu" cho khách bao giờ không?".

- "Làm gì có. Chắc có nhầm lẫn đấy thôi. Mà tháng này sinh hoạt, chi bộ kiểm tra anh về chấp hành pháp luật, anh nhớ làm bản kiểm điểm đảng viên theo hướng dẫn nhé", bác Triền nói.

- "Ồ, doanh nghiệp của bác cũng có cả chi bộ đảng?", tôi hỏi.

Lúc này, giọng ông Giang chùng xuống: "Cậu không biết đấy thôi, để có sản nghiệp hôm nay, tớ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, lao tâm khổ tứ giữ thương hiệu đấy. Trong đó có cả may mắn nữa".

Từ đây, tôi được ông dẫn vào câu chuyện của đời ông, chuyện khởi nghiệp, giữ thương hiệu có lúc lên cao, có lúc trầm lắng.

Sinh năm 1957 ở Lai Cách (Cẩm Giàng, Hải Dương). Năm 1977, ông nhập ngũ. Sau huấn luyện, ông được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B rồi lại chuyển về Sư đoàn 390 (Quân đoàn 1) và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Giữa những năm 1980, xạ thủ DKZ Nguyễn Đình Giang bị thương, phải đưa về tuyến sau điều trị. Rồi ông chuyển ngành sang làm công nhân đường sắt. Ở đây, sau vài tháng thử việc, ông tiếp tục được cử đi học cao đẳng đường sắt 3 năm và từng làm trưởng tàu chạy tuyến Bắc Nam, rồi lại làm trưởng bộ phận dịch vụ tàu Bắc Nam. Cuối năm 1994, ông xin chuyển ngành để có điều kiện thực hiện ước mơ kinh doanh.

Năm 1995, cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang xin thành lập cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Gia Bảo rồi lao vào khởi nghiệp, cạnh tranh với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đã có ở Hải Dương lúc ấy. Nhân công ban đầu của ông là vợ và hai cậu con trai tuổi vị thành niên. Ông phải mua chịu từng ki-lô-gam bột, đường để làm bánh. Ông trực tiếp mang sản phẩm đi bỏ mối. Để có phương tiện giao hàng thay vì còng lưng đạp xe, ông quyết mua xe máy trả góp, trong khi xưởng sản xuất còn rất nan giải, với những phương tiện thô sơ.

Vì trong thời gian làm trong ngành đường sắt, ông tận dụng cơ hội để tiếp thị và bỏ mối bán bánh đậu xanh kiếm thêm thu nhập nên việc kinh doanh sau này của ông khá thuận lợi. Với tính quảng đại, giao tiếp rộng nên bánh đậu của ông nhanh chóng đến với người dùng khắp các vùng miền. Trong một lần đi giao bánh tại Hà Nội, ông bị tai nạn tưởng như không qua khỏi. Chẳng hiểu có sức mạnh tiềm tàng nào giúp mà ông phục hồi rất kỳ diệu sau mấy tuần điều trị.

Sức yếu đi, nhưng ý chí làm giàu với bánh đậu xanh thì vẫn nguyên vẹn trong người cựu chiến binh Nguyễn Đình Giang. Ông lao vào nghiên cứu, tìm nguyên nhân bánh bị mốc, khó bảo quản. Rồi ông xác định rằng, do thói quen sử dụng mỡ lợn và không làm kiệt nước trong đường trước khi ép nên bánh nhanh mốc. Từ đó ông nghĩ cách cô đường sao cho thật kiệt nước. Sau nhiều lần thí nghiệm, không ít lần bỏng mặt vì lửa, ông đã tìm ra công thức thời gian và nhiệt độ chuẩn để cô đường kiệt nước mà không bị cháy. Tiếp theo, ông lấy dầu thực vật trộn với một ít phụ gia để bao bên ngoài bánh thay vì mỡ lợn như truyền thống. Không chỉ cải tiến chất lượng, ông còn làm mới mẫu mã, bao bì cho phù hợp thẩm mỹ, thị hiếu. Ông thiết kế hộp bánh hình thỏi vàng và được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền kiểu dáng sáng chế công nghiệp năm 2005. Với cách làm ấy, bánh của ông nhanh chóng được khách hàng đón nhận.

