Chủ nhật, 19/05/2024

Thưởng Tết Giáp Thìn 2024: Công nhân vừa làm việc vừa khấp khởi chờ thưởng?

12/12/2023 10:23 AM (GMT+7)

Đời sống khó khăn, tiền lương, thu nhập giảm sâu, công nhân, lao động nghèo đang khấp khởi chờ doanh nghiệp thưởng Tết...

Công nhân thấp thỏm chờ thưởng Tết

Những ngày giữa tháng 12 dương lịch, anh Nguyễn Đức Thắng (34 tuổi, công nhân một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) đã bắt đầu ngóng thưởng Tết. Anh Thắng chia sẻ, các năm trước, công nhân tại công ty anh được thưởng Tết bằng 2 tháng thu nhập cơ bản, mức lương của ai cao thì được nhận tiền thưởng cao.

"Tết năm nay chưa biết công ty thưởng thế nào. Mọi năm thì mức thưởng của tôi là 12 triệu đồng. Năm nay công ty có phần khó khăn hơn, tôi mong muốn tiền thưởng Tết không hơn thì cũng bằng những năm trước. Giờ công ty chưa công bố nên tôi cũng thấp thỏm lắm", anh Thắng tâm sự.

Từ Hòa Bình, vợ chồng anh Thắng cùng xuống Thủ đô làm công nhân. Với công việc hiện tại, tổng thu nhập mỗi tháng của hai anh chị khoảng 15 triệu đồng. Số tiền ấy vừa để chi trả tiền trọ, vừa lo ăn uống, bỉm, sữa cho hai con nên gần như không có tích lũy thêm. Bởi vậy, cứ gần đến Tết là anh Thắng lại lo ngay ngáy, không biết lấy gì để sắm sửa. 

"Tết dương lịch này thì tôi được nghỉ 2 ngày nhưng chắc cũng không về quê đâu, để đến Tết âm lịch thì về cả thể. Như vậy sẽ tiết kiệm được một chút chi phí đi lại".

thưởng tết năm 2024

Anh Nguyễn Đức Thắng chia sẻ, Tết này không có thưởng Tết chắc cả gia đình không dám về quê.

Khi chúng tôi đề cập đến chuyện thưởng Tết, chị Nguyễn Thị Tuyết (làm việc tại một công ty công nghệ tại Hà Nội) cười buồn: "Lương thưởng Tết thì công ty tôi thưởng ít lắm, chỉ thưởng lương tháng 13 là lương cơ bản thôi. Lương cơ bản hai năm nay không tăng. Tôi cũng đã có ý kiến với lãnh đạo công ty nhưng được phản hồi là vì doanh nghiệp thua lỗ nên là không thể tăng thưởng Tết được".

Chị Tuyết chia sẻ, hiện tại, chị chỉ mong có thưởng sớm để đỡ đần chi tiêu cho gia đình dịp cuối năm. "Tháng vừa rồi, nhà tôi có nhiều việc cần chi tiền nên phải nợ tiền trọ đến tháng này mới thanh toán. Đóng tiền của tháng này xong thì coi như hết lương 10 triệu đồng, vì 4 triệu đồng tiền nhà rồi, 2,8 triệu đồng tiền học của con gái út và 3 triệu đồng tiền học thêm của hai cô con gái lớn nữa", chị Tuyết nói.

Không giống với nhiều người lao động có tâm lý mong ngóng thưởng Tết, anh Hà Duy Khánh (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) đang là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long lại có suy nghĩ khác. Anh bảo: "Điều tôi mong muốn nhất là có việc làm, thu nhập đều đặn hằng tháng. Còn thưởng Tết được chút nào hay chút ấy, vì kiểu gì về quê chơi Tết xong cũng hết. Chỉ có nguồn thu nhập hàng tháng ổn định mới là điều quan trọng".

Trước đó, ngay từ tháng 10 Bộ LĐTBXH cũng đã có báo cáo gửi các địa phương yêu cầu thực hiện báo cáo về chế độ tiền lương, tiền thưởng cho người lao động.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn chăm lo Tết cho người lao động, nhất là những lao động có hoàn cảnh khó khăn.

