Theo Tạp chí điện tử Đầu tư Tài Chính (Vietnam Finance), trái với quý I/2024 khởi sắc, các doanh nghiệp nhóm nhiệt điện đã có một quý kinh doanh tiếp theo không mấy thuận lợi. Nếu như ở quý trước đó, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện được hưởng lợi từ diễn biến giá than thì đến quý II, chính yếu tố này lại "kéo lùi" lợi nhuận của các công ty trong ngành.
Quý II/2024 đánh dấu một giai đoạn thách thức đối với Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) khi công ty chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về kết quả kinh doanh. Doanh thu thuần của QTP trong quý II/2024 đạt 3.628,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2024 giảm hơn 29%. Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế của QTP đạt 160 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giải trình, QTP cho biết nguyên nhân dẫn đến sự đi lùi trong lợi nhuận quý II của doanh nghiệp là sản lượng điện và giá thị trường giảm trong khi giá nhiên liệu than đầu vào tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Không nằm ngoài xu hướng chung, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng có một bức tranh kinh doanh kém vui trong quý II/2024. Doanh thu thuần của HND đạt 3.452,2 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng nhẹ hơn 2% so với cùng kỳ. Song lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của HND chỉ đạt 276,5 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Áp lực giá nguyên liệu đầu vào cũng là nguyên nhân khiến giá vốn hàng bán quý II của HND tăng 151,6 tỷ đồng so với cùng kỳ, kéo theo sự suy giảm lợi nhuận sau thuế.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.469,2 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, lợi nhuận sau thuế của PPC vẫn giảm tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái.Giải trình về kết quả kinh doanh, công ty cho biết mặc dù doanh thu "bay cao" nhờ sản lượng điện huy động tăng mạnh nhưng do giá vốn hàng bán (chủ yếu là chi phí nguyên nhiên liệu) tăng mạnh và doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh (giảm tới 82% so với cùng kỳ năm ngoái), đồng thời các khoản cổ tức từ các đơn vị do PPC góp vốn thấp hơn so với cùng kỳ đã kéo lùi lợi nhuận của PPC.
Mặc dù kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện chịu tác động tiêu cực từ diễn biến giá than nhưng Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) lưu ý, giá than nhập khẩu đang có xu hướng giảm, từ đó hỗ trợ giá thành sản xuất điện. Theo đó, QTP, HND và PPC được cho là những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ giá than thấp trong nửa cuối năm 2024. Ngoài ra, xu hướng huy động điện than, đặc biệt là các nhà máy điện than tại miền Bắc sẽ tiếp tục duy trì do tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện tại miền Bắc cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, về dài hạn, MBS đánh giá điện than sẽ không còn là mũi nhọn phát triển do phát thải cao và khả năng thu xếp vốn khó khăn. Từ nay đến 2030 sẽ chỉ còn 6 dự án điện than được triển khai, chủ yếu là các dự án BOT, trong đó, một số dự án đang được triển khai và sẽ sớm đi vào hoạt động như BOT Quảng Trạch 1 (1.403 MW) và Na Dương 2 (110 MW).
Chưa kể, đối với 6 dự án nằm trong diện gặp rủi ro trong công tác thu xếp vốn, Bộ Công Thương xem xét chấm dứt hợp đồng nếu các dự án này không đủ khả năng triển khai đến hết tháng 6/2024.
Không nằm ngoài xu hướng đi lùi của nhóm ngành điện, Công ty Cổ phần Thuỷ điện A Vương (AVC) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 đạt 141,2 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 26,2 tỷ đồng, thấp hơn 66,6% cùng kỳ năm trước. Giải trình về kết quả này, AVC cho biết, do tình hình thời tiết không thuận lợi, lưu lượng nước về không tốt nên sản lượng điện thấp, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 sụt giảm mạnh.
Hay như Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sê San 4A (S4A) cũng có một kỳ kinh doanh đáng quên khi báo lỗ sau thuế 1,9 tỷ đồng trong quý II/2024. Nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng chứng kiến doanh thu "cạn" theo dòng nước trong quý II/2024, như Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH) giảm 12,8% hay Công ty Cổ phần Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) giảm 37,2% so với cùng kỳ. Lý do chung của các doanh nghiệp thủy điện này đều là mưa ít, nắng nóng kéo dài khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm mạnh, kéo theo sản lượng huy động và doanh thu giảm mạnh.
Trên thực tế, kết quả thua lỗ của các doanh nghiệp thủy điện trong quý II/2024 đã sớm được các chuyên gia dự báo, do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino khiến tình hình thuỷ văn không thuận lợi và sản lượng điện được huy động thấp hơn mọi năm. Theo số liệu của EVN, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy điện cả nước giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tháng 5/2024 giảm mạnh nhất, tới 25%.
Trong báo cáo mới nhất của MBS, nhóm thủy điện sẽ có tình hình thuận lợi hơn khi La Nina quay trở lại. Theo IRI, pha El Nino đã kết thúc từ quý II/2024, và pha La Nina có thể quay trở lại từ tháng 8/2024 với xác suất xảy ra cao nhất.
"Nhóm thủy điện sẽ có thể được huy động tốt hơn ngay trong quý II/2024 so với thấp điểm quý I, giai đoạn các nhà máy thực hiện tích nước tối đa để phục vụ cho cao điểm mùa nóng. Hiện tại các hồ thủy điện đang duy trì mực nước cao và trong trạng thái sẵn sàng huy động. Hơn nữa, nhóm thủy điện có thể duy trì sản lượng huy động tích cực trong nửa cuối 2024 sang 2025, khi pha La Nina thường kéo dài từ 15 - 18 tháng. Ngoài ra, với tính chất giá rẻ, thủy điện thường được cân đối huy động ở mức tối đa", các chuyên gia MBS nhận định.
