Còn 15 ngày trước thời hạn khóa liên lạc một chiều với các thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, nhà mạng VinaPhone cho biết vẫn chưa ghi nhận được tổng cộng có bao nhiêu thuê bao chưa trùng khớp thông tin. “Hiện VinaPhone đang tiếp tục đối soát dữ liệu”, đại diện nhà mạng cho biết.
3 nhà mạng chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam đều ở trong tình trạng tương tự, chỉ có thể đưa ra con số ước tính về số thuê bao có thông tin chưa trùng khớp. Đại diện nhà mạng Viettel cũng cho biết đã bắt đầu thực hiện đối chiếu dữ liệu thông tin thuê bao với CSDLQG từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
“Sau khi phối hợp với Bộ Công an đối chiếu dữ liệu vào tháng 11/2022, chúng tôi được nhận kết quả có 8% khách hàng của Viettel đang có thông tin không trùng khớp”, đại diện nhà mạng này cho biết tại cuộc họp của Cục Viễn thông về quản lý thông tin thuê bao ngày 13/3.
Tuy nhiên, khi rà soát lại bằng công cụ tự động và cả đọc thủ công, nhà mạng phát hiện trong 8% này có 30% là đã chính xác thông tin, và được cơ quan quản lý CSDL xác nhận. Đến nay, Viettel cho biết họ nghi ngờ trong 8% có thêm 45% thuê bao có khả năng trùng khớp vì thông tin thuê bao đã hợp lý về 3 trường thông tin gồm số giấy tờ, họ tên, ngày sinh, và lại đang chờ xác nhận từ cơ quan quản lý dữ liệu.
Tin nhắn của nhà mạng Viettel yêu cầu người dùng cập nhật thông tin có tỷ lệ phản hồi thấp, theo thống kê của nhà mạng. Ảnh: Hoàng Nam.
“Có nghĩa là với 8% khách hàng có thông tin không trùng khớp với CSDLQG sau khi lần đối chiếu đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy có khả năng 70% trong số đó thực tế là trùng khớp”, đại diện nhà mạng cho biết.
VinaPhone rơi vào thế “giằng co” tương tự khi bắt đầu chuẩn hóa thông tin từ giữa năm ngoái. “Sau khi đối chiếu, chúng tôi có những tập khách hàng thậm chí chưa có trong CSDLQG”, đại diện nhà mạng này cho biết. Giải thích sự chênh lệch giữa 2 bộ dữ liệu, vị này cho rằng có thể do nhiều khách hàng sử dụng hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân 9 số để đăng ký thuê bao.
“Sau khi dùng công nghệ bóc tách thông tin trên giấy tờ, chúng tôi xác nhận một số thuê bao vẫn đúng thông tin, và tiếp tục chuyển tập thông tin thuê bao này cho cơ quan quản lý CSDLQG để rà soát tiếp. Một số trường hợp chúng tôi phải đến tận địa phương kiểm tra”, đại diện VinaPhone nói.
Trao đổi với Zing, nguồn tin yêu cầu ẩn danh từ một nhà mạng cho biết doanh nghiệp không có quyền truy cập vào CSDLQG, tất cả dữ liệu thuê bao được tổng hợp lại sau đó gửi sang cơ quan quản lý dữ liệu để cơ quan này thực hiện đối chiếu, và có những trường hợp thông tin nhà mạng đánh giá là đúng, hợp lệ nhưng cơ quan quản lý dữ liệu lại thấy không trùng khớp. Nguồn tin này cho rằng nguyên nhân là cả 2 bộ dữ liệu đều không hoàn toàn chính xác.
Khi phát hiện ra các thuê bao không trùng khớp thông tin, trong quá trình đối chiếu qua lại nhiều lần giữa dữ liệu tại doanh nghiệp và dữ liệu tại CSDLQG, thì việc yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin cũng không dễ dàng. Đại diện nhà mạng Viettel cho biết tỷ lệ khách hàng phản hồi khi được thông báo thấp, cho dù nhắn tin nhiều lần liên tiếp, nhiều người không quan tâm hoặc cho rằng tin nhắn rác.
Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin thuê bao qua ứng dụng hoặc trang web, chỉ cần ảnh chân dung và ảnh chụp các giấy tờ liên quan. Ảnh: Hoàng Nam.
