Thứ sáu, 20/09/2024

LNG trở thành nguồn năng lượng mới phục vụ công nghiệp, phát thải ít carbon

14/08/2024 9:28 AM (GMT+7)

Là đơn vị duy nhất nhập khẩu và kinh doanh khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam, PV GAS hướng tới kinh doanh và phát triển các sản phẩm LNG mới như tiếp tục gói giải pháp năng lượng tối ưu với mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.

Giữa tháng 3/2024, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) chính thức cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp với những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên tại Việt Nam, được xuất từ trạm nạp Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến trạm tái hóa khí LNG Thuận Đạo tỉnh Long An.

LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng chủ yếu để phục vụ sản xuất công nghiệp. Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu 100% LNG, và PV GAS là công ty nhập khẩu duy nhất. LPG là khí đốt hóa lỏng, dễ thấy nhất là hộp quẹt gas và gas dùng nấu ăn ở gia đình (hay lò sưởi ở các nước xứ lạnh). LPG cũng được làm nhiên liệu cho xe và các phương tiện vận tải. CNG (khí thiên nhiên nén) là nhiên liệu thay thế cho xăng, dầu trong một số phương tiện giao thông vận tải.

Đây là cột mốc quan trọng của ngành năng lượng tại Việt Nam vì đánh dấu gói giải pháp năng lượng của PV GAS với mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.

Vận hành kho cảng LNG duy nhất trên cả nước

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất một kho LNG đang vận hành là Kho Thị Vải thuộc PV GAS. Những kho chứa LNG khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch hoặc đang xây dựng.

Giữa tháng 6/2024, tàu Amani chở LNG nhập khẩu đã cập bến Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là đợt PV GAS đón chuyến tàu LNG thứ 5 đến Việt Nam tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng LNG duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Qua 5 chuyến, với chuyến đầu tiên đến Kho Thị Vải tháng 7/2023, PV GAS với tổng khối lượng hơn 300 ngàn tấn LNG, trong đó chủ yếu cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

LNG trở thành nguồn năng lượng mới phục vụ công nghiệp - Ảnh 1.

Kho cảng LNG Thị Vải của PG VAS tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn: petrovietnam.petrotimes.vn

Những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên được xuất từ trạm nạp Thị Vải giữa tháng 3/2024 đã an toàn tới trạm tái hóa khí LNG Thuận Đạo, Long An (dung tích chứa 100 m3, chính thức được đưa vào vận hành ngay sau đó). Sau đó, PV GAS cung cấp LNG cho các khách hàng hiện hữu đang sử dụng khí nén thiên nhiên CNG như Oechsler Motion, thép Nam Hưng, Petfood Evolution, Asia Steel…

LNG trở thành nguồn năng lượng mới phục vụ công nghiệp - Ảnh 2.

Xe bồn LNG xuất trạm từ Kho LNG tại Thị Vải giữa tháng 3/2024. Nguồn: PV GAS

Theo Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, việc cung cấp LNG cho sản xuất công nghiệp là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển chuỗi giá trị LNG của công ty ông, trong đó có các cam kết mang đến cho khách hàng giải pháp về năng lượng xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường, cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện cam kết về Net Zero từ năm 2050.

Việc này cũng đáp ứng nhu cầu của các khách hàng công nghiệp với yêu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế trong xu hướng chuyển dịch năng lượng. LNG được xem là nguồn năng lượng sạch với hàm lượng khí thải thấp hơn rất nhiều so với các loại nhiên liệu hóa thạch phổ biến khác như than đá, xăng, dầu. Trung bình, khi các hydro carbon trong LNG cháy hoàn toàn, nó thải ra ít hơn 40% khí nhà kính.

Ông Phong cho biết: "Với việc đưa ra gói giải pháp năng lượng theo mô hình kinh doanh tích hợp CNG/LPG/LNG, chúng tôi bảo đảm cung cấp cho khách hàng công nghiệp bộ giải pháp về năng lượng bền vững, giá cả cạnh tranh, cùng nhiều dịch vụ đi kèm về bảo dưỡng, hạ tầng, qua đó, mang đến sự lựa chọn tối ưu, cùng nhiều giá trị gia tăng bền vững cho khách hàng".

Theo PV GAS (tổng công ty trong hệ sinh thái của tập đoàn Petrovietnam), để chuẩn bị cho những chuyến xe bồn chở LNG đầu tiên đến với khách hàng, PV GAS đã chuẩn bị kỹ từ cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị đến nguồn lực chuyên môn chất lượng trong thời gian dài, từ cảng nhập, kho chứa đến hệ thống đường ống dẫn khí, xe bồn, tàu hỏa và các trạm tái hóa khí.

PV GAS cho biết LNG có các ưu điểm vượt trội về hiệu quả sử dụng năng lượng, độ thân thiện với môi trường, thuận tiện trong quá trình vận chuyển và nguồn cung đảm bảo theo cam kết của PV GAS. Trong thời gian tới, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026; triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, PV GAS cũng ký các thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và cạnh tranh cho thị trường nội địa.