Tuy vậy, giá bán thủy điện có thể sẽ giảm so với cùng kỳ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu các nhà máy. Nguyên nhân chính đến từ quyết định tăng tỷ lệ Qc thủy điện từ 90% lên 98% trong năm 2024, đồng nghĩa với việc tỷ lệ Qm giảm từ 10% xuống 2%, giảm dư địa huy động sản lượng giá cao trên thị trường điện, theo chuyên gia.
Dù vậy, triển vọng giá điện nhóm thủy điện nhỏ (dưới 30MW) vẫn duy trì do hưởng lợi từ biểu phí tránh được và các nhà máy không huy động trên thị trường điện. Theo đó, một số doanh nghiệp có tỷ trọng thủy điện nhỏ cao như HDG, PC1, GEG có thể sẽ hưởng lợi trong năm nay.
Hiện tại, số lượng doanh nghiệp điện gió và điện mặt trời niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn còn rất hạn chế, chỉ một vài doanh nghiệp đang tích cực mở rộng và phát triển mảng năng lượng tái tạo. Trong quý II/2024, mảng năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp này đã ghi nhận những biến động trái chiều.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, Công ty Cổ phần BCG Energy (BGE) - thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) - đạt doanh thu thuần hợp nhất 369,3 tỷ đồng, tăng 14,59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BCG Energy đạt 225,2 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Lãnh đạo BGE cho biết sự tăng trưởng trong doanh thu đến từ việc Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1 – Giai đoạn 2 và Phù Mỹ 3 – Giai đoạn 2 với tổng công suất 114 MWp đi vào vận hành thương mại từ tháng 6/2023. Cùng với đó, công ty đã trả hết nợ trái phiếu vào cuối năm 2023, giúp giảm đáng kể chi phí lãi vay trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II/2024, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEG) - công ty con chuyên phụ trách mảng năng lượng trong hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) - ghi nhận doanh thu thuần đạt 487 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng tới 27% nên lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của GEG đạt 1.227 tỷ và 128 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, mảng điện gió mang về hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ và doanh thu từ điện mặt trời ước đạt 856 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) – công ty đang sở hữu 8 nhà máy năng lượng, trong đó có 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió, ghi nhận sản lượng từ điện gió và điện mặt trời, giảm khoảng 12%, đạt 67,4 triệu KWh chủ yếu do dự án điện gió 7A đang vào chu kỳ năm gió thấp. Mảng thủy điện của HDG cũng gặp khó do tình hình thời tiết không thuận lợi.Mặc dù không đưa ra con số doanh thu cụ thể nhưng trong giải trình của HDG, doanh thu hợp nhất quý II/2024 của công ty đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước do doanh thu từ mảng năng lượng quý II/2024 giảm so với quý II/2023. Song, nhờ chi phí lãi vay giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HDG vẫn đạt 111,3 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn về nửa sau của năm 2024, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ tạo điều kiện và là cú hích cho loạt doanh nghiệp phát triển mảng năng lượng tái tạo. Trong đó, các chủ đầu tư có dự án chuyển tiếp đang chờ cơ chế giá như Công ty Cổ phần Điện Gia Lai hay có danh mục dự án chờ triển khai như Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh sẽ là những cái tên được hưởng lợi từ cơ chế trên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có mảng năng lượng tái tạo với công suất quy mô lớn như BCG Energy, Tập đoàn Hà Đô và Tập đoàn PC1 sẽ là những đơn vị tiêu biểu hưởng lợi trực tiếp từ Cơ chế DPPA cũng được kỳ vọng sẽ gặt hái thêm nhiều doanh thu.
Song, ở chiều ngược lại, việc Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương có thể khiến một số doanh nghiệp "chùn tay" trong việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo.
Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 được phê duyệt trong tháng 4/2024, tinh thần và định hướng phát triển của ngành điện Việt Nam cơ bản được giữ nguyên so với bản Quy hoạch điện 8, tập trung nguồn lực phát triển điện gió và điện khí từ nay đến năm 2030, đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn điện linh hoạt khác như thủy điện tích năng, điện sinh khối.
Đặc biệt, đến năm 2025, nhiều đề án/dự án về chính sách, pháp luật cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện, trong đó, một số chính sách mà chúng tôi cho rằng cần đẩy nhanh để làm cơ sở triển khai các dự án nguồn điện bao gồm: (1) Khung giá các loại hình nguồn điện (năng lượng tái tạo, LNG, điện gió ngoài khơi); (2) Cơ chế mua bán điện trực tiếp và (3) Luật điện lực (sửa đổi). Hiện tại, hầu hết các chính sách nêu trên đều đã được trình dự thảo và trong quá trình hoàn thiện.
Theo đó, năm 2024-2025 sẽ là giai đoạn bản lề trong việc ban hành những chính sách then chốt khi Việt Nam chỉ còn 6,5 năm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện 8.
Trong giai đoạn 2023-2025, cơ chế mua bán điện trực tiếp cho năng lượng tái tạo là đề án trọng tâm cần được ban hành. Hiện tại, cơ chế đang được hoàn thiện, và về cơ bản các phương án đã được điều chỉnh sau nhiều bản dự thảo, tuy nhiên, thời gian ban hành chính thức vẫn còn bỏ ngỏ.
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Theo Vietnam Finance
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.