Hyundai đầu tư 18 tỷ đô la để tăng tốc chuyển dịch sang xe điện Hyundai phát triển xe tự hành thám hiểm Mặt trăng
Nhiều năm trước đây, khi Hyundai đang nghĩ cách cạnh tranh với Tesla, Euisun Chung, Chủ tịch điều hành của Hyundai và hãng xe liên kết Kia, gửi cho SangYup Lee, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm thiết kế toàn cầu của Hyundai, bức ảnh về một chiếc ô tô có hình dạng kỳ lạ lần cuối lăn bánh khỏi dây chuyền lắp ráp hơn 70 năm trước.
Đó là mẫu xe Stout Scarab, được sản xuất tại bang Michigan (Mỹ) vào thập niên 1930 và 1940, có kiểu dáng trông giống như một sự pha trộn giữa xe buýt và thuyền phao.
Lee cho biết 10 năm trước, chiến lược thiết kế của Hyundai là bắt chước thành công của người khác một cách nhanh nhất. Nhưng giờ đây, Euisun Chung gửi bức ảnh nói trên để nhấn mạnh rằng Hyundai phải ngừng bắt chước, và vượt lên trên các đối thủ.
“Thông điệp của ông ấy là: cảm hứng có thể đến từ bất cứ đâu”, Lee nói.
Mẫu xe điện Ioniq 6 của Hyundai, lấy cảm hứng từ kiểu thiết kế mềm mại, thuôn dài bắt mắt của Stout Scarab, đã gây ấn tượng với các cây bút đánh giá ô tô. Tại triển lãm ô tô New York hồi tháng 4, Ioniq 6 được bình chọn là “Xe thế giới của năm” (World Car of the Year).
Hyundai và Kia từ lâu nổi tiếng sản xuất những chiếc ô tô bình dân và kém hấp dẫn. Tuy nhiên, trong vài năm qua, hai hãng xe này nằm trong nhóm những công ty dẫn đầu trong cuộc đua xe điện, với những mẫu xe gây ấn tượng với khách hàng lẫn các hãng xe đối thủ.
Năm ngoái, khi được hỏi về sự cạnh tranh trong lĩnh vực xe điện, Jim Farley, CEO của Ford Motor cho biết Hyundai/Kia, các hãng xe Trung Quốc và Tesla là những đối thủ mà ông chú ý nhất.
Năm ngoái, Hyundai trở thành tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới với 6,85 triệu xe tiêu thụ, chỉ sau Toyota và Volkswagen. Giờ đây, Hyundai là nhà bán xe điện lớn thứ ba ở Mỹ và đang gia tăng cạnh với Tesla.
Đứng sau sự trỗi dậy của Hyundai trong lĩnh vực xe điện là vị chủ tịch Euisun Chung, 52 tuổi. Năm 2020, ông thay cha mình, Chung Mong-Koo để nắm quyền điều hành Hyundai Motor Group, một trong những tập đoàn do gia đình điều hành lớn nhất Hàn Quốc.
Euisun Chung đã nhiều lần nói với nhân viên rằng công ty cần hướng tới tương lai mạnh mẽ. “Chúng ta không được sợ rủi ro và chỉ biết phản ứng thụ động”, ông nói với nhân viên hồi tháng 1.
Hyundai và Kia đã tăng cường tuyển dụng, thu hút các nhà thiết kế danh tiếng từ các nhà sản xuất ô tô khác, bao gồm cả các thương hiệu hạng sang của Đức. Mục đích của họ là ra mắt những mẫu xe có kiểu thiết kế sang trọng hơn.
Farley, CEO của Ford, đã không ngần ngại ca ngợi mẫu xe điện Ioniq 5 của Hyundai, ra mắt vào năm 2021. Ông lưu ý rằng một số tính năng phần mềm tốt của mẫu xe này tốt hơn xe của Ford.
“Hyundai đang hoạt động khá tốt”, tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla, viết trên Twitter hồi mùa hè năm ngoái khi đánh giá về thị trường xe điện.
Hyundai và Kia là một phần của tập đoàn Hyundai Motor Group, sở hữu cả các nhà máy thép, nhà máy đóng tàu và công ty xây dựng. Tập đoàn này bắt đầu kinh doanh ô tô vào năm 1967, khi Hàn Quốc vẫn đang phục hồi sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Ban đầu Hyundai sản xuất xe gia công cho Ford. Pony và Excel, hai mẫu xe nội địa đầu tiên của Hyundai, có giá rẻ và thường gặp các vấn đề về chất lượng đến mức chúng trở thành “món ăn” cho các diễn viên hài trên truyền hình.
Kia thành lập năm 1944 với tư cách là nhà sản xuất các linh kiện kim loại và xe đạp, Một thập niên sau, Kia được cấp phép sản xuất các mẫu xe máy của Honda và xe tải và xe hơi của Mazda. Hyundai đã mua cổ phần kiểm soát ở Kia sau khi công ty này khi tuyên bố phá sản vào năm 1997. Hyundai hiện sở hữu gần 34% cổ phần ở Kia.
