Thứ sáu, 19/04/2024

Nhà máy vẫn nơm nớp nỗi lo thiếu nguyên liệu sắn chế biến tinh bột

17/05/2022 4:26 PM (GMT+7)

Khảm lá sắn vẫn hoành hành trên các vùng nguyên liệu cả nước, ảnh hưởng đến năng suất củ. Doanh nghiệp lại chưa chú ý phát triển vùng nguyên liệu. Vì thế, các nhà máy chế biến tinh bột vẫn nơm nớp nỗi lo thiếu nguyên liệu sắn.

Bệnh khảm lá làm thiếu nguyên liệu sắn

Gia Lai là tỉnh có diện tích sắn nguyên liệu lớn nhất nước, với khoảng 81.670ha (bằng 15,5% cả nước).

Việc phát triển vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm gần đây đang gặp nhiều khó khăn do do biến đổi khí hậu và thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Điều đáng lo ngại là từ năm 2018, bệnh khảm lá sắn xuất hiện, và vẫn tiếp tục lây lan. Gia Lai lại chưa có cơ sở sản xuất, nhân giống sắn sạch bệnh.

Nông dân thu hoạch sắn ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Nông dân thu hoạch sắn ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Nhiều hộ dân trồng sắn, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số buộc phải dùng hom giống nhiễm bệnh để trồng.

Điều này dẫn đến nguy cơ bệnh khảm lá sắn phát sinh, gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và chế biến sắn trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng sắn lớn thứ 2 cả nước, sau Gia Lai, nhưng năng suất đứng nhất cả nước.

Niên vụ 2021- 2022, diện tích trồng sắn của Tây Ninh đạt khoảng 59.000ha, năng suất trung bình khoảng 33 tấn/ha.

Khó khăn trong phát triển cây sắn ở Tây Ninh là bệnh khảm lá sắn vẫn còn phát sinh trên diện rộng. Bệnh chưa được kiểm soát nên ảnh hưởng đến năng suất. Nhiều doanh nghiệp phải nhập sắn thô từ Campuchia về chế biến.

Thế nhưng, nhiều vùng trồng sắn của Campuchia cũng đang xuất hiện khảm lá sắn. Cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng sắn từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Hiện Tây Ninh có 68 nhà máy chế biến tinh bột sắn, tổng công suất mỗi năm đạt khoảng 6,4 triệu tấn củ. Thế nhưng sản lượng nguyên liệu của tỉnh chỉ đạt 1,9 triệu tấn củ tươi/năm.

Bà Võ Thị Linh Phượng - Giám đốc Công ty CP Khoai mì Tây Ninh Tapioca cho biết, công nghệ chế biến của các nhà máy trong nước không thua kém Thái Lan. Công nghệ cao giúp năng suất thu hồi tinh bột cao, phế phẩm dư thừa sau chế biến đạt thấp.

Nông dân thu hoạch sắn ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân thu hoạch sắn ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Thế nhưng ở Tây Ninh, số lượng các nhà máy chế biến rất nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu không đủ cung cấp.

Nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến phải đẩy giá thu mua lên cao. Khi giá mua sắn trong nước đạt 3.000 đồng/kg thì giá mua sắn ở Thái Lan chỉ 1.700-2.000 đồng/kg.

"Giá sắn cao thì đương nhiên nông dân có lợi. Tuy nhiên, giá thành chế biến sản phẩm của các nhà máy trong nước cao hơn các nhà máy của Thái Lan, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh", bà Phượng nói.

Vì thế, theo bà Phượng, các nhà máy chế biến tinh bột sắn đang rất mong sớm có giống sắn kháng bệnh và cho năng suất cao để tăng cường nguồn cung nguyên liệu.

Giải bài toán thiếu nguyên liệu sắn

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn; và khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp.

Tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến khoảng 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Tuy nhiên, tổng công suất hoạt động thực tế chỉ 8,62 triệu tấn/năm.

Riêng vùng Đông Nam Bộ đang mất cân đối nghiêm trọng giữa công suất chế biến và vùng nguyên liệu.

Tổng công suất thiết kế của các nhà máy ở Đông Nam Bộ là 7,378 triệu tấn/năm. Tuy nhiên công suất hoạt động thực tế chỉ đạt 4,767 triệu tấn/năm (đạt 64,6% tổng công suất thiết kế).

Thu mua nguyên liệu củ sắn tươi tại một nhà máy chế biến ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Thu mua nguyên liệu củ sắn tươi tại một nhà máy chế biến ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân do các nhà máy phát triển nóng, tập trung nâng công suất chế biến. Thế nhưng các nhà máy này lại không chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu sắn.

Vì thế, tình trạng thiếu nguyên liệu sắn để sản xuất thường xuyên diễn ra. Các nhà máy phải mua 50-70% củ tươi với giá cao từ các vùng khác, hoặc nhập khẩu để chế biến. Đặc biệt, tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, công suất chế biến của các nhà máy ở Tây Ninh cao gấp 3 lần so với nguồn cung.