May mắn hơn các lao động khác, chị Lương Thúy An (38 tuổi) Đông Anh - Công nhân công ty điện tử lớn nhất nhì khu vực vừa nghe tin có thể Tết này sẽ "ấm" hơn vì được công ty thưởng Tết. 

Vừa tan ca sau giờ làm tối, chị Thúy An đã lao ngay vào bếp để chuẩn bị đồ ăn sáng cho 2 con. Khác với mọi ngày, hôm nay tâm trạng của chị An phấn khởi hơn. Chị  An chia sẻ chẳng là mới được công ty cho biết tháng này ngoài tháng lương thứ 13 công ty còn thưởng Tết cho mỗi lao động 1 tháng lương cơ bản, khoảng 5 triệu đồng do công ty vượt chỉ tiêu doanh số.

Chị An kể, đầu năm công ty khó khăn, tiền lương giảm anh em công nhân ai cũng lo lắng. Cũng may từ giữa năm đến giờ đơn hàng đều hơn.

"Theo nhẩm tính nếu Tết có tháng lương 13 và tiền thưởng Tết là một tháng lương cơ bản, anh em tôi sẽ được thưởng khoảng 15 triệu đồng. Thật sự không dám tin là sẽ được nhiều vậy vì năm nay kinh tế khó khăn lắm", chị An nói.

Với những công nhân lao động, tiền lương còn chưa đủ sống, phải chạy ăn từng bữa như chị An thì việc tới Tết được nhận một số tiền gần 2 tháng lương thực sự là số tiền lớn. 

thưởng Tết 2024

Chị An tỏ ra vui mừng vì công ty có thưởng Tết cho công nhân lao động, dù khó khăn nhưng mức thưởng Tết vẫn được giữ nguyên như Tết năm 2023. Ảnh: N.T

Bất chấp khó khăn doanh nghiệp vẫn góp sức chung tay lo thưởng Tết cho công nhân 

Cùng chung niềm phấn khởi, hơn 18.000 công nhân của Công ty Canon Việt Nam cũng vừa nhận được thông tin về thưởng Tết âm lịch năm 2024.

Theo đó, Công ty Canon Việt Nam dự kiến thưởng Tết cho cán bộ, công nhân trung bình 2 tháng lương như năm ngoái (tương đương 16 triệu đồng/người) và có tính trượt giá để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn.

Ông Mikinao Tanaka - Giám đốc cấp cao hành chính - Công ty TNHH Canon Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết, doanh nghiệp vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động dịp cuối năm.

"Không riêng gì năm nay, thời điểm khó khăn trước đây, điển hình như giai đoạn 2021-2022, cả thế giới đều bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu giảm nhưng Canon Việt Nam vẫn đảm bảo lương, thưởng cũng như giữ nguyên các phúc lợi cho người lao động.

Do đó, năm nay, dù doanh nghiệp khó khăn chúng tôi vẫn thưởng Tết cho người lao động. Dự kiến mức thưởng vẫn như các năm trước và có tính trượt giá để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn", ông Mikinao Tanaka nói.

Không chỉ các công ty, sở LĐTBXH các tỉnh thành cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động báo cáo tình hình lương, thưởng Tết cho công nhân, lao động. 

Khảo sát ban đầu của công đoàn tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã có phương án thưởng Tết, chăm lo Tết cho người lao động. Bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động, vẫn có những doanh nghiệp thực sự khó khăn không thể chăm lo Tết cho lao động. Công đoàn cũng đang tính toán phương án hỗ trợ cho nhóm lao động trong các doanh nghiệp khó khăn này. 

thưởng tết

Thu nhập giảm, nhiều công nhân, lao động chỉ trông chờ vào cái Tết để có thêm chút tiền về quê. Ảnh: N.T

Chia sẻ về câu chuyện thưởng Tết, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) nhận định, năm 2023 là năm đầy khó khăn với các doanh nghiệp. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn cố gắng bám trụ hạn chế cắt giảm lao động tới mức tối đa.

"Nhiều doanh nghiệp đã được phục hồi, có thêm nhiều đơn hàng, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu, gia công, dịch vụ… Các doanh nghiệp đều muốn thưởng Tết để động viên, giữ chân người lao động ở lại. Do đó, có thể thưởng Tết 2024 sẽ cao hơn 2023" - ông Trung vẫn lạc quan, tin tưởng.

 "Tôi tin rằng chủ doanh nghiệp sẽ cố gắng tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động, có thể bằng tiền, cũng có thể bằng hiện vật, thậm chí bằng chính những sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất" - ông Trung cho hay.

Để việc thưởng bằng hiện vật có ý nghĩa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động thông qua tổ chức Công đoàn cơ sở. Từ đó, khi người lao động nhận phần quà Tết bằng hiện vật của công ty sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết khoản tiền thưởng tết ngoài ý nghĩa vật chất còn có ý nghĩa động viên về tinh thần rất lớn. Đây cũng là cách để công ty giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết, thưởng Tết cao hay thấp phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp ý thức, trách nhiệm với công nhân thì mức thưởng cao hay thấp chắc không phải là vấn đề lớn. 

"Thông thường các doanh nghiệp chỉ thưởng 1 tháng lương cơ bản. Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng nên đây cũng là nỗ lực lớn của doanh nghiệp. Do vậy nếu có thể thưởng Tết 2 tháng lương cho lao động thì đây cũng là số tiền không hề nhỏ. Ngược lại, nếu doanh nghiệp khó khăn thì công nhân, lao động cũng nên chia sẻ thêm với người lao động", ông Quảng nói. 

                                             

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Khi thời trang, ăn uống phủ đầy các trung tâm thương mại

Khi thời trang, ăn uống phủ đầy các trung tâm thương mại

Hầu hết các giao dịch thuê được ghi nhận đến từ ngành hàng F&B, thời trang thể thao và mỹ phẩm… điều này đã thay đổi đáng kể và đặt ra yêu cầu về nâng cấp, tái cơ cấu đối với các trung tâm mua sắm.

Cây phượng đỏ rực giữa đồng xanh, ngàn người kéo đến

Cây phượng đỏ rực giữa đồng xanh, ngàn người kéo đến

Nhiều người không ngại thức dậy từ 5 giờ sáng, đường xa để có thể chụp khoảnh khắc cây phượng nở hoa đỏ rực giữa đồng rau xanh bát ngát.

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Món ăn được làm từ sen - đặc sản Đồng Tháp

Đặt chân đến Đất Sen hồng Đồng Tháp tại miền Tây sông nước, du khách không chỉ thích thú với những cánh đồng sen tỏa sắc mà còn bị hút hồn bởi các món ăn đặc sản được chế biến từ sen.

Đề xuất mới cho hệ thống buýt TP.HCM: Xe điện 100%

Đề xuất mới cho hệ thống buýt TP.HCM: Xe điện 100%

Công ty Phương Trang cho biết sẵn sàng đầu tư xe buýt thuần điện mới nhằm góp phần "xanh hóa" hệ thống giao thông đô thị tại TP.HCM.

Apple giúp người dễ say xe có thể dùng điện thoại

Apple giúp người dễ say xe có thể dùng điện thoại

Apple vừa giới thiệu một tính năng mới có thể giúp những người dùng iPhone và iPad giảm tình trạng say xe khi sử dụng thiết bị công nghệ trên xe hơi.

Sẽ giảm vốn Nhà nước tại công ty tỷ đô-la của Bình Dương

Sẽ giảm vốn Nhà nước tại công ty tỷ đô-la của Bình Dương

Đến hết năm 2025, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC sẽ giảm từ 95,44% xuống mức hơn 65% theo quyết định của Chính phủ. Becamex đang trực tiếp vận hành 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha.