Thứ bảy, 07/12/2024
Nắm bắt cơ hội và thích nghi với tình hình mới bằng cách tối ưu hóa dịch vụ và cung cấp các trải nghiệm độc đáo, phát triển nhiều sản phẩm du lịch, TTC Hospitality đã không chỉ vượt qua một năm khó khăn mà còn mở rộng thị phần dịch vụ của mình

Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn – thành viên HĐQT Tập đoàn TTC cho biết, các thương vụ M&A khách sạn của TTC không chỉ là một bước đi táo bạo mà còn là minh chứng rõ ràng về cam kết của ngành Du lịch TTC trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phân khúc thị trường và phát triển các dòng sản phẩm mang đặc trưng văn hóa Việt Nam.

"Cụ thể, chúng tôi đã sáp nhập TTC Imperial Hotel vào thương hiệu TTC Hospitality cũng như mở rộng điểm đến tại thị trường Huế - một trong những địa danh du lịch văn hóa, lịch sử của miền Trung. Thương vụ này đã nâng số lượng khách sạn phân khúc 5 sao của TTC Hospitality lên 3 khách sạn, bên cạnh TTC Hotel - Cần Thơ và TTC Hotel - Michelia (Nha Trang)", ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn cho biết.


TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 1.

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn – thành viên HĐQT Tập đoàn TTC

Bên cạnh các thương vụ M&A, trong năm 2023, TTC Hospitality đã ra mắt những dự án nổi bật: Khai trương TTC Van Phong Bay Resort tại bãi biển Dốc Lết, tỉnh Khánh Hòa; Khánh thành công viên nước đầu tiên tại TP Bến Tre - TTC Mekong Aqua Park; Cầu kính Ngàn Thông tại Thung lũng Tình yêu với công nghệ 7D đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động. Ngoài ra, TTC Hospitality cũng dự kiến ra mắt Vườn ánh sáng đầu tiên tại Thung lũng Tình yêu trong năm 2023. Những nền tảng được xây dựng trong năm 2023 sẽ tạo đà cho những triển vọng khả quan của TTC Hospitality vào năm 2024 cũng như thời gian tới.

TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 2.

TGTT: Ông có thể chia sẻ thêm về những mục tiêu của ngành Du lịch TTC?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Năm 2023, ngành du lịch cả nước ghi nhận các tín hiệu phục hồi từ thị trường trong nước, quốc tế cũng như những nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch nhằm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Năm 2023 ngành du lịch cũng đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến đà phục hồi chung.

Tuy vậy, ngành Du lịch TTC (TTC Hospitality) vẫn mạnh dạn theo đuổi mục tiêu tiếp tục hoàn thiện những dự án theo kế hoạch chiến lược, nâng cao chất lượng dịch vụ và không ngừng mang đến sản phẩm du lịch mới lạ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt, chúng tôi luôn đề cao việc tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn văn hóa sẵn có, chung tay cùng Việt Nam vẽ nên một bản đồ du lịch rực rỡ sắc màu.

Năm 2018, TTC đã M&A thành công Công ty CP Du lịch Thắng Lợi (đơn vị sở hữu TTC Hotel - Michelia, TTC Resort - Dốc Lết, TTC Hotel - Phan Thiết, TTC Palace Bình Thuận lúc bấy giờ); Nămn 2019, sáp nhập TTC Lâm Đồng với các đơn vị trực thuộc gồm Thung lũng Tình yêu, khách sạn TTC Ngọc Lan và TTC Đà Lạt và M&A các khách sạn khác như TTC Hotel - Hội An, TTC Hotel - Angkor…

Với mục tiêu trở thành thương hiệu sở hữu và vận hành chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp tại thị trường Việt Nam, ngành Du lịch TTC đã chú trọng đầu tư và kiện toàn cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ cũng như trải nghiệm của khách hàng.

Thành quả cho những nỗ lực kiên định theo đuổi mục tiêu này, vào tháng 4 năm 2023, TTC Hotel - Cần Thơ đã nhận quyết định đạt chuẩn 5 sao từ Cục Du lịch Quốc gia. Đây là khách sạn có vị trí đắc địa ngay bến Ninh Kiều, cung ứng đa dạng dịch vụ từ nghỉ dưỡng đến hội họp, sự kiện và vui chơi giải trí. Quyết định công nhận 5 sao là động lực để khách sạn TTC Cần Thơ nói riêng và các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thuộc hệ thống TTC Hospitality nói chung tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Đây là khách sạn thứ 3 thuộc ngành Du lịch TTC đạt chứng nhận 5 sao, bên cạnh TTC Hotel - Michelia (Nha Trang) và TTC Imperial Hotel (Huế).


TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 3.

Nhà hàng Mekong River tại khách sạn TTC Cần Thơ có quy mô phục vụ trên 200 khách, với các món đặc sản vùng ĐBSCL và các món Á - Âu đa dạng phong phú

Đến tháng 7/2023, chúng tôi đưa vào vận hành TTC Van Phong Bay Resort tại tỉnh Khánh Hòa. Khu nghỉ dưỡng bên bãi biển Dốc Lết - một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh - với điểm nhấn về thiết kế, hồ bơi vô cực tầm nhìn biển cùng rừng phượng trên 3 hecta.