Có đà, ông mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất, tăng cường tiếp thị. Sản phẩm làm ra đến đâu hết ngay đến đó. Từ chỗ chỉ có vài người làm, nay xưởng của ông thường xuyên có hơn 100 nhân công. Thời điểm sản xuất chính vụ, xưởng có khoảng 300 lao động. Tiếp đó, ông sản xuất thêm các sản phẩm khác như bột đậu đen, bột đậu nành, trà thảo mộc, sinh tố gấc... Bình quân mỗi tháng, công ty của ông cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn sản phẩm các loại.

Ông bảo tôi, khởi nghiệp đã khó nhưng giữ thương hiệu càng khó hơn. Phải luôn lắng nghe hơi thở của khách hàng, luôn sáng tạo để biết được chất lượng sản phẩm mà điều chỉnh. Nếu lừa khách hàng bằng sản phẩm không tốt, làm ăn kiểu chụp giật thì chỉ có bán nghiệp sớm.

Đến nay, ông Giang đã có trong tay thương hiệu nổi tiếng từ nghề truyền thống. Sản phẩm của ông có mặt trên khắp đất nước và xuất cả sang Trung Quốc sau gần 30 năm khởi nghiệp. Có lẽ, sự sáng tạo và ý chí của ông đã khiến sản phẩm truyền thống quê hương Hải Dương "có hồn" và được người tiêu dùng quý mến. Những lúc thư thái, trong ngày xuân sum họp, được ngồi trò chuyện với người thân bên ấm trà và ăn miếng bánh đậu xanh Gia Bảo, ông thường nhắc con cháu phải giữ "cái hồn" ấy.

Nhiều năm trở lại đây, ông Giang thường xuyên trích lợi nhuận kinh doanh để làm từ thiện. Ông mở lớp dạy nghề cho hàng chục trẻ khuyết tật trên địa bàn và tạo việc làm cho các cháu. Hơn 10 năm qua, ông nhận đỡ đầu hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) hằng năm, ông đều tặng quà các đối tượng chính sách trị giá hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, cũng chừng ấy thời gian, ông là người tài trợ chính cho đào tạo đội bóng U.11 Hải Dương với số tiền hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện nay, đây là một trong những đội bóng U.11 giàu thành tích nhất của cả nước với nhiều lần giành huy chương vàng tại các mùa giải, đánh bại cả những đội bóng của các thành phố lớn, nơi được coi là trung tâm của môn thể thao vua. Các cầu thủ nổi tiếng thời gian qua như Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy, Hoàng Đức đều được phát hiện từ những lần tham gia giải bóng đá mang tên Cup Gia Bảo - Hải Dương.

Trở lại với câu chuyện kiểm tra đảng, tôi hỏi ông: "Là giám đốc, sao bác không giữ chức bí thư chi bộ?".

"À, chuyện này dài lắm. Ngày trước, do thường xuyên thay đổi vị trí công tác và thành tích chưa nhiều nên tôi chưa được tổ chức chú ý. Về mở doanh nghiệp, thấy có nhiều lao động là đảng viên xin nghỉ làm để đi sinh hoạt chi bộ nên tôi đã ướm hỏi một đồng chí lãnh đạo của thành phố về thành lập chi bộ trong doanh nghiệp và công tác phát triển đảng tại đây", ông Giang mở đầu câu chuyện.

