Thứ năm, 28/11/2024

Hàng Thái Lan lại nở nồi

14/06/2023 7:00 PM (GMT+7)

Thị trường Việt Nam vẫn đang được xem là mảnh đất màu mỡ cho hàng tiêu dùng và các loại thực phẩm, đồ uống Thái Lan

11 giờ trưa, dừng xe khoảng 5 phút trước cửa tiệm trà sữa ChaTraMue (thương hiệu được ví von là "trà sữa quốc dân" của Thái Lan) ở quận 1, TP.HCM, chúng tôi ghi nhận có 5 lượt khách vừa đến phải quay xe ra về khi nhìn thấy bảng thông báo dựng tạm với nội dung: "Chúng tôi đang quá tải đơn hàng. Tạm ngừng nhận đơn, xin lỗi vì sự bất tiện này".

Trái cây, đồ uống Thái Lan "đổ bộ"

Một nhân viên bảo vệ đứng túc trực trên lề đường nói thêm: "Anh/chị vui lòng quay lại lúc 13 giờ". Theo nhân viên này, cửa hàng còn tồn khá nhiều đơn hàng, dự kiến đến đầu giờ chiều mới trả hết để có thể nhận đơn mới.

Được biết đây là tiệm đầu tiên trong chuỗi thương hiệu trà sữa nổi tiếng Thái Lan ChaTraMue vừa khai trương cuối tuần trước. Sau 5 ngày mở cửa, ChaTraMue vẫn duy trì được sức hút lớn đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Trước đó, sự kiện ChaTraMue vào Việt Nam được truyền thông rầm rộ trên mạng xã hội, tạo thành hiệu ứng lớn với dòng người xếp hàng dài để được trải nghiệm sản phẩm trong ngày khai trương.

Không chỉ trà sữa, một đặc sản nổi tiếng khác của Thái Lan là sầu riêng cũng đang tiêu thụ rất mạnh tại TP.HCM. Hơn 1 tháng nay, trong khi sầu riêng Việt Nam liên tục lập kỷ lục xuất khẩu sang Trung Quốc thì tại Việt Nam, giới kinh doanh cho biết chưa bao giờ sầu riêng Thái Lan lại được chào bán nhiều như vậy.

Theo các thương lái, sầu riêng Thái Lan vào Việt Nam gồm 5-6 chủng loại như: Kanyao, Thái Mongthon, Krathung, Fumani, giá bán cao gấp đôi, thậm chí gấp 4 lần sầu riêng trong nước nhưng vẫn đắt hàng. Tại lễ hội Trái cây Lái Thiêu vào cuối tháng 5, sầu riêng Fumani (trái nhỏ dưới 1 kg, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép) cũng được bày bán, giá khoảng 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi sầu riêng Ri6 loại 1 nhưng vẫn hút khách.

Chị Thanh Hà, tiểu thương chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP HCM), chuyên bán trái cây miền Tây nhưng gần đây đã nhập thêm sầu riêng, măng cụt, me Thái Lan về bán. "Nhiều khách hỏi mua sầu riêng, măng cụt Thái nên tôi lấy một ít về bán thử.

Trong khi sầu riêng khổ qua chỉ 55.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 loại ngon cũng chỉ 90.000 - 100.000 đồng/kg thì sầu riêng Thái không dưới 190.000 đồng/kg. Tuy giá cao nhưng hàng chất lượng, múi to, hạt lép, không bị sượng nên vẫn có thị trường riêng. Măng cụt Thái ít hư, chín đều, giá rẻ hơn măng cụt Việt Nam nên dễ bán" - chị Hà nói.

Hàng Thái Lan lại nở nồi - Ảnh 1.

Tiệm trà sữa của Thái Lan tại trung tâm TP.HCM vẫn quá tải sau gần 1 tuần khai trương


Mảnh đất "màu mỡ"

Thực tế, không phải đến nay hàng Thái Lan mới tạo hiệu ứng lớn trên thị trường mà từ hơn 10 năm trước, khi các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, giới kinh doanh đã từng chứng kiến làn sóng hàng Thái Lan đổ bộ nhiều nơi. Đến nay, khi quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan được thiết lập ở mức cao hơn, các ông chủ người Thái Lan đã củng cố nền tảng vững chắc ở thị trường Việt, nhiều nhà đầu tư các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghiệp… Thái Lan cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn, hàng Thái Lan không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.

Tại TP.HCM, các cửa hàng, siêu thị hàng Thái Lan được trưng bày khá bắt mắt, vẫn giữ được nét riêng của văn hóa Thái Lan. Các siêu thị của người Thái Lan như MM Mega Market, Big C, Tops Marget, GO! cũng dành diện tích ưu tiên cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lẫn chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm Thái Lan đến khách hàng Việt Nam.

