Chiều 16/8, ông Nguyễn Toàn Thắng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, cho biết đơn vị đã chuyển hồ sơ của Công ty TNHH MTV thiết bị điện Lioa Đồng Nai (Công ty Lioa) đến Công an tỉnh, để tiến hành điều tra làm rõ hành vi trốn thuế.
Trước đó, Cục thuế tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định kiểm tra quyết toán thuế từ năm 2019 đến năm 2021 đối với Công ty Lioa. Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định, công ty này đã có văn bản xin gia hạn kiểm tra sau ngày 31/3/2023.
Dù vậy, khi rà soát các công ty cung cấp đầu vào cho Lioa Đồng Nai, Cục thuế tỉnh Đồng Nai phát hiện các công ty này đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thuế, người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng lại chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Trong khi đó, các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại, và dù mới được cấp mã số thuế nhưng có doanh thu rất lớn. Đáng nói là, sau đó các công ty này đều dừng hoạt động để tránh sự kiểm tra của cơ quan thuế.
Do đó, Cục thuế Đồng Nai đã chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ tháng 2 và tháng 3/2023, từ diện "hoàn trước, kiểm sau" sang diện "kiểm trước, hoàn sau".
Kết quả kiểm tra từ đầu năm 2019 đến tháng 3/2023, Công ty Lioa Đồng Nai có dấu hiệu sử dụng hóa đơn VAT đầu vào không hợp pháp của 66 doanh nghiệp, với trị giá gần 5.880 tỷ đồng, tương ứng với số thuế VAT là gần 588 tỷ đồng.
Đối với hồ sơ hoàn thuế VAT tháng 2 và tháng 3/2023 của công ty này, với số tiền đề nghị hoàn là hơn 60 tỷ đồng, cơ quan thuế phát hiện có 9/13 doanh nghiệp cung cấp đồng phế liệu cho Công ty Lioa đều không có thật. Riêng 4 doanh nghiệp còn lại chỉ thuê nhà trọ để gắn bảng hiệu, không hề có dấu hiệu hoạt động.
Cục thuế Đồng Nai đã có văn bản trả lời Công ty Lioa, trước mắt chỉ giải quyết hơn 10 tỷ đồng tiền hoàn thuế cho công ty này. Còn đối với đề nghị hoàn thuế tháng 4 và tháng 5/2023 với số tiền 70 tỷ đồng của Công ty Lioa, Cục thuế cũng chỉ chấp nhận giải quyết hoàn thuế 4 tỷ đồng, với cùng lý do trên.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết, theo Khoản 2, Điều 108 Luật Quản lý thuế, thì trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm, cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, để điều tra theo quy định của pháp luật.
Cục thuế tỉnh Đồng Nai sẽ căn cứ trên kết luận của cơ quan điều tra để xử lý. Nếu đủ điều kiện thì tiếp tục xử lý hoàn thuế phần còn lại, để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về hoàn thuế GTGT.
Nguy cơ phá sản vì chậm hoàn thuế VAT?
Trước khi bị Cục thuế tỉnh Đồng Nai chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra về hành vi trốn thuế, Công ty Lioa từng có đơn kêu cứu khẩn cấp lên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện Quốc hội, về việc công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản vì chậm hoàn thuế.
Theo đơn kêu cứu, kể từ đầu năm 2023 đến nay công ty này không được hoàn thuế VAT, với số tiền chậm hoàn thuế đã lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Thông tin từ phía Công ty Lioa cho biết, việc các doanh nghiệp đầu vào của công ty này bị Cục thuế Đồng Nai đưa vào diện có dấu hiệu rủi ro, dẫn đến ảnh hưởng việc hoàn thuế là chưa hợp lý. Vì Lioa không biết được những doanh nghiệp này có thuộc danh sách rủi ro hay không.
Trong khi đó, do việc bị chậm hoàn thuế VAT đã khiến Lioa bị đứt gãy dòng tiền, dẫn đến có nguy cơ phá sản, khiến cho 2.000 công nhân sẽ đối mặt với thất nghiệp, không có thu nhập.
Đến hiện tại, trong số hơn 200 tỷ đồng chậm hoàn thuế thì Lioa Đồng Nai đang bị chậm khoảng 150 tỷ đồng, còn tại Bắc Ninh là 30 tỷ và ở Hà Nội là 23 tỷ đồng.
Cục thuế tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, hàng hóa đối với các doanh nghiệp không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng rất quan trọng. Đối với trường hợp của Công ty Lioa, việc đầu ra hưởng thuế 0% được hoàn thuế, trong khi các doanh nghiệp đầu vào không nộp thuế, là đã gây thất thoát tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Chính vì vậy cần phải làm rõ mối quan hệ giữa Công ty Lioa Đồng Nai và các doanh nghiệp đầu vào hiện đã biến mất, từ đó là rõ trách nhiệm thuộc về ai hay tổ chức nào.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.