Lượng khách du lịch quốc tế tăng trở lại và xu hướng bay nội địa tăng cao trong các tháng cuối năm 2022 là yếu tố tạo nguồn doanh thu tăng vọt cho các hãng bay Việt Nam.
Như tại Vietnam Airlines, chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm 2022, hãng này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt tới 19.600 tỉ đồng, tăng gần gấp 2 so với cùng kỳ năm trước. Song giá vốn bán hàng tăng mạnh cùng với các chi phí tài chính gia tăng là yếu tố khiến hãng chứng kiến khoản lỗ gộp gần 830 tỉ đồng, cao hơn mức lỗ 635 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.
Song đây không phải là hãng bay duy nhất của Việt Nam chứng kiến nghịch lý doanh thu tăng vọt nhưng vẫn liên tục thua lỗ. Đối với hãng bay VietJet Air, dù doanh thu hợp nhất trong cả năm 2022 tăng gấp 3 lần so với năm trước nhưng giá vốn còn cao hơn nữa nên hãng này ghi nhận con số lỗ gộp tới gần 2.165 tỉ đồng trong cả năm. Điều bất ngờ là dù hàng không hồi phục tích cực trong 3 tháng cuối năm 2022, hãng này lại có mức lỗ lớn nhất trong quý khi con số lỗ vượt mức 3.300 tỉ đồng.
Với Bamboo Airways, chỉ tính đến hết 9 tháng năm 2022, hãng này ghi nhận lỗ gộp tới hơn 3.500 tỉ đồng, chỉ đứng sau con số lỗ của Vietnam Airlines và tiếp tục lớn hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.300 tỉ đồng của cả năm 2021. Chưa kể, tình hình kinh doanh kém khả quan của Bamboo Airways còn khiến FLC ghi nhận khoản lỗ đầu tư đến hết quý III/2022 là gần 1.270 tỉ đồng.
Thực tế, ngay từ rất sớm, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - chỉ ra rằng, dù thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bùng phát nhưng thị trường quốc tế lại phục hồi rất chậm. Nghịch cảnh mạng bay nội địa nhộn nhịp nhưng doanh thu chính lại trên đường bay quốc tế nên khi các đường bay quốc tế hồi phục chậm, các hãng bay gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền và lợi nhuận vì thế chưa thể bằng giai đoạn trước dịch.
Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, kết thúc năm 2022, trong khi thị trường hàng không quốc nội tăng trưởng ấn tượng, sản lượng vượt đỉnh lập được năm 2019 nhưng thị trường quốc tế lại phục hồi rất chậm trong khi đây là mảng mang lại hơn 50% doanh thu cho các hãng bay. Tương tự, trong lúc sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 10% so với năm 2019 nhưng vận chuyển hàng hóa quốc nội lại giảm tới 40%.
Sự hồi phục nhưng không đồng đều ở các phân khúc cũng khiến lợi nhuận của các hãng bay không tương ứng với doanh thu, cộng thêm gánh nặng từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều. Chưa kể, theo ông Phạm Việt Dũng, cùng với việc phải giải quyết những vấn đề bất lợi do dịch bệnh để lại, các hãng bay còn phải xử lý sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.
Những khó khăn của thị trường dẫn đến thực tế các hãng hàng không Việt Nam kết thúc một năm 2022 đầy khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ hoạt động tài chính, trong lúc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách, hàng hóa... chưa có lãi.
Theo đó, dù có nhiều dự báo tích cực về thị trường tình hình vận chuyển hàng không trong năm 2023 nhưng những khó khăn của các hãng bay Việt Nam, đặc biệt là việc mất cân đối dòng tiền, sẽ chưa thể sớm được giải quyết trong ngắn hạn. Ngay với đường bay quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam dẫn số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo vận chuyển khách quốc tế trong năm 2023 có thể bằng tới 3 lần so năm 2022 và nhưng vẫn chỉ đạt 83,5% so với năm 2019.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra rằng, hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, việc phục hồi thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại (tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân), nên nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.
Hàng không vì thế sẽ chưa thể sớm lấy lại những ngày huy hoàng.
Báo cáo triển vọng ngành hàng không của Chứng khoán SSI chỉ ra rằng, dù có triển vọng tích cực trong năm 2023 nhờ được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng, nhưng lợi nhuận các hãng bay của Việt Nam sẽ vẫn duy ở mức thấp hoặc âm.
Lý do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, trong khi doanh thu từ khách quốc tế sẽ phục hồi từ từ, và bối cảnh ngành sẽ khá cạnh tranh trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại.
Theo Lao động
Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Bangkok. Đây là động thái đầu tiên của hãng này sau một năm dừng bay thường lệ quốc tế, để tập trung tái cơ cấu.
Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và 1 trưởng ban điều hành Dự án 4 thuộc ban này.
"Phố Nhật Bản" giữa lòng TP.HCM - đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 sẽ được cải tạo, chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.
UBND TP.HCM vừa chốt thời gian để các đơn vị hoàn thiện thẩm định bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị trình bảng giá đất trước 14h ngày 16/10.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM băn khoăn TP chưa thể đăng cai SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới; các thiết chế văn hóa - thể thao của thành phố chưa được đầu tư, phát triển ngang tầm với kinh tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.