Không chỉ ở các siêu thị lớn, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu Thái Lan mà mỹ phẩm, hàng tiêu dùng (kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội, nước giặt, dầu nóng…), thời trang, bánh kẹo, thực phẩm, hàng điện tử xuất xứ từ đất nước chùa vàng còn tràn ra chợ đầu mối, chợ lẻ, tiệm tạp hóa… ở thành thị lẫn nông thôn.

Tương tự, các thương hiệu ẩm thực, đồ uống Thái Lan với nét đặc trưng nên luôn thu hút lượng khách hàng ổn định.

Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối hàng Thái Lan tại Việt Nam cho hay hàng Thái Lan đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, phù hợp với túi tiền và tiêu chí chất lượng của người Việt Nam. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, người tiêu dùng luôn có thiện cảm với hàng Thái Lan. "Đó là những lợi thế lớn để các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng Thái Lan đang tích cực tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam" - giám đốc này cho hay.

Ngoài ra, hàng Thái Lan đang có nhiều lợi thế cạnh tranh ở phân khúc cửa hàng chuyên doanh, kênh thương mại điện tử, chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống. Lý do là ở phân khúc này, sản phẩm Thái Lan rất đa dạng, thay đổi nhanh theo thị hiếu tiêu dùng.

Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng Lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM, tin rằng thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Thái Lan đang hoạt động tại Việt Nam lẫn hàng nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan. Theo bà Wiraka Moodhitaporn, có 70% hàng tiêu dùng Thái Lan đang phân phối tại Việt Nam được nhập khẩu từ Thái, 30% còn lại sản xuất tại Việt Nam.

Từ sau dịch COVID-19, đang có sự dịch chuyển trong sản xuất các sản phẩm Thái Lan sang Việt Nam, khá nhiều nhà đầu tư Thái Lan thông qua Tổng Lãnh sự quán tìm hiểu thị trường Việt Nam, mong muốn mở rộng các hoạt động đầu tư, sản xuất, phân phối tại Việt Nam.


Vẫn liên tục quảng bá

Dù hàng Thái Lan đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam nhưng Hội chợ hàng Thái Lan - kênh quảng bá, tiếp thị hàng Thái Lan rất hiệu quả trong nhiều năm qua - vẫn duy trì sức hút và đang tiến về nhiều tỉnh, thành. Chỉ riêng trong năm 2023, dự kiến hội chợ này sẽ được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành như Đồng Tháp, Cần Thơ, Quảng Ninh...

Riêng ở TP.HCM, theo kế hoạch có đến 5 hội chợ hàng Thái Lan được tổ chức trong năm tại 3 địa điểm quen thuộc là Trung tâm Hội chợ triển lãm Tân Bình, Nhà Thi đấu Nguyễn Du (quận 1), Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7).

Hầu như hàng hóa tại hội chợ đều do doanh nghiệp trong nước nhập khẩu, phân phối hoặc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từ Thái Lan trực tiếp mang sang chào hàng, tìm đối tác phân phối.

Theo NLĐO

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Ấn tượng triển lãm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại của nữ doanh nhân Sài Gòn

Ấn tượng triển lãm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại của nữ doanh nhân Sài Gòn

Những tấm ảnh chụp mặt trời bằng điện thoại ở nhiều địa điểm, nhiều thời gian trong ngày hết sức sống động khiến khách tham quan thích thú. Chủ nhân những bức ảnh là một nữ doanh nhân, bà có niềm yêu thích chụp mặt trời bất tận.

Cơ hội mua tôm hùm viên, tàu hủ cá, cá trích sốt cà Malaysia giá ưu đãi

Cơ hội mua tôm hùm viên, tàu hủ cá, cá trích sốt cà Malaysia giá ưu đãi

Nhiều loại thực phẩm nổi tiếng của Malaysia như tôm hùm viên, tàu hủ cá, cá trích sốt cà, đậu sốt cà, mì ăn liền, trà sữa, chocolate, nước ngọt… với giá ưu đãi đang được đồng loạt giới thiệu với người tiêu dùng.

Nhiều đường bay đang cạn vé máy bay Tết

Nhiều đường bay đang cạn vé máy bay Tết

Còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng nhiều đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh khu vực miền Trung đã xuất hiện tình trạng khan chiếm vé máy bay.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank: Trụ sở chính sẽ dời ra Hà Nội

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank: Trụ sở chính sẽ dời ra Hà Nội

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2024 của Ngân hàng Eximbank hôm nay 28/11 đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc thay đổi địa điểm trụ sở chính.

Hàng ngàn người dân TP.HCM "sống mòn" cùng ô nhiễm, nhà lụp xụp

Hàng ngàn người dân TP.HCM "sống mòn" cùng ô nhiễm, nhà lụp xụp

1.571 hộ sống tại quận 8, TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi sẽ được bồi thường, bố trí tái định cư đến nơi ở mới, "thoát cảnh" sống chung với ô nhiễm trong thời gian dài.

Nghề làm đường thốt nốt được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Nghề làm đường thốt nốt được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, An Giang vừa được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.