Điểm thuận lợi là khi có nhiều nhà máy, Tây Ninh có cơ hội nhập thêm nguyên liệu từ Campuchia và các tỉnh khác về chế biến, xuất khẩu và thu ngoại tệ.

Công suất chế biến cao còn giúp nông dân lúc nào cũng bán được sắn, và bán với giá cao.

Tuy nhiên, có một thực tế là tính liên kết giữa nhà máy và nông dân ở Tây Ninh còn lỏng lẻo.

"Hiện nay, các nhà máy vẫn còn thu mua tự do. Chưa có nhiều đơn vị ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, để qua đó, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định", ông Xuân nói.

Hiện nay, Sở NNPTNT Tây Ninh đang phối hợp triển khai các phương pháp nhân nhanh nguồn giống kháng bệnh khảm lá sắn. Tây Ninh kỳ vọng, trong vòng 3 năm tới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và nhà máy.

Tỉnh Tây Ninh cũng đang khuyến khích các nhà máy tăng cường liên kết nông dân, đảm bảo có lợi cho cả 2 phía. "Tất cả những vấn đề này trong mối liên kết phải được tăng cường hơn nữa về thực chất", ông Xuân chia sẻ.

Khu vực chế biến tinh bột của Công ty CP Khoai mì Tây Ninh Tapioca. Ảnh: Trần Khánh

Khu vực chế biến tinh bột của Công ty CP Khoai mì Tây Ninh Tapioca. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Nghiêm Minh Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, một số nhà máy lớn đã tập trung đầu tư vùng nguyên liệu nên năng suất cây sắn đã được nâng lên.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư của các nhà máy còn hạn chế, chỉ đáp ứng được trung bình 30% công suất sản xuất của mỗi nhà máy.

Ông Tiến thừa nhận, cơ chế liên kết của nhà máy với nông dân bằng hợp đồng thu mua, và bảo lãnh giá cho nông dân vẫn còn hạn chế.

Các nhà máy vẫn thu mua khoảng 40-50% sản lượng nguyên liệu ở các vùng khác nhau. "Hầu như năm nào cũng có hiện tượng xâm lấn vùng, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy trong khu vực, thậm chí cả ngoài khu vực", ông Tiến nói.

Với mục tiêu phát triển bền vững, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã có Nghị quyết kêu gọi các nhà máy đầu tư ít nhất 500-1.000 ha/nhà máy. Mỗi nhà máy phấn đấu có vùng nguyên liệu đảm bảo từ 40-50% công suất chế biến.

Để giảm bớt sự gay gắt trong cạnh tranh thu mua, gây thiệt hại chung, Hiệp hội Sắn đã thành lập các Nhóm nguyên liệu theo từng vùng phù hợp.

"Việc này nhằm điều tiết nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho sản xuất của các nhà máy; tránh cạnh tranh quá gay gắt, gây ra bất ổn ở địa phương", ông Tiến chia sẻ.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực

Mảng xuất khẩu của Vinamilk khởi sắc nhờ các thị trường chủ lực

Doanh thu thuần xuất khẩu của Vinamilk 2023 tăng 4,4% trong bức tranh chung nhiều khó khăn. Trước thềm đại hội cổ đông sẽ tổ chức ngày 25/4 tới, dự báo, mảng xuất khẩu của Vinamilk trong quý I duy trì được phong độ so với cùng kỳ năm trước trên mức nền cao.

Google, Tesla sa thải hàng loạt nhân viên

Google, Tesla sa thải hàng loạt nhân viên

Google đang tiếp tục sa thải số lượng lớn nhân viên nhằm cắt giảm chi phí. Hãng xe điện Tesla của Elon Musk cũng phải cắt giảm nhân sự toàn cầu vì triển vọng tăng trưởng sụt giảm.

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu tăng, vàng cao kỷ lục, chứng khoán giảm sau khi Israel tấn công Iran

Giá dầu ở châu Á tăng hơn 3% hôm nay 19/4 sau khi có tin Israel mới không kích một căn cứ quân sự của Iran để trả đũa. Vụ đáp trả của Israel có thể đẩy Trung Đông lún sâu hơn vào xung đột.

Vì sao xu hướng tăng giá thuê bất động sản công nghiệp khó dừng?

Vì sao xu hướng tăng giá thuê bất động sản công nghiệp khó dừng?

Giá thuê đất công nghiệp được trong ba năm tới được dự báo tăng liên tục ở cả phía Nam và phía Bắc nhờ triển vọng tốt trong phân khúc này vì Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Phát hiện chất cấm Sibutramin trong Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Bánh xèo khổng lồ tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2024 đã diễn ra hoạt động đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có đường kính kỷ lục 3m. Chiếc bánh do 15 nghệ nhân tham gia thực hiện, theo công thức truyền thống.