Thứ ba, 17/12/2024

Thị trường bất động sản vực lại niềm tin để hướng tới tăng trưởng năm 2025

17/12/2024 12:40 PM (GMT+7)

Những thay đổi lớn trong năm 2024 về chính sách trong lĩnh vực bất động sản đã giúp thị trường bất động sản Việt Nam tạo dựng lại niềm tin để có thể tăng tốc trong năm 2025 với triển vọng lạc quan hơn.

Ngày 1/8/2024 là cột mốc đáng nhớ cho thị trường bất động sản Việt Nam khi ba bộ luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, sớm hơn 4 tháng so với dự định. Đó là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Thị trường bất động sản vực lại niềm tin để hướng tới tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đã lấy lại niềm tin. Trong ảnh: Khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: Tường Thụy

Nhận định chung cho cả năm 2024, ông David Jackson, Tổng Giám đốc công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam, cho biết bên cạnh những đổi thay lớn về chính sách, các xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để tiếp tục giữ cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam.

Ông cũng lưu ý thêm: "Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới".

Phân khúc nhà ở trên đà hồi phục giữa bối cảnh lệch nguồn cung kéo dài

Yếu tố tích cực thứ nhất của năm 2024 là thị trường nhà ở tiến triển tích cực hơn năm trước. Nguồn cung căn hộ mới xuất hiện từ nửa sau của năm và phần lớn là sản phẩm cao cấp.

Tại TP.HCM, hầu hết dự án mới tiệm cận phân khúc cao cấp trở lên, giá từ 72-142 triệu đồng/m2. Các dự án tái khởi động cũng công bố mức giá mới cao hơn trước.

Tại Hà Nội, giá bán tăng đột biến vào đầu năm và về cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Căn hộ trên 70 triệu đồng/m2 ở Hà Nội ghi nhận nhiều hơn vào quý 3 và giá sơ cấp toàn thị trường quý 4 tiếp tục tăng 2%-4% so với quý 3.

Thị trường bất động sản vực lại niềm tin để hướng tới tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 2.

Một số dự án được giới thiệu và mở bán dịp cuối năm 2024 tại TP.HCM và Hà Nội

Phân khúc tầm trung tiếp tục khan hiếm ở TP.HCM và Hà Nội, mức giá bán phổ thông (dưới 38 triệu đồng/m2) hầu như biến mất. Giá bán liên tục tăng đẩy thị trường nhà ở rời xa giá trị căn bản, tăng rủi ro thanh khoản và khoảng cách giữa sản phẩm trên thị trường với mong muốn, nhu cầu và khả năng của số đông người mua nhà, theo nhận định của công ty Avison Young.

Trong khi đó, việc phát triển nhà ở giá bình dân gặp nhiều thách thức. Chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội (NOXH) chưa đủ hấp dẫn, trong khi thủ tục đầu tư và thuê, mua nhà ở xã hội còn phức tạp.

Tuy nhiên, công ty tư vấn nói trên cho răng vẫn còn cơ hội cải thiện nguồn cung theo hướng cân bằng hơn. Phát triển nhà ở thương mại phổ thông và NOXH tại các khu vực ngoại ô hay đô thị mới, nơi quỹ đất chưa phát triển còn nhiều và chi phí đầu tư xây dựng bất động sản không quá đắt đỏ, dự báo góp phần đưa thị trường về lại quỹ đạo phát triển bền vững.

Đón đầu làn sóng này, một số dự án giá bình dân đã được giới thiệu vào dịp cuối năm 2024, như tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), Bình Dương và Đồng Nai.

Quỹ đất phát triển nhà ở cũng sẽ sớm được bổ sung khi TP.HCM công bố kế hoạch phát triển 11 khu đô thị TOD (Transit Oriented Development, là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) và đấu giá 22 khu đất xung quanh các nhà ga metro. Trong bối cảnh chi phí vốn tiếp tục tăng, "cuộc chơi" tiếp theo cho các chủ đầu tư là săn đón cơ hội từ những quỹ đất này, cân bằng chi phí, giá bán và sản phẩm để đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động hiệu quả của dự án.

Bất động sản công nghiệp đứng trước những cơ hội mới

Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trên thị trường, với giá thuê, nguồn cung tăng và tỷ lệ lấp đầy cao. Động lực chính cho sự phát triển này đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, được dẫn dắt bởi xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xu hướng "Trung Quốc+1" của các công ty đa quốc gia.

Tại các thị trường trọng điểm và cấp 1, giá thuê đất công nghiệp tăng trung bình 2-5% mỗi quý. Trong khi đó, nguồn cung mới hứa hẹn dồi dào khi nhiều dự án khu công nghiệp (KCN) được cấp phép hay khởi công trên cả nước.

BĐS công nghiệp và logistics vẫn là phân khúc được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu. Phân khúc này dẫn đầu về số lượng giao dịch bất động sản trong suốt năm 2024.

Trong ngắn hạn, các biến động kinh tế, thương mại và địa-chính trị do tác động từ các chính sách Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (sẽ nhậm chức ngày 20/1/2025) có thể gây sức ép tức thời lên việc thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Nhưng về dài hạn, Avison Young nhận định: Việt Nam -- với các lợi thế về vị trí địa lý, sự ổn định chính trị tương đối, chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày một cải thiện -- có thể trở thành cứ điểm sản xuất tiếp theo trên toàn cầu nếu nắm bắt kịp thời cơ.

Các loại hình BĐS công nghiệp được dự báo tăng sức hút gồm:

Thị trường bất động sản vực lại niềm tin để hướng tới tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 3.

