Thứ năm, 19/09/2024

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"? (Bài 1)

P.V

11/07/2024 9:10 AM (GMT+7)

Có một nghịch lý đang tồn tại hiện nay, đó là hàng loạt dự án nhà tái định cư ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM đang bị bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có những dự án nằm trên khu đất vàng hiện nay. Điều này khiến người ít tiền khó mua được nhà, người có nhà chuyển đổi lại không muốn.

LTS: Có một sự thật nghịch lý, đó là người thì không có nhà mà ở, không có tiền để mua nhà còn có những khu đất xây lên lại bỏ hoang như những khu "nhà ma". Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, hiện có khoảng 18.000 căn hộ nhà tái định cư bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng xuống cấp. Các dự án đều được xây dựng quy mô, có tính toán, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí những dự án nhà tái định cư bỏ hoang tại những vị trí "đất vàng".

Để giải quyết tình trạng này, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội.

Nói là vậy, nhưng chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội thế nào, điều kiện ra sao, cải tạo thế nào, diện tích ra sao để đảm bảo tiêu chuẩn, giá bán thế nào, cơ quan nào xét duyệt đối tượng được thụ hưởng loại nhà ở xã hội chuyển đổi công năng này...

Để nghiên cứu và góp phần thực hiện giải pháp chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội một cách hiệu quả, từ đó, gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ giúp người lao động thu nhập thấp vơi bớt nỗi lo an cư. Báo điện tử Dân Việt triển khai loạt bài "Chuyển đổi nhà tái định cư bỏ hoang sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?".

Mời bạn đọc là người dân, doanh nghiệp, chuyên gia nếu có sáng kiến, ý tưởng xin gửi về tòa soạn báo. Ban Biên tập báo trân trọng cảm ơn những sáng kiến đóng góp của bạn đọc để góp phần tháo gỡ những vướng mắc về việc giải quyết những dự án nhà tái định cư bỏ hoang và thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Bài 1: Nguyên nhân khiến các dự án nhà tái định cư bỏ hoang 

Nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội hầu hết bởi nguyên nhân do thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các tiện ích,... khiến người dân không muốn chuyển đến sinh sống. Hầu hết người dân không lựa chọn hình thức bồi thường bằng nhà tái định cư để lo ngại vấn đề sinh kế không đảm bảo.

Ông Đức Toàn, một người dân sinh sống tại khu phố cổ Hà Nội trong diện được đền bù và di dời đến khu nhà tái định cư nhưng không mặn mà. Ông Toàn cho biết vị trí khu nhà tái định cư đẹp, rộng rãi, thuận lợi giao thông, nhưng xung quanh dân cư thưa thớt, khó kinh doanh buôn bán.

"Những người sống bằng việc buôn bán, kinh doanh tại chỗ như tôi không biết kinh doanh thế nào, thu nhập sẽ ra sao nếu chuyển về khu nhà mới sinh sống. Người dân lo lắng chất lượng công trình, việc vận hành, duy trì hoạt động tòa nhà không bảo đảm. Do đó, việc di dời người dân khỏi khu vực kinh doanh sầm uất và chuyển ra tận ngoại thành mà không có phương án về việc làm, thu nhập thì chắc chắn không ai chịu dời đi cả", ông Toàn chia sẻ.

Không chỉ ở Hà Nội, hàng ngàn căn hộ tái định cư tại TP. HCM đang dần xuống cấp vì không có người ở. Các công trình nhà ở sừng sững nhưng bị bỏ hoang, phơi mình trong sương gió giữa lòng đô thị sầm uất bậc nhất cả nước khiến không ít người tiếc nuối.

Chia sẻ với Dân Việt, một số người dân tại các khu này cho biết nguyên nhân khiến bà con thuộc diện tái định cư không chịu về đây sinh sống là do thời điểm giải phóng mặt bằng, họ được lựa chọn nhận số tiền bồi thường rất ít. Nếu muốn mua căn hộ tái định cư, người dân phải bỏ thêm số tiền chênh lệch rất lớn. Ngoài ra, một số khu tái định cư nằm ở khu vực vắng vẻ, khó phát triển kinh tế. Bà con nhận nhà thì không biết "làm gì để sống". Vì thế, nhiều người chọn phương án nhận tiền rồi đi nơi khác thuê nhà, làm ăn sinh sống.