TTC Van Phong Bay Resort kết hợp với TTC Resort - Dốc Lết và TTC Hotel - Michelia tạo nên hệ sinh thái lưu trú, ẩm thực và tham quan giải trí, từ đó tạo sự liên kết điểm đến và xây dựng những mô hình du lịch hấp dẫn, đem đến những trải nghiệm mới lạ cho khách. Tại thị trường Lâm Đồng, năm 2023, ngành Du lịch TTC cùng ngành du lịch địa phương mang đến sản phẩm du lịch mới lạ, thu hút du khách với hai công trình tại khu du lịch Thung lũng Tình yêu, đó là cầu kính Ngàn Thông - cầu kính 7D đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Vườn Ánh Sáng. Hai dự án thể hiện khát vọng sáng tạo và phấn đấu không ngừng của Tập đoàn TTC đối với lĩnh vực du lịch.

TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 4.

 -Tại Bến Tre, TTC đã khánh thành công viên nước TTC Mekong Aqua Park và vườn thú Tiny Zoo đầu tiên tại thành phố Bến Tre. Dường như đi "tiên phong" luôn gắn liền trong mọi mặt hoạt động của Tập đoàn TTC. Lý do gì khiến TTC đã về vùng sông nước và đầu tư xây dựng những dự án này?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Du lịch Bến Tre với những sản phẩm du lịch đặc trưng vùng sông nước, đặc biệt là định hình trong lòng du khách thương hiệu du lịch xứ Dừa, tạo nét chấm phá riêng của du lịch Bến Tre trong bức tranh chung của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre, đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, phấn đấu đạt khoảng 5 triệu lượt khách vào năm 2030, trong đó khách quốc tế trên 48%. Để thực hiện mục tiêu này, Bến Tre không chỉ phát triển những loại hình du lịch tận dụng lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa truyền thống mà còn cần những điểm vui chơi giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của cả du khách địa phương và từ các tỉnh, thành lân cận. TTC Mekong Aqua Park ra đời đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu này.

TTC Mekong Aqua Park là một phần thuộc dự án "Khu nghỉ dưỡng Mekong" với quy mô hơn 45.000 m2. Dự kiến hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2024, dự án "Khu nghỉ dưỡng Mekong" sẽ là điểm đến lý tưởng "One Stop Destination" với đầy đủ các loại hình dịch vụ được đầu tư quy mô để tiếp đón du khách đến với tỉnh Bến Tre nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Bên cạnh TTC Mekong Aqua Park, chúng tôi còn sở hữu 3 cơ sở khác tại thành phố Bến Tre, bao gồm TTC Palace - Bến Tre, TTC - Khu Ẩm thực Bến Tre và TTC - Nhà hàng Nổi Bến Tre. 3 cơ sở này đều được công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát và bình chọn.

TTC Mekong Aqua Park và Tiny Zoo chính thức đi vào hoạt động mang ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Tập đoàn TTC, bởi thông qua đó đã góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp của người con vùng đất Bến Tre.


TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 5.

TTC Mekong Aqua Park là một phần của dự án "Khu nghỉ dưỡng Mekong", mang đến sản phẩm dịch vụ mới lạ cho du lịch Bến Tre

-Được biết, TTC Hospitality sẽ chính thức toàn quyền giám sát và trực tiếp quản lý, vận hành khu nghỉ dưỡng Emerald Hồ Tràm Resort. Dường như đây là lần đầu tiên ngành Du lịch TTC tham gia vào thị trường này. Ông có tự tin không?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Tháng 7 năm 2023, ngành Du lịch TTC chính thức ký kết hợp tác với Benthanh Group vận hành khu nghỉ dưỡng Emerald Hồ Tràm Resort tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Emerald Hồ Tràm Resort do Benthanh Group làm chủ đầu tư và dự kiến đón khách vào tháng 1 năm 2024. Dự án này cũng mở rộng thêm quy mô điểm đến của ngành Du lịch TTC, đó là thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu, một thị trường du lịch sôi động của khu vực miền Nam.

Chúng tôi hiện sở hữu gần 20 cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, ẩm thực, lữ hành tại 9 tỉnh thành du lịch trọng điểm của cả nước và 1 điểm đến tại Campuchia. Điều này sẽ là lợi thế khi ngành Du lịch TTC vận hành Emerald Hồ Tràm Resort vì có thể liên kết điểm đến, sản phẩm dịch vụ cũng như thị trường khách hàng hiện hữu và tiềm năng, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm trọn vẹn nhất. Với ưu điểm tọa lạc bên bãi biển Hồ Tràm hoang sơ và xinh đẹp, Emerald Hồ Tràm Resort hứa hẹn đón đầu du lịch năm 2024 với những xu hướng ưa chuộng những kỳ nghỉ mát mẻ, riêng tư hóa trải nghiệm cũng như những kỳ nghỉ chữa lành.

TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 6.

-Cùng với xu thế chung, ESG là cánh cửa kết nối doanh nghiệp Việt với thế giới. Tại TTC Hospitality thì sao, thưa ông? ESG đã thay đổi ngành Du lịch TTC như thế nào?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang trở thành một yếu tố quan trọng và ngày càng được đánh giá cao. Riêng với ngành Du lịch TTC, chúng tôi đã hoàn thiện bộ khung chiến lược vận hành theo mô hình này với những trọng tâm: Bảo vệ môi trường xanh và đa dạng sinh học từ du lịch bền vững theo tôn chỉ "Vì cộng đồng, phát triển địa phương" và quản trị theo chiến lược sản phẩm xanh, năng lượng xanh và nhân sự xanh. Đối với những điểm đến của TTC Hospitality, chúng tôi tập trung phát triển xanh và xem đó là yếu tố quan trọng được tích hợp vào chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, đối với TTC World - Thung lũng Tình yêu và TTC World - Tà Cú, hai điểm đến tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận với sự đa dạng hệ động - thực vật thì việc bảo tồn rừng, vùng xanh và đa dạng sinh học nơi đây là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển bền vững của TTC Hospitality.

Hàng năm, hai khu du lịch đều có những chương trình trồng cây nhằm gia tăng số lượng cây rừng cũng như mảng xanh phục vụ du lịch. Theo định hướng, TTC World - Tà Cú sẽ phát triển du lịch sinh thái - tâm linh - chữa lành, vì vậy duy trì đa dạng thảm thực vật cũng mang tính tất yếu trong quá trình phát triển.

Năm 2023, TTC Hospitality đạt những giải thưởng như Top 10 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam do báo Đầu Tư và Viet Research bình chọn; Chứng nhận Doanh nghiệp đóng góp vì cộng đồng tại giải thưởng Saigon Times CSR 2023; Danh hiệu Nhãn hiệu xanh - Du lịch Đà Lạt cho khu du lịch Thung lũng Tình yêu,… Đây là niềm tự hào, động viên mạnh mẽ, thúc đẩy tinh thần làm việc và định hình để TTC Hospitality phát triển bền vững.

Chủ động tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng và phát triển bền vững, TTC Hospitality không chỉ tạo ra những giá trị thụ hưởng cho cộng đồng mà còn trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy nhận thức trách nhiệm với xã hội, với môi trường và cùng hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi đã tổ chức những chương trình thiện nguyện đồng hành cùng người già neo đơn, trẻ mồ côi, học sinh nghèo tại các khu vực kinh doanh của TTC Hospitality như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cần Thơ, Bến Tre, TP.HCM,… Theo chiến lược đến năm 2025, chúng tôi sẽ tham gia ít nhất 2.000 giờ cho các hoạt động cộng đồng/năm và đảm bảo ít nhất 2.500 người hưởng lợi từ những hoạt động này.

-Hiện nay, TTC Hospitality đang quản lý chuỗi gần 20 điểm đến tại 9 tỉnh, thành du lịch trọng điểm và tại Campuchia. TTC Hospitality có kế hoạch mở rộng tại các tỉnh thành khác không? Và M&A sẽ là con đường thông minh nhất mà TTC Hospitality sẽ thực hiện?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Năm 2023, TTC Hospitality đã M&A thành công khách sạn TTC Imperial tại Huế. Chúng tôi cũng khai thác các dòng sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu. Trong chiến lược 2020 - 2025 và tầm nhìn 2026 - 2030, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng mạng lưới và quy mô hoạt động với mục tiêu phủ sóng thương hiệu ở các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Quốc và các tỉnh, thành phía Bắc. TTC Hospitality cũng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh cũng như đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.


TTC Hospitality: Một điểm đến  - Vạn trải nghiệm- Ảnh 7.

Nghi thức đón nhận quyết định công nhận TTC Hotel - Cần Thơ đạt chuẩn 5 sao

-Việt Nam có đủ yếu tố để ngành du lịch phát triển sôi động. Là một doanh nghiệp trong ngành, TTC Hospitality đã có kế hoạch gì để chuẩn bị cho năm 2024 và những năm xa hơn?

Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn: Dựa trên dự báo triển vọng, TTC Hospitality đã đặt ra chuỗi kế hoạch linh hoạt cho năm 2024 định hướng tầm nhìn 2030. Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu đạt chất lượng 5 sao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Đồng thời, tích cực nâng cấp cơ sở vật chất của các khách sạn để mang đến trải nghiệm mới mẻ và đẳng cấp cho khách hàng.

Chúng tôi không chỉ tập trung vào thị phần trong nước cũng như khai thác những thị trường quốc tế hiện hữu mà còn mở rộng sang các thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Điều này không chỉ mở rộng phạm vi quảng bá thương hiệu mà còn mang lại cơ hội tuyệt vời để phát triển bền vững TTC Hospitality. Bên cạnh đó, trên tinh thần "Một điểm đến - Vạn trải nghiệm", chúng tôi cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

-Xin cảm ơn ông!