Hệ thống pháp luật về bất động sản hoàn thiện hơn, củng cố niềm tin thị trường

Năm 2024 đánh dấu cột mốc pháp lý bất động sản khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực. Những thay đổi, điều chỉnh trong luật được đánh giá cao vì tính minh bạch, rõ ràng và công bằng, giúp chuyên nghiệp hóa các hoạt động môi giới và giao dịch, đặt nền móng để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Các luật mới đã mở rộng và làm rõ hơn bốn vấn đề cốt lõi. Đó là:

- Giao dịch trong nhiều loại hình và sản phẩm bất động sản, gồm công trình đã hoàn thành hoặc công trình hình thành trong tương lai

- Yêu cầu về việc thành lập, năng lực tài chính và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà đầu tư và chủ đầu tư khác nhau

- Yêu cầu về hợp đồng, quy hoạch trong việc mua bán quyền sử dụng đất

- Điều kiện và tiêu chuẩn để chuyển nhượng dự án

Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân vẫn mong sớm có các văn bản hướng dẫn và triển khai đồng bộ để các luật mới sớm đi vào cuộc sống.

Xu thế bền vững không thể đảo ngược

Hầu hết tòa nhà văn phòng mới ra mắt tại thị trường TP.HCM và Hà Nội trong vài năm trở lại đây đều theo đuổi chứng chỉ xanh. Không chỉ tăng về số lượng, văn phòng xanh cũng mở rộng về địa lý. Tại TP.HCM, văn phòng xanh dự báo phát triển ra các khu vực liền kề, sôi động và tăng trưởng nhanh như quận 4, quận 7, quận Tân Bình, TP.Thủ Đức.

Thị trường bất động sản vực lại niềm tin để hướng tới tăng trưởng năm 2025 - Ảnh 4.

Các tòa nhà văn phòng mới đạt chứng nhận bền vững tại TP.HCM và Hà Nội trong 2 năm gần đây

BĐS công nghiệp cũng đang tiếp tục xu hướng xanh hóa. Một số dự án nổi bật gần đây gồm nhà máy máy biến áp của Hitachi Energy tại Bắc Ninh (đạt chứng nhận LEED Gold), nhà kho xây sẵn Logicross Hải Phòng của tập đoàn Mitsubishi Estate (nhắm đến chứng nhận EDGE Advanced), nhà máy Lego Việt Nam tại Bình Dương (nhắm đến chứng chỉ LEED Gold cho toàn bộ dự án và LEED Platinum cho tòa nhà văn phòng).

Các nhà phát triển BĐS công nghiệp như KCN Việt Nam, BW Industrial, Fraser Property và Sembcorp cũng theo đuổi chiến lược phát triển hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, bền vững.

Các công ty tư vấn chia sẻ nhận định chung rằng các dự án bất động sản đạt chứng chỉ xanh hay tuân thủ về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) dễ kêu gọi hợp tác, đầu tư vốn, trở thành yếu tố được quan tâm nhiều trong các giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp – thường được gọi là M&A.

Đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam năm 2024 tăng mạnh

Năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có phần chậm lại theo xu hướng chung của thế giới. Tính đến hết tháng 11, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 31,38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng chậm này phản ánh đúng thực tế khi kinh tế Việt Nam có độ mở và dòng vốn FDI trên toàn cầu đã suy giảm trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) do bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu và căng thẳng địa chính trị.

Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn tích cực và họ tiếp tục rót vốn vào các dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép tại Việt Nam. Điều này được chứng minh qua tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Với đà tăng này, cộng với nỗ lực giải ngân vốn FDI dịp cuối năm, nhiều khả năng đến cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm ngoái và đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019-2024, theo nhận định của công ty tư vấn bất động sản Avison Young.

Đáng chú ý, trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn (vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,7% so với cùng kỳ) và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản. Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,63 tỷ USD.

Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và logistics, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Do đó, những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Dự án hầm chui cửa ngõ phía Đông TP.HCM xây 8 năm chưa xong: Nhếch nhác ngập rác

Dự án hầm chui cửa ngõ phía Đông TP.HCM xây 8 năm chưa xong: Nhếch nhác ngập rác

Sau 8 năm khởi công, dự án hầm chui nút giao Trạm 2 trên Xa lộ Hà Nội, hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai đến nay vẫn chưa hoàn thành.

HDBank miễn nhiệm các nhân sự cấp cao

HDBank miễn nhiệm các nhân sự cấp cao

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa thông báo miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc HDBank đối với ông Lê Thành Trung theo nguyện vọng cá nhân. Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Đặng đã được miễn nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.

iOS 18.2 chính thức ra mắt với Image Playground và Siri ChatGPT

iOS 18.2 chính thức ra mắt với Image Playground và Siri ChatGPT

Apple vừa chính thức ra mắt iOS 18.2 và iPadOS 18.2, bản cập nhật lớn thứ hai cho hệ điều hành iOS 18 và iPadOS 18. Bản cập nhật này đến sau hơn một tháng kể từ khi iOS 18.1 và iPadOS 18.1 được phát hành.

TP.HCM thu hơn 567.000 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hoá

TP.HCM thu hơn 567.000 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hoá

Tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP.HCM năm 2024 đạt 567.982 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023 (cùng kỳ tăng 9,6%).

Đề xuất bổ sung 1.600 tỷ đồng để đầu tư 4 nút giao thông lớn tại TP.HCM

Đề xuất bổ sung 1.600 tỷ đồng để đầu tư 4 nút giao thông lớn tại TP.HCM

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 4 nút giao thông lớn trong năm 2025.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu ngân sách

TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu ngân sách

TP.HCM đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách Nhà nước trong 11 tháng đầu năm 2024.