Tiêu biểu, toạ lạc tại khu "đất vàng" của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên cạnh đại lộ Mai Chí Thọ, Khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh có vị trí kết nối giao thông vô cùng thuận lợi. Từ đây, người dân di chuyển đến trung tâm TP.HCM (quận 1) chỉ mất hơn 10 phút.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 1.

Khu nhà tái định cư Bình Khánh nằm trên "đất vàng" khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng còn 4.800 căn hộ không người ở (Ảnh: Gia Linh)

Dự án thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ dùng để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải toả tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, gần chục năm qua, lượng người dân về sinh sống tại khu tái định cư trên rất ít. Ngoài những căn hộ đã có người ở và 5.500 căn hộ đang làm thủ tục chuyển sang nhà ở thương mại, nơi đây hiện vẫn còn 4.800 căn hộ không người ở.

Ghi nhận của PV Dân Việt, nhìn từ xa, khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh khoác lên mình diện mạo khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, khi lại gần, khung cảnh ập vào tầm mắt là sự ảm đạm, vắng vẻ, đìu hiu. Phía bên ngoài các tòa nhà, nhiều mảng tường đã bong bóc, bạt hết sơn vì mưa gió. Bên trong, khi vực nội khu bị bỏ hoang lâu ngày không ai chăm sóc nên cỏ dại mọc um tùm... Điều đáng nói, công trình trên hoàn thành từ năm 2015, đã qua 4 lần bán đấu giá nhưng đều bất thành.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 2.

Phía bên ngoài nhà tái định cư Bình Khánh với các mảng gạch ốp bong tróc (Ảnh: Gia Linh)

Cùng chung số phận và có phần ảm đạm hơn cả là khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2010, mục đích bố trí làm nơi tái định cư hàng ngàn hộ dân thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tuy nhiên, do vị trí cách xa trung tâm, kết nối giao thương, chợ búa… khá bất tiện nên dự án đang xuống cấp trầm trọng vì bị bỏ hoang. Tại khu vực trên, hiện có một số người dân đã dọn về ở, còn lại đa số vẫn bỏ trống. Vì không có bàn tay con người chăm sóc, giữ gìn nên các căn hộ bị thời gian bào mòn. Những bức tường ẩm thấp, loang lổ đầy vết ố. Bụi bặm bám đầy lối đi và bên trong các căn hộ. Bên dưới người dân cũng không thể buôn bán, kinh doanh được vì khu vực trên quá heo hút, vắng vẻ.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 3.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B đưa vào sử dụng từ năm 2010 (Ảnh: Gia Linh)

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 4.

Các mảng tường rêu mốc bên trong khu nhà tái định cư (Ảnh: Gia Linh)

Chị Đỗ Thị Linh (quê Hải Dương, kinh doanh quán nước) cho biết, lúc trước gia đình chị ở khu đô thị Thủ Thiêm, nằm trong diện giải toả nên đã dọn về khu tái định cư Bình Khánh được hơn 6 năm nay. Thời gian đầu dọn về đây sinh sống, chị Linh gặp không ít khó khăn vì chỗ ở mới quá vắng vẻ không thể kinh doanh, buôn bán. Qua thời gian, chị cũng cố gắng mở quán nước và buôn bán cầm chừng.

"Biết bao người không có nhà ở, trong khi các căn hộ ở đây lại bỏ trống thật lãng phí. Nếu Nhà nước có chính sách chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà ở xã hội để bán cho người dân có thu thập nhấp ổn định chỗ ở là quá tốt", chị Linh cho hay.

Lãng phí thì đã rõ, tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là giá bán phải rẻ, phù hợp với người nghèo. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn thật tốt cho người nghèo thì chắc chắn sẽ cho người mua.

Anh Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi, thợ xây) cho hay hằng ngày đi qua khu tái định cư Bình Khánh, anh cảm thấy nhiều căn hộ bỏ trống, rất lãng phí, đáng tiếc.

"Tôi cảm thấy tiếc nuối vì bản thân mình đang ở nhà trọ trong không gian chật hẹp. Trong khi hàng ngàn căn hộ được xây dựng kiên cố thì bỏ trống. Tôi thật sự mong mỏi Nhà nước có cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ những người nghèo có nhu cầu mua nhà. Đặc biệt là về cơ chế giá bán…", anh Hiếu cho hay.

Thực trạng hàng loạt dự án nhà tái định cư bỏ hoang tại Hà Nội

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội không chỉ ở những nơi vị trí xa trung tâm, vắng vẻ mà còn có hàng loạt dự án nằm trên khu vực "đất vàng" của các quận tập trung đông dân cư hay những khu đất đắc địa, trung tâm của những khu đô thị mới.

Đơn cử, dự án nhà ở tái định cư N01-D17 Duy Tân tại quận Cầu Giấy, Hà Nội được dự kiến hoàn thành vào năm 2013 nhưng hiện vẫn rơi vào tình trạng bỏ hoang. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng. Dự án nằm tại số 1 phố Duy Tân, ngay ngã tư phố Trần Thái Tông - Thành Thái - Duy Tân và xung quanh có nhiều công viên, trung tâm thương mại và trường đại học lớn.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 5.

Dự án nhà ở tái định cư N01-D17 nằm trên "đất vàng" quận Cầu Giấy bỏ hoang hơn 10 năm (Ảnh: TN)

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 6.

Người dân dần quen với cảnh xung quanh dự án quây tôn, bảng giới thiệu dự án hư hỏng (Ảnh: TN)

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 7.

Bên trong dự án tái định cư được sử dụng làm bãi gửi xe (Ảnh: TN)

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 và có chủ đầu tư là UBND quận Cầu Giấy. Đây là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài.

Theo ghi nhận, dự án đã hoàn thành xong phần thô nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, phía bên trong nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hại không được thi công, chỉ có số ít bảo vệ trông coi. Khu vực bên trong và xung quanh dự án này đang được tận dụng làm bãi trông, giữ xe ô tô, xe máy.

Tiếp đó, 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5, cao 6 tầng, với 150 căn hộ nằm trên “đất vàng” trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội). Dự án được triển khai từ năm 2001 - 2006, năm 2007 được đưa vào sử dụng

Dự án do Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3 trước đây là Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội - thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư với số tiền 1.292 tỷ đồng nhưng cho đến nay vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, vắng bóng người, cơ sở hạ tầng xuống cấp theo thời gian. 3 tòa nhà được xây dựng trên diện tích 421.946 m2 với mục đích để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố Sài Đồng.

Theo ghi nhận của PV, do bỏ hoang hơn chục năm qua, nhiều hạng mục hạ tầng trong ba tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng. Sảnh chính các tầng 1 của tòa nhà đang thành nơi chứa hàng, phế thải. Hệ thống cầu thang, cửa, điện nước, nội thất đã hỏng hóc; khu vực sân chơi, vườn hoa, đường nội bộ biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng, rác thải ngổn ngang, nhếch nhác.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 8.

3 tòa nhà tái định cư tại khu đô thị Sài Đồng có tổng vốn đầu tư 1.292 tỷ đồng (Ảnh: TN)

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 9.

Dự án nhà tái định cư tại Sài Đồng (quận Long Biên) do Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư (Ảnh: TN)

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 10.

Các cánh cửa rỉ sét, cũ kỹ luôn trong tình trạng đóng (Ảnh: TN)

Nguyên nhân khiến dự án đến nay vẫn bị bỏ không là do được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập. Do đó, việc bồi thường ở giai đoạn chuyển tiếp từ huyện thành quận đã dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân. Một nguyên nhân khác khiến dự án cho đến nay vẫn bị bỏ không là do các hộ dân không đồng thuận di dời lên nhà chung cư mà muốn đổi sang nhà đất.

