Trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ phát hành cuối tháng 8 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, đặc tính hạ tầng giao thông Việt Nam chưa phù hợp phát triển mạnh cho thị trường ô tô trong trung hạn, thay vào đó người dân sẽ duy trì "văn hóa xe máy chủ đạo". Điều này khiến mô hình chợ truyền thống, tạp hóa và siêu thị mini mở len lỏi trong dân như Bách hóa Xanh, Winmart chiếm ưu thế.
Mô hình bán lẻ diện tích lớn như đại siêu thị/trung tâm thương mại cũng gặp khó trong việc tìm mặt bằng tại khu vực đô thị như Hà Nội, TP.HCM do quỹ đất hạn hẹp. Các mô hình này thường nằm trong khu đô thị quy mô lớn trên 20 ha, khó kiếm mặt bằng. Trong khi thị trường tỉnh lẻ với đặc thù là hành vi mua sắm của người dân vẫn nặng truyền thống, cũng mang nhiều thách thức với các nhà bán lẻ này.
Đơn vị phân tích nhận định, nếu tỷ lệ ô tô trong dân tăng lên mạnh mẽ, các mô hình siêu thị/đại siêu thị/trung tâm thương mại sẽ có dư địa phát triển cao hơn vì giải quyết tốt các vấn đề về chỗ đỗ xe/tình trạng kẹt xe lúc chờ mua sắm, qua đó tiết kiệm thời gian (việc dừng xe hơi trước chợ truyền thống hay các cửa hàng nhỏ được cho không còn phù hợp).
Theo VDSC, cả hai mô hình chợ truyền thống/tạp hóa và siêu thị mini như Bách hóa xanh, Winmart đều có điều kiện thuận lợi để duy trì thị phần dẫn đầu tại thị trường Việt Nam như phân tích ở trên. Tuy nhiên, với các đặc điểm phù hợp với tầng lớp đang gia tăng nhanh chóng (giới trẻ, nhân viên văn phòng với thu nhập tốt hơn), siêu thị mini có cơ sở tăng thị phần nhanh trong các năm tới từ nền thấp (7-8%).
Tuy nhiên cần chú ý rằng, mô hình chợ truyền thống vẫn còn nhiều điểm mạnh riêng về giá cả rẻ, đa dạng mặt hàng, thực phẩm tươi sống và là thói quen tiêu dùng lâu năm của đại bộ phận người dân. Do đó, VDSC cho rằng mô hình này vẫn sẽ dẫn đầu thị trường với mức thị phần cao 60-65% trong trung hạn, sụt giảm từ mức 85% hiện tại.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor, tỷ lệ tăng trưởng kép giai đoạn 2024-2028 mô hình siêu thị (chủ yếu siêu thị mini) và mô hình chợ truyền thống/tạp hóa tại Việt Nam đạt lần lượt 7,4% và 2,8%.
"Như vậy, Bách hóa xanh và Winmart là mô hình cửa hàng bách hóa có bàn đạp thuận lợi, để tạo tăng trưởng cao trong 3-5 năm tới, đặc biệt sau những hiệu quả từ chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ của hai chuỗi," VDSC nhận định.
Thực tế, Bách hóa Xanh và Winmart đều được Thế giới di động (MWG) và Masan (MSN) kỳ vọng là "át chủ bài" cho tăng trưởng trong tương lai.
Trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, MWG đã mở thêm 6 cửa hàng Bách hóa Xanh, nâng tổng số cửa hàng lên 1.704. Chuỗi có mục tiêu mở thêm ít nhất 50-100 cửa hàng mới trong năm nay.
7 tháng đầu năm 2024, Bách hóa Xanh đạt 23.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 7, doanh thu của chuỗi đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gần 28% so với tháng cùng kỳ và tăng nhẹ so với tháng liền trước. Doanh thu bình quân trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng/cửa hàng.
Bách hóa Xanh cũng ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua. Đây là lần đầu tiên chuỗi siêu thị này có lãi kể từ khi đi vào hoạt động. MWG nhắm mục tiêu lợi nhuận mức nghìn tỷ đồng cho chuỗi này trong 1-2 năm tới.
"MWG vẫn đang trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD, đòi hỏi Bách hoá Xanh phải phát triển mạnh mẽ. Cộng thêm đó là vài mô hình kinh doanh mới khác," ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư giữa tháng 8/2024.
Trong đợt công bố kết quả kinh doanh vừa qua, Tập đoàn Masan cũng cho biết WinCommerce (WCM - công ty con vận hành siêu thị Winmart và cửa hàng WinMart+) lần đầu ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024, nhưng không tiết lộ con số cụ thể. Trong quý 2/2024, công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới.
Tính đến tháng 6/2024, WCM vận hành 3.673 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023. Công ty dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024, hướng đến mục tiêu 4.000 điểm bán trong năm nay.
Masan đặt mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng cho hệ thống WinMart vào năm 2028 với tỷ suất lợi nhuận khoảng 3 - 5%, dựa trên quy mô khoảng 8.000 cửa hàng/siêu thị. Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng đạt 15% trong 5 năm, so với doanh thu năm 2023 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Trong 4 ngày, chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024" sẽ diễn ra tại quận 1 với sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương.
Du khách nước ngoài say mê reo hò cổ vũ theo từng pha bóng đẹp mắt trên mặt bàn cong. Môn chơi mới lạ này mang tên Teqball.
Bộ Tài chính đang tiến hành xây dựng một số chính sách, chế tài mới liên quan đến chính sách thuế bất động sản. Bộ cho biết đã nhận được dư luận rằng đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ gây "sốc" thị trường.
Được xem là “trái tim” của dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 chính là nhà ga hành khách. Nhà ga hành khách đang được đẩy nhanh tiến độ, thi công kết cấu mái khung thép công trình nặng khoảng 32 nghìn tấn.
Du lịch MICE (hội nghị kết hợp du lịch) đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. TP.HCM cũng đang có chính sách để khuyến khích các đoàn MICE quốc tế đến TP.HCM tổ chức hội nghị, khuyến thưởng và du lịch.
Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản lại tiếp tục mở rộng đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam – thị trường được Aeon xem là quan trọng bật nhất bên ngoài Nhật Bản.