Hiện, các ngân hàng đang mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo quan sát của Thế giới Tiếp thị, mức cắt giảm bình quân từ 0,5-1 điểm % lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1 điểm % trở lên với các khoản vay tiêu dùng…
Vietbank đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, cho vay với lãi suất linh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, nhà băng này sẽ cung cấp đường dẫn tạo tài khoản thanh toán và các chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM (https://doanhnghiep.hochiminhcity.gov.vn/).
Từ đó, ngân hàng sẽ có các ưu đãi như tặng tài khoản số đẹp VB PRO trị giá 100 triệu đồng với các ưu đãi như miễn 100% phí giao dịch tại quầy và online, miễn 100% phí chi lương, miễn 100% phí nộp tiền ngân sách nhà nước; tặng thẻ ghi nợ quốc tế dành cho doanh nghiệp; tặng thẻ tín dụng quốc tế Luxury dành cho chủ doanh nghiệp...
Trước đó, Agribank, Vietcombank, BIDV, HDBank... cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, và triển khai các gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn hàng chục nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Chẳng hạn, HDBank giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với tổng số tiền giảm lãi suất dự kiến lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng.
Tại Agribank, đầu tháng 7 này, khách vay mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được áp dụng mức lãi suất ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất trung dài hạn 8%/năm.
Trước đó, đầu quý II, Vietcombank đã đưa ra gói tín dụng quy mô 55.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động, với lãi suất từ 6,3%/năm kỳ hạn dưới 12 tháng…
Nhà băng này cũng triển khai gói vay cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ có nhu cầu vay mua, xây sửa nhà, bất động sản, vay sản xuất kinh doanh, vay mua ô tô, vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… với mức lãi suất cho vay cố định từ 9,5%/năm tại các kỳ hạn trung và dài hạn.
Còn nhiều dư địa để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng…
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15%, nhưng đến ngày 27/6 đến hết tháng 6, tín dụng mới tăng 4,2%, tương đương 12,423 triệu tỷ đồng cho vay. Có thể thấy, mức tăng 4,2% hiện nay là rất thấp.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 4/7, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cần giải pháp đồng bộ về hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế, bởi hiện ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu tập trung tăng cường hơn nữa về tín dụng.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để giảm tiếp lãi suất, các ngân hàng cũng cần cắt giảm chi phí không cần thiết, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng…", Phó Thống đốc chỉ đạo.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho hay có một nghịch lý là hiện tại các ngân hàng rất dồi dào về thanh khoản, nhưng lại không cho vay một cách rộng rãi.
Chuyện cho vay của ngân hàng phải dựa vào yếu tố, là các ngân hàng sẽ thẩm định kỹ người đi vay có đủ điều kiện vay vốn được hay không? Còn nếu các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay thì dầu cho các ngân hàng có dư tiền thì cũng không thể cho vay được.
"Các ngân hàng làm đúng với Luật tổ chức tín dụng, đúng với nguyên tắc cho vay một cách an toàn. Thành ra không thể vì nền kinh tế đang thiếu tiền, các doanh nghiệp đang rất 'khát vốn' để từ đó cho rằng ngân hàng không chịu cho vay. Các ngân hàng làm thế là hợp lý", ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế - tài chính này cũng nhấn mạnh 3 điểm dẫn đến nghịch lý ngân hàng "thừa tiền" nhưng doanh nghiệp lại khó vay vốn.
Thứ nhất, người đi vay phải đủ điều kiện vay vốn. Nếu không có tài sản bảo đảm, tình hình tài chính rất khó khăn, thì vấn đề cho vay sẽ rất rủi ro cho ngân hàng. Vì thế các ngân hàng không cho vay.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn rất trì trệ. Hiện, GDP tăng trưởng 6 tháng chỉ 3,72%, đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang trì trệ, và khi nền kinh tế đang trì trệ thì yếu tố rủi ro tăng cao, các doanh nghiệp không có đơn đơn hàng, không đủ tài chính để hoạt động… dẫn đến trong 6 tháng đầu năm con số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái.
"Trong một nền kinh tế mà các yếu tố rủi ro tăng cao thì các ngân hàng dè dặt không dám cho vay nhiều là dễ hiểu", ông Hiếu nói.
Thứ ba, chi phí vốn vẫn còn rất cao mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành và gần đây đã giảm lãi suất trần cho lãi suất huy động cho đến 6 tháng.
Tuy nhiên, nhìn chung lãi suất cho vay không giảm tương ứng như lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn rất cao. Chính vì thế, với các doanh nghiệp không có nhiều đơn đặt hàng, doanh nghiệp đang trì trệ thì sẽ không có nhu cầu vay vốn làm ăn bởi càng làm ăn càng lỗ.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.