Thứ sáu, 22/11/2024

Tinh thần mặn lợ

16/02/2024 5:15 AM (GMT+7)

Nửa thế kỷ ngọt hóa, những đứa trẻ xưa đi vào chiến tranh và không hay ánh lân tinh đã đi vào ký ức từ khi nào. Bỗng dưng Cái Tư và Xà No lại mặn lợ vào thế kỷ 21...

Giày cỏ, chân trần và ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Đầu thế kỷ 20, thơ danh tướng chưa xuất hiện nhưng tinh thần của danh tướng thì đã. Thời Nguyễn Văn Thoại mộ binh mộ dân công rào rào làm ra Vĩnh Tế. Chưa phỉ, sau khi được vua cho tên vợ làm tên kênh biên thùy dài từ Châu Đốc đến tận Hà Tiên, Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại tiếp tục một con kênh nữa, vua cho tên: Thoại Hà. Ôi, một thời vua sang, một thời biên cương âu vàng từ Bắc chí Nam - nhà Nguyễn.

Những người đàn ông có tổ tiên chí lớn từ Hà Tĩnh vào Bình Định, rồi Đồng Tháp Cao Lãnh và bắt đầu đi dài xuống. Ghe lườn, chân trần, buồm lá dừa nước… và Truyện Kiều cất trong hành trang. Gia tộc có đến năm người đàn ông đã thỏa chí vườn xoài, năm anh em đi và đi, ghe lườn gỗ sao, hào sảng và hào sảng.

Tinh thần mặn lợ- Ảnh 1.

Giày cỏ, chân trần và ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Ảnh: Lê Hoàng Thái

Hai bờ kênh Xà No còn tràn ngập mùi đất phèn, gốc tràm và các thứ cỏ ống, cây dớn, cây choại. Toàn quyền Paul Doumer cho hình thành "con đường lúa gạo" Xà No trong nhiệm kỳ 1897 - 1902 của ông. Nghe rằng ông đã ký cho nhà đầu tư một sở đất trên 100.000 mẫu, phải vậy chứ trong kinh tế thị trường, và chúng ta có Xà No lịch sử.

Những người đàn ông rời nước ngọt quanh năm, nghe thấy biển rất gần phía trước, Cái Lớn đổ ra Rạch Giá. Cuối Xà No là Cái Tư và rồi Cái Lớn mênh mông. Đêm đêm, con cái họ phấn khích với những vệt lân tinh nhảy nhót theo nhịp chèo. Đã là một nhánh của Cái Lớn, một nhánh nữa, dân cố cựu rủ rê "Nước Đục dễ lập vườn, Nước Trong bên kia mặn đắng, khó lắm nghen. Mặn đắng thì lá dừa nước còn cháy héo huống chi con người".

Nước Đục dễ lập vườn, Nước Trong bên kia mặn đắng, khó lắm nghen. Mặn đắng thì lá dừa nước còn cháy héo huống chi con người...

Không có kỳ kèo, tiền vận trong quần lưng rút, đã dám đi thì cũng đã đến lúc dám bước lên bờ. Các em trai tỏa ra, người chọn nguyên doi đất hàng trăm mẫu để chuyên canh cây dừa. Người lui lại một chút, chọn một con vịnh khác của sông Nước Đục trồng dâu nuôi tằm dệt vải, nối dài danh tiếng lụa Mỹ A. Người nữa tạt vào một bên Xà No, trên những nhánh kênh sườn, chuyên ruộng và rẫy. Người út mải mê đi, hấp lực biển và mất tăm theo mọi nghĩa.

Nếu không sôi trào xê dịch thì đã không có người Việt phủ kín khắp phía Nam sông Hậu trong thời điểm mấy thập niên sau khi có con đường lúa gạo Xà No. Dường như 1954 là cái mốc để thấy mọi thứ đã định hình, xong xuôi hết thảy. Miệt vườn theo định nghĩa của Sơn Nam văn minh thuộc địa sâu sắc. Miệt ruộng của hội đồng Trạch và công tử Bạc Liêu bát ngát chân trời rồi lại chân trời. Miệt rẫy U Minh sẵn kỳ lạ, từ hệ thống kênh chính rồi kênh sườn cũng dấu ấn của tiền nhiệm Paul Doumer, cá đìa, cây tràm cây đước và than bùn. Riêng Nước Đục và Nước Trong như da beo: vườn thổ cư, ruộng lúa mùa và rẫy khóm, rẫy rau củ, phía Xà No là thương hồ dập dìu.

Tinh thần mặn lợ- Ảnh 2.

Món quà trời cho một đồng bằng trù phú bát ngát sắp bị mất đi vào tay các quốc gia thượng nguồn. Ảnh: Lê Hoàng Thái

Rửa đất phèn bằng mương liếp, nhận mưa móc từ trời bằng mọi cách trữ. Ghe thương hồ chở lu khạp từ Bình Dương xuống. Xi măng và gạch từ chợ Vị Thanh vào. Ấy mới chỉ là nước uống và nước xài. Nuôi cây thổ cư, nuôi gia cầm gia súc và tiện ích vệ sinh cho một gia đình hàng chục người, kinh nghiệm điền viên đã cho những cái cống những cái đập riêng của từng mảnh vườn. Thế là nước ngọt có mặt cả trong những tháng nước mặn lấn át, nước sông mặn chỉ để cho trẻ con nghich ngợm bơi lội và hất nước vào nhau cho lân tinh chấp chới trong ánh sáng lũ đom đóm cùng chấp chới.

Nửa thế kỷ ngọt hóa, những đứa trẻ xưa đi vào chiến tranh và không hay ánh lân tinh đã đi vào ký ức từ khi nào. Bỗng dưng Cái Tư và Xà No lại mặn lợ vào thế kỷ 21. Chiến tranh nguồn nước đã bắt đầu, sau khi chiến tranh nóng kết thúc. Con người phải giành giật thì mới ra cái đám đông nhân loại gầm gừ hay sao?

Việt Nam cuối nguồn, e chừng món quà trời cho một đồng bằng trù phú bát ngát sắp bị mất đi vào tay các quốc gia thượng nguồn. Có thể thay đổi bi kịch cuối nguồn được không?

Không thể. Không ai dời được đất nước bởi láng giềng xấu chơi. Không thể. Bỏ nước, nghĩa là bỏ cả đất nước lại sau lưng. 5 triệu/100 triệu người, là đã có 200 triệu đôi chân hành xử theo kiểu đi ấy. Nhưng Đất và Nước vẫn là một quốc gia đông dân cuối nguồn, có tên là Bi kịch cuối nguồn.

Cho dù Xà No hay Nước Trong Nước Đục trở về thời hoang sơ mặn chát hay mặn lợ, cho dù. Nhưng không ai lấy đi của chúng ta nửa năm mưa thuận gió hòa, ấy là trời cho, cái phần Trời ấy ai được cho thì phải biết tận hưởng. Tâm tưởng vẫn là Ông Cha tháo vát và bền bỉ, không sờn.

Tuyệt đường như người Do Thái từng bị triệt thì vẫn cứ là người Do Thái khiến cả thế giới nghiêng mình. Mặn lợ không có nghĩa là sa mạc hóa. Khi những con người thông minh lên và đồng lòng thì sa mạc cũng hóa xanh. Và sẽ vẫn xanh, để có tất cả.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.