“Chúng tôi cung cấp nhiều phương pháp chuẩn hóa thông tin, qua mạng, qua hệ thống cửa hàng và đến trực tiếp trong các trường hợp khách hàng khó khăn đi lại, nhưng một bộ phận khách hàng chưa thực sự hợp tác”, đại diện MobiFone nhận định tương tự.
Trả lời báo chí, VinaPhone cho biết sẽ không xảy ra tình trạng quá tải như việc đăng ký thuê bao chính chủ năm 2017. Tuy nhiên nhà mạng khuyến nghị các chủ thuê bao sớm thực hiện chuẩn hóa thông tin khi được yêu cầu để tránh tình trạng quá tải cục bộ có thể xảy ra tại thời điểm gần ngày thuê bao sai thông tin bị khóa liên lạc một chiều, ngày 30/3.
Đối với các thuê bao sai thông tin, từ ngày 15/3 nhà mạng sẽ nhắn tin 5 lần trong 5 ngày liên tiếp. Người dùng có 15 ngày để cập nhật thông tin trước khi bị khóa chiều gọi đi, 30 ngày trước khi bị khóa liên lạc 2 chiều và 60 ngày trước khi bị dừng hợp đồng.
Đại diện Cục Viễn thông đánh giá mốc thời gian 31/3 để chuẩn hóa toàn bộ thông tin thuê bao đang hoạt động là thách thức với các nhà mạng, và kêu gọi các chủ thuê bao hợp tác khi được yêu cầu. “Cục Viễn thông đề nghị người dùng phối hợp với doanh nghiệp để chuẩn hóa thông tin, tránh trường hợp giả mạo, mạo danh để thực hiện hành vi trái pháp luật”, cơ quan này cho biết tại cuộc họp 13/3.
Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin trên thuê bao bao gồm số thuê bao, đối tượng sử dụng, thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số giấy tờ tùy thân và ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp.
Ngoài ra, thông tin của thuê bao cũng bao gồm bản số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, hình thức thanh toán cước cùng họ tên nhân viên, thời gian thực hiện giao dịch, địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.
Để cập nhật thông tin thuê bao, người dùng truy cập trang web của nhà mạng mà mình đang sử dụng tại các địa chỉ my.vnpt.com.vn (VinaPhone), tttb.mobifone.vn (MobiFone) hoặc viettel.vn/s/chtt (Viettel).
Sau khi nhập số thuê bao cần kiểm tra/cập nhật thông tin, hệ thống sẽ gửi tin nhắn mã xác thực đăng nhập vào số thuê bao đó. Người dùng nhập mã để đăng nhập.
Tiếp theo, chọn loại giấy tờ dùng để xác nhận, có thể là căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Sau đó, tải ảnh mặt trước và mặt sau của giấy tờ và ảnh chân dung tại các ô yêu cầu của giao diện web. Nếu sử dụng máy tính, người dùng cần chuẩn bị trước các file ảnh giấy tờ, ảnh chân dung. Với điện thoại thông minh, trang web của các nhà mạng cho phép chụp ảnh trực tiếp.
Cuối cùng, kiểm tra lại các thông tin mà hệ thống đã trích xuất từ ảnh gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp và chọn xác nhận thông tin.
Theo Zing
Thời đại của mạng xã hội và các dịch vụ ngân hàng số có thể khiến một ngân hàng sụp đổ nhanh hơn. Tin đồn lan truyền trong vài giây, và khách hàng dễ dàng rút tiền khỏi tài khoản.
Doanh thu Thế Giới Di Động 2 tháng đầu năm 2023 sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng Tết vốn là mùa ăn nên làm ra của Thế Giới Di Động, nhưng năm nay lại trái ngược hoàn toàn.
Hơn 20.000 căn hộ khu Nam TP.HCM chưa được cấp sổ hồng đã khiến người dân chịu không ít khó khăn vì bỏ tiền tỷ bỏ ra mua căn hộ, nhưng muốn thế chấp để vay hay giao dịch nhiều khi lại gặp ách tắc.
Dưới vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ - chợ Bến Thành) là khu vực đường hầm của tuyến metro số 1. Do đó việc trồng cây sẽ gây ảnh hưởng đến công trình về lâu dài.
Thời gian gần đây, tình trạng nắng gắt kéo dài diễn ra tại TP.HCM. Đây cũng là thời điểm nước giải khát, bao tay, kính râm... bán được hàng.
Phúc Long tự tin lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao cấp cửa hàng và công ty đang ở mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các chuỗi F&B trên toàn cầu.