LNG trở thành nguồn năng lượng mới phục vụ công nghiệp - Ảnh 3.

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong. Nguồn: PV GAS

Đánh giá thị trường thời gian tới, ông Phong nhận định PV GAS phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn khí từ các mỏ nội địa đang suy giảm nhanh; nhu cầu khí của các hộ tiêu thụ điện, công nghiệp tiếp tục giảm, thiếu ổn định do xu hướng chuyển dịch năng lượng, giá than giảm, khó khăn của nền kinh tế… Tuy nhiên, với trọng tâm giai đoạn 2024-2025 là chuyển dịch mô hình kinh doanh, công ty sẽ tập trung phát triển thị trường làm động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo động lực để doanh nghiệp vượt khó.

Chuỗi công trình kho cảng LNG Thị Vải (do PV GAS làm chủ đầu tư với Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và PTSC thuộc Petrovietnam, vốn đầu tư gần 300 triệu USD) được khánh thành cuối tháng 10/2023. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tham dự sự kiện trọng đại này. Hệ thống kho cảng được xây dựng từ những công nghệ tiên tiến nhất, nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến hàng đầu trong lĩnh vực LNG.

Kinh doanh khó khăn hơn năm 2023

Trong báo cáo thường niên 2023 của PV GAS, công ty cho biết thị trường kinh doanh LPG trong nước cạnh tranh khốc liệt và tăng trưởng âm (khoảng gần 2%).

Huy động/tiêu thụ khí của khách hàng điện và công nghiệp thấp hơn kế hoạch và năm 2022 (khách hàng điện tiêu thụ đạt 93% kế hoạch, khách hàng công nghiệp tiêu thụ đạt 91% kế hoạch) do khó khăn của nền kinh tế và ưu tiên huy động các nguồn năng lượng khác.

Bên cạnh những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới thì nội tại PV GAS cũng đang phải đối diện và giải quyết các vấn đề như nguồn khí trong nước suy giảm nhanh, nguồn khí giá rẻ giảm sâu, thay thế là nguồn khí giá cao và chiếm tỷ trọng lớn.

LNG trở thành nguồn năng lượng mới phục vụ công nghiệp - Ảnh 4.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận PV GAS năm 2024 giảm so với 2023. Ảnh chụp màn hình báo cáo thường niên PV GAS

Năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của PV GAS giảm so với năm trước với doanh thu thuần đạt mức 90.000 tỉ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm mạnh từ 15.066 tỉ đồng, xuống còn 11.739 tỉ đồng, tương ứng giảm 28% so với năm 2022.

Do đó, PV GAS đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2024 giảm: Mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 70.176 tỉ đồng, giảm 22% so với doanh thu thực hiện 2023; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 5.798 tỉ đồng, giảm 50,6% so với lợi nhuận thực hiện 2023.

Trên thị trường Việt Nam, PV GAS chiếm khoảng 70% thị phần LPG và sản xuất LPG tại nhà máy gas Dinh Cố ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Các nhà cung cấp lớn khác gồm những cái tên như Petrolimex và Saigon Petro của Việt Nam và những tên tuổi nước ngoài như BP, Shell, Total, PTT và Petronas.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Yêu cầu các hãng hàng không có biện pháp để giảm thiểu khách bị từ chối nhập cảnh

Yêu cầu các hãng hàng không có biện pháp để giảm thiểu khách bị từ chối nhập cảnh

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng đang khai thác các chuyến bay thường lệ quốc tế đến Việt Nam có biện pháp hiệu quả để giảm thiểu hành khách bị từ chối nhập cảnh.

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đảo chiều

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đảo chiều

Bước vào 6 tháng cuối năm 2024, mức độ quan tâm đến một số phân khúc bất động sản của nhà đầu tư có xu hướng gia tăng tạo tín hiệu tích cực cho thị trường.

Thử thách cho chuyển đổi xanh không chỉ là nguồn vốn

Thử thách cho chuyển đổi xanh không chỉ là nguồn vốn

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn quá non trẻ nên chưa thể hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thiên đường chim giữa biển khơi

Thiên đường chim giữa biển khơi

Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục Hòn Trứng, thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, là sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam.

Úc hỗ trợ Việt Nam đạt được một hệ thống điện tin cậy, giá cả phải chăng và giảm phát thải carbon

Úc hỗ trợ Việt Nam đạt được một hệ thống điện tin cậy, giá cả phải chăng và giảm phát thải carbon

Đó là những góc nhìn thực tiễn từ Australia cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Thúc đẩy giao thương doanh nghiệp chế tạo tại FBC ASEAN 2024

Thúc đẩy giao thương doanh nghiệp chế tạo tại FBC ASEAN 2024

Từ ngày 18 - 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với Công ty NC NetWork Việt Nam tổ chức Triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo (FBC ASEAN 2024) với chủ đề “Hành trình từ linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh”