Thứ hai, 25/11/2024

Xứ đâu xứ sở lạ kỳ…

17/02/2024 9:24 AM (GMT+7)

Ngày xưa người làng tôi gọi sông Bạc Liêu là sông Cái, với ý nghĩa sông Mẹ. Thật vậy, trên đôi bờ của nó nối vào không biết bao nhiêu là kênh rạch để rồi mạch sông lan tỏa trên khắp đồng ruộng Bạc Liêu, chảy ra biển Đông với những cửa lớn như Gành Hào, Cống Cái Cùng, Nhà Mát...

Tôi có may mắn là chôn nhau cắt rốn và lớn lên ở một xóm nhỏ nằm dọc dài theo bờ sông Bạc Liêu với tên gọi Bờ Xáng. Đó là cái tên giản dị nhưng nó phản ánh được lịch sử của con sông này - làng nằm trên trên cái bờ sông do xáng múc tạo thành.

Sông Bạc Liêu, nếu chỉ tính trong địa giới Bạc Liêu thì bắt đầu từ ngã ba Vàm Lẽo, giáp giới tỉnh Sóc Trăng và chạy dài xuống Láng Trâm, thuộc tỉnh Cà Mau. Với chiều dài khoảng 60 cây số. Vị trí của con sông này rất đặc biệt là chẳng những nó nằm giữa lòng thành phố Bạc Liêu mà còn nằm giữa tỉnh Bạc Liêu để làm trục giao thông chính và đầu mối thủy lợi giữa hai vùng sinh thái rõ rệt của đất Bạc Liêu. Những con sông như thế thường mang ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đời sống con người. Ví như sông Hương, văn học nghệ thuật đã đẩy nó lên, cho nó kết tinh thành văn hóa để sông Hương trở thành tâm hồn của xứ Huế. Trên thế giới có rất nhiều thành phố có những con sông là biểu tượng tinh thần của họ.

Những người lớn tuổi kể rằng sông Bạc Liêu là sông trời sinh (tức là sông tự nhiên). Và họ gọi là sông cũ. Rồi chỉ cho bọn tôi vị trí của nó hiện nay không còn hiện hữu trên đời. Căn cứ vào đây thì một phần sông cũ nằm trên xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Theo lời kể của người xưa thì sông Bạc Liêu tự nhiên rất ngắn, bắt đầu từ Vàm Lẽo chảy đến chợ Bạc Liêu thì hết. Thế nhưng con sông ngắn ấy, vào hơn 200 năm trước đã đóng một vai trò đặc biệt, là đường thủy độc đạo dẫn lưu dân khẩn hoang từ sông Tiền về khai khẩn đất Bạc Liêu, Cà Mau. 

Xứ đâu xứ sở lạ kỳ…- Ảnh 1.

Chợ chuối trên sông Bạc Liêu. Ảnh: Ngọc Nhuần

Đến năm 1882, người Pháp cho thành lập tỉnh Bạc Liêu, bao gồm cả vùng Cà Mau (gọi là quận Cà Mau), điều tra dân số lúc đó là 25.000 người. Diện tích toàn tỉnh lúc bấy giờ là 810.000 mẫu nhưng mới khẩn hoang đưa vào sản xuất chỉ được 4.761 mẫu. Giai đoạn tiền khẩn hoang vùng Bạc Liêu khai thác chậm bởi vì đất cầm thủy ngập úng chứa rất nhiều phèn nằm phía Bắc quốc lộ 1A ngày nay kéo dài xuống tới rừng U Minh. Còn phía Nam thì toàn là đất nhiễm mặn kéo dài xuống mũi Cà Mau. Chỉ có rừng tràm, rừng đước ngự trị. Thiếu kênh mương để tháo chua rửa mặn cho cây lúa. Hơn nữa, đất Bạc Liêu xưa là một vùng đất u linh mê địa, qua câu ca:

Xứ đâu xứ sở lạ kỳ

Con chim nghe cũng sợ con cá vùng nghe cũng kinh

Ngày tôi còn bé, khi nhận biết cuộc đời là đã thấy con sông quê mình bàng bạc phù sa và đôi bờ của nó là một rặng bần, mắm và lá dừa nước... giăng giăng, chạy đến ngút ngàn, xanh thẫm triền sông. Trăm năm sông vẫn nước ròng nước lớn, sáu tháng nước mặn và sáu tháng nước ngọt, khi mưa về. Mỗi lần con nước nhửng lớn là tiếng bìm bịp dội rền mặt sông khi ấy được rắc tím hoa bần. 

Trăm năm sông vẫn nước ròng nước lớn, sáu tháng nước mặn và sáu tháng nước ngọt, khi mưa về...

Mới 5-7 tuổi tôi đã cùng với đám trẻ con của làng nhảy ùm xuống sông tắm mát trong những trưa hè rồi chơi những trò chơi dân dã. Khi lớn lên, độ tuổi nhổ giò thì chúng tôi bơi xuồng ra sông hái bần và đàn hát vu vơ để hẹn hò vào những đêm trăng sáng. Khi ấy sông đẹp lắm. Đôi bờ đôi hàng cây đứng chúc đầu như liễu rũ, đom đóm thắp đèn sáng rực bờ và mặt sông trăng trải như dát bạc. Ta đi trên sông mà ngỡ đi trên con đường vào cõi thiên thai.

Không biết tự bao giờ, cư dân triền sông lại gắn bó với dòng sông quê của mình như thế. Cứ hết làm đồng thì họ xuống sông để làm các nghề đánh bắt thủy sản. Nguồn lợi từ sông có khi chiếm đến một nửa kinh tế của các gia đình ở đôi bờ sông. Dọc theo triền sông Bạc Liêu có những khu dân cư với tên gọi gắn liền với nghề khai thác tôm cá như: Xóm chày, xóm đáy, xóm câu..., triển khai một đời sống trên sông vô cùng phong phú để từ đó sông có hồn của cuộc đời. Sông Bạc Liêu ngày xưa có rất nhiều tôm cá. Tôm cá nhiều đến cỡ các nhà thơ dân gian đã tức cảnh sinh tình:

Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu

Sài Gòn thấy vậy xỏ xâu mang về

Hay:

Bạc Liêu là xứ quê mùa

Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu

Xứ đâu xứ sở lạ kỳ…- Ảnh 2.

Sáng sớm trên sông Bạc Liêu. Ảnh: Ngọc Nhuần

Hồi nhỏ tôi còn chèo xuồng bơi đua với cá nược. Cá nhiều đến cỡ ta quăng một cục cơm xuống sông là chúng nổi lên một vùng bằng chiếc đệm. Hồi đó sông chính là cái chợ của làng tôi, bọn trẻ chúng tôi thả câu, giăng lưới, đi chày... Cứ đến bữa cơm là xuống bến sông gỡ cá với những con cá lăng, cá ngát, cá dứa 3-5 kg là chuyện bình thường.

Hồi thập niên 1960 - 1970 của thế kỉ 20, chiến tranh ngày càng ác liệt. Bom, pháo của quân đội Sài Gòn từ chợ Bạc Liêu bắn ra làm vỡ bờ, vỡ đê, nước mặn xâm nhập đồng ruộng làm cho kinh tế của đa phần cư dân triền sông không còn đủ sống. Thế là người ta nhảy xuống sông làm các nghề hạ bạc. Và sông Bạc Liêu đã lấp đầy khoảng trống ấy, để người của triền sông có được cuộc sống lây lất mà đi qua chiến tranh. Sau năm 1975, cư dân thành phố Bạc Liêu rất khó khăn vì các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị cải tạo, không có việc làm. Vậy là rất nhiều người là thị dân Bạc Liêu đã xuống sông hành nghề đặt bôn, chày mồi, chày kéo... Sông Bạc Liêu là cứu tinh của họ trong một đoạn đời hoạn nạn.

Giờ đây, tôi ra bờ sông Bạc Liêu chơi trước thềm xuân mới đang về. Nắng trải lên mặt sông cái màu vàng rưng rức của mùa xuân. Chỗ tôi đứng ngày xưa là kênh Cả Phượng hiện đã không còn lưu dấu mà là một con đường lớn quang đãng, khi đêm xuống nhộn nhịp chợ đêm. Nhìn qua sông phía đối diện về hướng biển còn chiếc cầu thứ ba và dưới nó là một con kênh nhỏ. Nơi đây chính là ngã tư sông mà dân thương hồ neo đậu xuồng ghe quần tụ rồi hình thành nên chợ Bạc Liêu ngày nay.

Bờ sông Bạc Liêu, đoạn nằm giữa ruột thành phố Bạc Liêu giờ trông rất đẹp. Mấy năm trước đôi bờ sông được xây bờ kè, gắn đèn chùm, lan can... Tôi thầm cảm ơn những ai đã tạo ra một không gian đẹp cho thành phố Bạc Liêu, cho những thị dân đáng kính chiều chiều dẫn gia đình, người yêu... đi và nhìn ngắm con sông quê hương.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Một số đường bay "vàng" dịp Tết đang cháy vé máy bay giá rẻ

Một số đường bay "vàng" dịp Tết đang cháy vé máy bay giá rẻ

Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.

Logistics trọn gói trở thành dịch vụ "hot"

Logistics trọn gói trở thành dịch vụ "hot"

Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.

Thủ tướng: Can thiệp quản lý hành chính vào doanh nghiệp sẽ làm méo mó thị trường

Thủ tướng: Can thiệp quản lý hành chính vào doanh nghiệp sẽ làm méo mó thị trường

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.

Hơn 30 đơn vị điện ảnh ký đơn xin không tăng thuế lĩnh vực văn hoá

Hơn 30 đơn vị điện ảnh ký đơn xin không tăng thuế lĩnh vực văn hoá

Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.

Trước ngày Đại hội cổ đông bất thường, Chủ tịch Tập đoàn 911 đột ngột qua đời

Trước ngày Đại hội cổ đông bất thường, Chủ tịch Tập đoàn 911 đột ngột qua đời

Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.

Săn hàng khuyến mãi Black Friday sớm, giảm giá tới 80%

Săn hàng khuyến mãi Black Friday sớm, giảm giá tới 80%

Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.