Ông kể tiếp, đầu năm 2007, một hôm có ông khách ăn vận lịch sự đến mua hàng. Chuyện qua chuyện lại thế nào lại hỏi ông có phải là đảng viên không? Thấy ông gãi đầu gãi tai, vị khách ấy bảo, nếu thật lòng muốn vào Đảng thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập chi bộ ở doanh nghiệp. Vậy là tuần sau đó ông được mời lên gặp lãnh đạo Thành ủy. Rồi các thủ tục thành lập chi bộ nhanh chóng được tiến hành. Lúc đầu chi bộ ở công ty của ông chỉ có 3 đảng viên, giờ thì đã có 9 người và bầu cấp ủy. Sau lần đó, ông được chi bộ kết nạp Đảng. Thế nên, tuy tuổi cao, là chủ doanh nghiệp nhưng vì tuổi đảng ít, chưa am tường nguyên tắc, thủ tục hành chính đảng, công việc lại bận bịu nên ông không nhận đảm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ. Ông nói vui: "Nếu cậu rành về thủ tục hành chính Đảng thì hướng dẫn tớ làm cái bản kiểm điểm".

"Dạ, cháu biết ít thôi nhưng có thể giúp được. Bác cứ cho cháu bí quyết làm bánh đậu xanh là xong ngay?".

"Tôi cho anh thì dễ lắm, nhưng xây dựng được thương hiệu và giữ gìn, chăm lo cho nó phát triển thì cực kỳ gian khổ. Nếu anh chịu được lời ong, tiếng ve và thậm chí là cả câu chuyện "gắp lửa bỏ tay người" thì hãy làm kinh doanh. Thật may khi Quân đội rèn cho tôi đức tính ngay thẳng, trung thực nên đã vượt qua cám dỗ của lợi nhuận. Những phẩm chất cao đẹp của người lính năm xưa giúp tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống, trong kinh doanh, vươn lên làm giàu và sống có trách nhiệm với cộng đồng".

Dù còn thòm thèm với câu chuyện khởi nghiệp, giữ thương hiệu, nhưng do chiều đã muộn nên tôi phải chia tay cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đình Giang về Hà Nội cho kịp cuộc hẹn với người bạn. Lúc này, sức nóng trên Quốc lộ 5 đã dịu. Tôi mở điều hòa trong xe, quạt gió chạy ù ù mà vẫn nóng. Đúng rồi, chuyện của ông Giang “lửa” dĩ nhiên là phải có “lửa”.

Theo QĐND

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Chìa khoá giúp bất động sản bán lẻ tăng trưởng mạnh

Chìa khoá giúp bất động sản bán lẻ tăng trưởng mạnh

Thời gian qua, giá thuê bất động sản bán lẻ có xu hướng tăng trưởng nhờ tình hình hoạt động tốt của các chuỗi thương hiệu F&B, trung tâm vui chơi trẻ em...

Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên làm đậm thêm vai trò cung cấp của Việt Nam

Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên làm đậm thêm vai trò cung cấp của Việt Nam

Là dự án trọng điểm quốc gia, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu với tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Khu vực nào có nhiều gói thầu đầu tư công chỉ 1 đơn vị tham gia?

Khu vực nào có nhiều gói thầu đầu tư công chỉ 1 đơn vị tham gia?

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ký phê duyệt 105 gói thầu đầu tư công có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách ở mức dưới 1%, với nhiều gói trong đó chỉ có 1 đơn vị tham gia.

Doanh nghiệp trong tập đoàn tỷ phú Trần Bá Dương tăng cường vận chuyển xuyên biên giới

Doanh nghiệp trong tập đoàn tỷ phú Trần Bá Dương tăng cường vận chuyển xuyên biên giới

Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc THACO của ông Trần Bá Dương vừa đóng gói lô thiết bị xuất khẩu sang Khu liên hợp Snuol ở Campuchia. THILOGI dự kiến đến hết năm 2024 sẽ vận chuyển xuyên biên giới hơn 38.000 con bò và gần 44.000 tấn thức ăn chăn nuôi.

Nhiều quỹ mở giúp nhà đầu tư ấm túi

Nhiều quỹ mở giúp nhà đầu tư ấm túi

Nhiều quỹ mở đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hiệu suất cao hơn nhiều so "thước đo" VN-Index của thị trường. Đặc biệt, có quỹ ghi nhận cao gấp đôi mức tăng của VN-Index.

Bão lũ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9, ảnh hưởng sức mua

Bão lũ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9, ảnh hưởng sức mua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).