Cũng trên địa bàn quận Long Biên, 5 tòa nhà N015 (A, B, C, D, E), phường Thượng Thanh, thuộc dự án giãn dân phố cổ giai đoạn II (2013-2020) cũng rơi vào tình cảnh bị bỏ hoang nhiều năm nay. Năm tòa nhà nằm ở mặt đường Lý Sơn, phía sau có đường giao thông nội bộ, kết nối giao thông rất thuận lợi, đang xuống cấp nhanh chóng. Chủ đầu tư là UBND quận Long Biên. Dự án này thời từng được sử dụng làm khu vực cách ly các bệnh nhân bị Covid-19.

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 11.

Một trong năm tòa nhà tái định cư Thượng Thanh thường xuyên vắng bóng người

Chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội: "Một mũi tên trúng hai đích"?- Ảnh 12.

Tòa nhà trong tình trạng cửa đóng then cài (Ảnh: TN)

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trên địa bàn có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Còn tại TP.HCM có hơn 10.000 căn nhà tái định cư và nền đất đang bị bỏ hoang. Có thể kể đến tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) đang có hơn 2.250 nền đất, hơn 9.400 căn hộ; chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh (Quận Bình Thạnh) có 260 căn hộ; chung cư Linh Trung (thành phố Thủ Đức) có 237 căn hộ; chung cư Tân Mỹ (Quận 7) có 220 căn hộ; chung cư Tân Thới Nhất (Quận 12) có 322 căn hộ; chung cư Phú Thọ (Quận 10) có 274 căn hộ; chung cư An Lạc An (Quận Bình Tân) có 95 căn hộ; căn hộ khu vực phường 12 (Quận Bình Thạnh) có 212 căn hộ; dự án Vĩnh Lộc B (Huyện Bình Chánh) có 1.454 căn hộ…

Theo Dân Việt

(Còn tiếp...)


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói gì về việc chậm cấp sổ hồng một số dự án khu dân cư?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nói gì về việc chậm cấp sổ hồng một số dự án khu dân cư?

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 17 của HĐND TP.HCM liên quan tới việc cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở

Triển lãm về nội thất và xây dựng sắp diễn ra tại TP.HCM có gì lạ?

Triển lãm về nội thất và xây dựng sắp diễn ra tại TP.HCM có gì lạ?

Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam - VIBE 2024 được giới chuyên môn nhận định là sáng kiến triển lãm, phát triển chuỗi cung ứng ngành toàn diện dành cho thị trường nội địa, sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 2 đến 5/10

Fed mạnh tay giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm

Fed mạnh tay giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) -- ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới -- vừa cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Như vậy, lãi suất điều hành của Fed còn lại 4,75-5%.

Champions League và cách làm thương hiệu độc nhất vô nhị

Champions League và cách làm thương hiệu độc nhất vô nhị

Giải đấu bóng đá ăn khách nhất hành tinh UEFA Champions League đã trở lại mùa này trong một thể thức mới, nhiều trận đấu hơn, và vòng nào cũng có vài trận đấu bom tấn. Cỗ máy làm tiền tiếp tục chạy ro ro.

Bổ sung dự toán chi năm 2024 của Bộ Y tế để tiêm chủng mở rộng

Bổ sung dự toán chi năm 2024 của Bộ Y tế để tiêm chủng mở rộng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1000/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế để thực hiện hoạt động tiêm chủng mở rộng.

Metro số 1 đã kết nối cầu các nhà ga

Metro số 1 đã kết nối cầu các nhà ga

Chủ đầu tư dự án metro số 1 cho biết, đã hoàn thành kết nối nhịp dầm cầu bộ hành cuối cùng tại nhà ga Thủ Đức, rút ngắn 45 ngày so với kế hoạch.