Nét đẹp riêng của những ngôi chùa trên đất Bình Dương
Trần Khánh
28/02/2022 5:05 PM (GMT+7)
Đến với những ngôi chùa trên đất Bình Dương, nếu không để tìm sự thanh tịnh cõi lòng thì khách thập phương cũng được dịp chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà người xưa đã kỳ công tạo dựng.
Mùa xuân gắn liền tập tục đi chùa đầu năm. Rồi cả những ngày sau tết, cửa chùa cũng là nơi mà khách du xuân tìm đến.
Hồn xưa lưu dấu
Đạo Phật có mặt ở Bình Dương từ khá sớm. Dấu ấn đậm nét mà Phật giáo để lại trên đất Bình Dương gắn liền với cuộc khẩn hoang mở đất phương Nam vào thế kỷ 17.
Chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một) là ngôi chùa cổ có lối kiến trúc tiêu biểu của xứ Đàng Trong ở Bình Dương.
Chùa Hội Khánh do Đại Ngạn Thiền sư xây cất năm 1741. Đến năm 1860, chùa bị thực dân Pháp thiêu hủy. Vài năm sau, chùa được xây lại ngay trên nền đất của ngôi chùa cổ.
Hàng rào cao với 2 cổng chính đầy nghệ thuật là một trong những điểm nhấn quan trọng của chùa cổ Hội Khánh.
Cổng tam quan chùa Hội Khánh. Ảnh: T.L
Cổng chùa được xem là tác phẩm tổng hợp một cách hài hòa giữa triết lý phương Đông, triết lý nhà Phật và nghệ thuật gốm Lái Thiêu.
Những nghệ nhân Đất Thủ xưa đã thể hiện các hình tượng nổi rõ thành hình khối, làm nên nét đặc trưng thay cho nét trau chuốt tỉ mỉ của cánh thợ miền Trung, miền Bắc
Nhìn tổng thể, kiến trúc chùa Hội Khánh như là đất diễn của nghệ thuật ghép mảnh rất được ưa chuộng vào thế kỷ 19.
Những hoa văn, hình tượng được dán bằng mảnh sành, mảnh sứ nơi đây thật uyển chuyển, điêu luyện.
Nghệ thuật ghép mảnh này không chỉ chứng minh trình độ tay nghề của người thợ mà còn cho thấy nét đặc trưng của vùng đất gốm nổi tiếng phương Nam.
Những hoa văn, hình tượng được dán bằng mảnh sành, mảnh sứ trên cổng chùa. Ảnh: T.L
Ngày nay, khi nhắc đến chùa Hội Khánh, người ta thường nhắc đến kỷ lục: Bức tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Những kỷ lục này nọ trong tôn giáo không gây ấn tượng với chúng tôi bằng chính nét cổ kính mà chùa Hội Khánh vẫn giữ được, dù qua nhiều lần trùng tu.
Ngày nay, không có mấy ngôi chùa còn giữ được vách ván, chấn song bằng gỗ như chùa Hội Khánh.
Ngay cửa vào chánh điện, cũng ít có chùa nào còn giữ được 3 bộ cửa bức màn. Đây cũng là lối kiến trúc vách, song gỗ độc đáo ở Nam Bộ.
Bộ cửa bức màn còn giữ được ở chùa Hội Khánh. Ảnh: T.L
Bước vào bên trong, đôi tay khéo của người thợ năm xưa cũng để lại dấu ấn đặc sắc qua bộ tượng Thập bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương.
Mỗi pho tượng thờ được thể hiện ở mỗi tư thế, nét mặt, bộ dạng khác nhau. Tất cả toát lên nét linh thiêng nhưng cũng mang vẻ đẹp rất duyên và gần gũi.
Hệ thống tượng thờ ở đây do chính tay những người thợ Bình Dương xưa thực hiện. Đây là công trình mang dấu ấn của lớp thợ tài hoa Đất Thủ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Nét pha trộn hài hòa
Nếu các vị La Hán ở chùa Hội Khánh toát lên thần thái uy nghi thì bộ tượng Thập Bát La Hán ở chùa Khánh Sơn, trên Cù lao Rùa (TX.Tân Uyên) dường như pha lẫn nét hiền hòa, chân chất của người dân quê.
Cái mộc mạc trên nét mặt ấy cũng làm 18 vị La Hán trở nên dễ gần, với cả những ai ít bước chân vào Cửa thiền.
Ở góc độ mỹ thuật, những đường nét hoa văn, chạm trổ trên tượng thờ cũng cho thấy hoa tay của nghệ nhân Đất Thủ xưa. Trên mọi chất liệu, dù là gỗ hay đất thì những đường nét vẫn khoáng đạt, nhẹ nhàng, bay bổng.
