Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt xa giá gạo Thái Lan
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn so với cuối tuần trước, lên 643 USD/tấn. Tương tự, giá gạo xuất khẩu 25% tấm cũng tăng thêm 5 USD/tấn, đạt 628 USD/tấn. Đây đều là những giá cao nhất đối với gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế trong 15 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang vượt đáng kể so với giá các loại gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Thái Lan hiện được chào bán lần lượt ở mức 630 USD/tấn và 563 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn từ 13 – 65 USD/tấn so với gạo Thái Lan; qua đó, tiếp tục giữ mức cao nhất thế giới.
Theo các doanh nghiệp, sở dĩ giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thật từ thị trường thế giới lớn. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa cũng tăng theo tình hình chung của thị trường thế giới khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá xuất khẩu cao thì mới chốt hợp đồng, nhằm giảm rủi ro thua lỗ.
Các chuyên gia phân tích và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục neo cao, thậm chí nhích tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được “giải toả”.
Đáng chú ý, cuối tuần trước, hãng tin Reuters cho biết Myanmar sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo trong vòng 45 ngày kể từ cuối tháng này. Hiện Chính phủ Myanmar chưa đưa ra thông tin chính thức về vấn đề này. Đồng thời, Ấn Độ cũng vừa áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ - loại gạo chiếm gần 20% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này. Mức thuế này sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10/2023.
Trước đó, kể từ ngày 20/7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ - vốn chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Thị trường toàn cầu “nín thở” chờ sản lượng vụ Hè Thu
Hiện thị trường đang tập trung quan sát các diễn biến liên quan đến vụ Hè Thu của Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan. Dự kiến nông dân tại Ấn Độ và Myanmar sẽ bắt đầu thu hoạch vụ lúa này vào khoảng giữa tháng 9/2023 đến tháng 10/2023; trong khi đó, nông dân tại các vùng phía Bắc Thái Lan sẽ tiến hành thu hoạch vào khoảng tháng 12/2023.
Sản lượng thu hoạch của vụ này được xem là yếu tố chủ chốt quyết định việc các nước sản xuất lúa gạo lớn tiếp tục siết chặt hoặc nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo hiện nay.
Theo dữ liệu gần nhất của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích lúa vụ Hè tính tới nay đạt 23,7 triệu ha, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, những cơn mưa đến muộn vào tháng 7 này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Ấn Độ đẩy nhanh tiến độ gieo sạ.
Cơ quan khí tượng của Ấn Độ cho biết lượng mưa trung bình trong tháng 8 ở nước này có thể thấp hơn mức trung bình hàng năm do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, các bang trồng lúa ở miền đông Ấn Độ có thể nhận lượng mưa dư thừa vào tháng 8. Lượng mưa trong tháng 7 trung bình trên toàn Ấn Độ đã cao hơn so với các năm trước.
Hãng tin Reuters cũng cho biết dự trữ lúa gạo của Ấn Độ tính đến đầu tháng 8 đã cao gấp 3 lần so với mức tối thiểu quy định. Do đó, nếu sản lượng vụ Hè Thu tới đây ở mức tốt thì Ấn Độ có thể sẽ xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, nguồn cung gạo trên thị trường nội địa Thái Lan được đánh giá “khá căng thẳng”. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan hiện không đưa ra mức giá chào bán do lo ngại về biến động giá trong thời gian tới và sự không chắc chắn về nguồn cung.
Hiện chưa có ước tính sản lượng chính xác, nhưng Bộ Nông nghiệp Thái Lan dự báo rằng niên vụ 2023/2024 (kéo dài từ tháng 11/2023 – 10/2024) của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến. Từ hồi giữa tháng 5/2023, giới chức Thái Lan đã khuyến cáo nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay, thay vì hai vụ như thông thường do lo ngại tình trạng khô hạn cục bộ trong những tháng cuối năm.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong nước đã gần kết thúc vụ Hè Thu nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúc gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn. Thế giới đang thiếu nguồn cung nhưng hàng trong nước luôn đảm bảo đầy đủ để giá nội địa không tăng phi mã như cơn sốt giá gạo lịch sư hồi năm 2008.
Tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.
Tuy nhiên, việc bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống vẫn là mục tiêu hàng đầu. Đặc biệt, "cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau", Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả, ngày 15/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước.
Theo Công thương
Nhờ bí quyết ủ lên men kết hợp công nghệ hiện đại, phế phẩm trái điều được chế biến thành nước mắm chay phục vụ thị trường, vừa giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Liên quan vụ việc cơ sở sản xuất giá ngâm hóa chất đưa hàng vào Bách Hóa Xanh, Bách Hóa Xanh nói nhà cung cấp này chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỷ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ đang
Nhiều nhà vườn tại TP.HCM đã sẵn sàng đưa mai vàng, hoa kiểng ra phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán, đây là điểm các nhà vườn rộn ràng, nhộn nhịp chuẩn bị cho mùa Tết.
Cổ phiếu YEG của công ty Yeah1 hôm nay 26/12 bị giảm kịch sàn vì nhà đầu tư bán ra để chốt lời.
Với bảng giá đất mới áp dụng trong năm 2025 của tỉnh Bình Dương, nhiều tuyến đường tại khu vực TP.Thủ Dầu Một có mức giá cao nhất, hơn 52 triệu đồng/m2 .
Áp lực chi phí, thay đổi mô hình kinh doanh và sức ép cạnh tranh là những lý do chính khiến ngành cà phê phải "sang trang".