Hyundai gia nhập thị trường xe hơi Mỹ năm 1986, tiếp theo là Kia vào năm 1993. Cả hai đều là thương hiệu bình dân. Khi cha của Euisun Chung tiếp quản điều hành Hyundai vào năm 1996, ông đã ưu tiên giải quyết các vấn đề về chất lượng cũng như đại tu các hoạt động sản xuất.
Các lãnh đạo điều hành ở Seoul đưa ra các quyết định kinh doanh mang lại phần lớn lợi nhuận của Hyundai tại thị trường Mỹ.
“Ở Hàn Quốc, Hyundai luôn được biết đến như là công ty bảo thủ nhất và mệnh lệnh như quân sự”. Frank Ahrens, cựu giám đốc truyền thông của Hyundai, nói. Ông ví các chỉ thị của chủ tịch Hyundai với các sắc lệnh của triều đình ngày xưa.
Các cựu lãnh đạo của Hyundai cho biết cả Hyundai và Kia đều chậm phản ứng trước sự bùng nổ của xe thể thao đa dụng ở Mỹ. Trong nhiều năm, cả hai hãng xe này đã không làm được gì nhiều để mở rộng các nhà máy ở Mỹ, khiến họ phải vật lộn để sản xuất đủ xe khi nhu cầu đối với các mẫu xe được ưa chuộng như Hyundai Santa Fe và Tucson tăng cao.
Tuy nhiên, khi ban lãnh đạo của Hyundai ở Hàn Quốc nhìn thấy vấn đề, các quyết định và sự thay đổi sẽ được đưa ra nhanh chóng.
Sự thúc đẩy lớn nhất của Euisun Chung diễn ra ở xe điện, một lĩnh vực mà Hyundai và Kia đã sớm tham gia vào năm 2010 khi Hyundai ra mắt mẫu xe điện Blueon tại Hàn Quốc. Kia theo sau với mẫu xe điện Ray EV giới thiệu năm 2011. Kia Soul, mẫu xe điện thứ hai của Kia, bắt đầu bán ở Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc vào năm 2014, hai năm trước khi General Motors tung ra mẫu xe điện cạnh tranh Chevy Bolt.
Gần như tất cả các mẫu xe điện của Hyundai và Kia đều được sản xuất bên ngoài Mỹ. Một tổ hợp nhà máy mới trị giá 5,5 tỷ đô la đang được xây dựng để Hyundai và Kia sản xuất xe điện ở bang Georgia. Nhà máy này có thể đi vào hoạt động sớm nhất là cuối năm sau.
Michael O’Brien, cựu Phó chủ tịch Hyundai cho biết, thành công của Tesla với mẫu xe điện Model 3, được tung ra thị trường vào năm 2017, đã mở rộng tầm mắt cho Hyundai về xe điện.
Theo O’Brien, trong khi các nhà sản xuất ô tô khác băn khoăn về việc liệu pin có quá đắt và phạm vi hoạt động của xe điện ngắn quá hay không, thì Euisun Chung không hề nao núng.
Sau khi Chung trở thành Chủ tịch điều hành Hyundai vào năm 2020, Hyundai và Kia đã công bố kế hoạch giới thiệu 31 mẫu xe chạy bằng pin. Hai hãng xe này gần đây đặt mục tiêu trở thành nhà bán xe điện lớn thứ ba trên toàn cầu vào năm 2030.
Việc mẫu xe điện Ioniq 6 lấy cảm hứng từ Stout Scarab là một ví dụ về cách Hyundai dựa vào thiết kế để tạo sự khác biệt với các đối thủ. SangYup Lee, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm thiết kế toàn cầu của Hyundai, cho biết hình dáng thuôn dài của Ioniq 6 gợi nhớ lại thời kỳ thập niên 1930 và 1940 khi thiết kế xe hơi vay mượn cảm hứng từ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Với hệ số lực cản thấp nhất trong ngành, kiểu thiết kế của Ioniq 6 cho phép tăng thêm số dặm cho phạm vi hoạt động.
Khi mối quan tâm xe điện tăng cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Hyundai và Kia là một trong số ít các hãng xe có nhiều mẫu xe điện và xe hybrid bán tại các đại lý. Khách hàng mua xe điện của họ có xu hướng giàu có hơn so với khách hàng mua các mẫu xe chạy xăng truyền thống.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Bangkok. Đây là động thái đầu tiên của hãng này sau một năm dừng bay thường lệ quốc tế, để tập trung tái cơ cấu.
Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và 1 trưởng ban điều hành Dự án 4 thuộc ban này.
"Phố Nhật Bản" giữa lòng TP.HCM - đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 sẽ được cải tạo, chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.
UBND TP.HCM vừa chốt thời gian để các đơn vị hoàn thiện thẩm định bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị trình bảng giá đất trước 14h ngày 16/10.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM băn khoăn TP chưa thể đăng cai SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới; các thiết chế văn hóa - thể thao của thành phố chưa được đầu tư, phát triển ngang tầm với kinh tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.