Tượng các vị La Hán ở chùa Khánh Sơn, trên Cù lao Rùa. Ảnh: T.L
Cù lao Rùa vốn là di tích khảo cổ, có niên đại cách nay 3.500 - 3.000 năm. Nhiều cộng đồng dân cư đã đến đây từ hàng ngàn năm trước trong hành trình mở cõi.
Chùa Khánh Sơn nằm trên gò đất cao của cù lao Rùa, trong suốt hàng trăm năm tồn tại, ít thấy nói đến trong sử liệu. Chỉ biết, vào khoảng giữa thế kỷ XX, chùa bị cháy rồi cô tịch từ đó.
Sau ngày giải phóng, chùa được phật tử cúng dường rồi trùng tu theo lối kiến trúc mới.
Một điều thú vị, chùa Khánh Sơn vẫn còn lưu giữ bức tượng Phật bằng đá, theo phong cách Chăm, do người dân ở Cù lao Rùa đưa về thờ cúng.
Ngoài ra, cấu trúc gò đất ở Cù lao Rùa có nhiều đá ong. Các tảng đá ong tìm thấy trên đỉnh đồi, cũng được điêu khắc khéo léo tạo nên các tiểu mục có hình dáng độc đáo.
Lên trên đồi cao nhìn ra dòng sông Đồng Nai, cả một không gian hiền hòa, khoáng đạt. Chùa Khánh Sơn ở kề bên, quanh năm hương khói, gióng chuông ngày ngày, ấm áp cả một vùng.
Chùa Niệm Phật xã An Sơn (TP.Thuận An). Ảnh: T.L
Cũng nằm ở nơi khuất nẻo, chùa Niệm Phật bên dòng sông Sài Gòn, ở xóm vắng xã An Sơn (TP.Thuận An) ít được du khách biết đến.
Bên ngoài, chùa Niệm Phật nổi bật với kiến trúc vườn tượng thì bên trong, chùa sở hữu nhiều bộ tượng bằng gỗ quý.
Chùa Niệm Phật sở hữu một trong những tượng Phật Di Đà bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Đây là gia bảo mà nhà chùa còn giữ được qua bao thăng trầm lịch sử.
Không chỉ tượng gỗ, chùa còn có 2 chiếc mỏ gỗ lớn còn giữ được đến nay.
Thuộc hệ phái Bắc tông nhưng kiến trúc chùa Niệm Phật có nét kiến trúc pha trộn khá độc đáo giữa Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng nhiều phù điêu đắp nổi tinh xảo, thể hiện sự tích về cuộc đời đức Phật. Tiêu biểu như phù điêu về Hoàng hậu Ma Gia nằm mộng thấy voi trắng 6 ngà, Thái tử đản sanh, Thái tử xuất gia, Thái tử thành đạo...
Kiến trúc pha trộn ở chùa Niệm Phật. Ảnh: T.L
Hình tượng Phật Giáo Ấn Độ gần hiện diện khắp nơi ở trong chùa Niệm Phật. Chính sự xuất hiện của mô tuýp và phong cách Phật giáo Ấn Độ, mà đôi lúc, người ta quên rằng mình đang viếng một ngôi chùa theo trường phái Bắc Tông.
Chuyện xưa kể rằng, hòa thượng Thích Thiện Huê khai sơn năm 1951 thì có mấy nhà sư Ấn Độ đến truyền đạo, và tư vấn thiết kế. Lối kiến trúc của chùa Niệm Phật chịu ảnh hưởng theo.
Đây cũng là chuyện thường thấy ở nhiều công trình khác, có sự pha trộn phong cách kiến trúc, vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Nó làm thú vị thêm cho những chuyến hành hương khi tìm về những ngôi chùa trên đất Bình Dương. Những ngôi chùa độc đáo, trầm mặc vẫn ngày ngày nhịp đều tiếng mõ như đếm thời gian trôi.
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024 – Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Báo cáo của Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông tại Hội nghị đại biểu người lao động đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty.
Trước nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh, thành phía Nam sẽ không thực hiện cắt điện trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới.
Cao điểm 30/4-1/5, hành khách đến/đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, tăng khoảng 9% so với lượng khách hiện tại. Các đơn vị chức năng tất bật chuẩn bị sẵn sàng cho dịp cao điểm sắp tới.
Cao điểm 30/4 – 1/5 năm nay, các sân bay dự kiến có sản lượng tăng cao là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Phù Cát, Liên Khương, Côn Đảo.
Hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024 – Đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2025. Báo cáo của Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông tại Hội nghị đại biểu người lao động đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty.
Trước nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh, thành phía Nam sẽ không thực hiện cắt điện trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới.