Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng ủy quyền, ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp có bàn thu đổi ngoại tệ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu đổi ngoại tệ.
Cụ thể, toàn bộ lượng ngoại tệ thu đổi từ khách hàng, người dân được bán cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo định kỳ kết quả kiểm tra mỗi tháng 1 lần trước ngày 10 hàng tháng.
Các tổ chức tín dụng được yêu cầu có đánh giá đầy đủ, toàn diện địa điểm đặt bàn thu đổi ngoại tệ, đảm bảo đúng quy định, điều kiện về địa điểm cần xem xét quy mô, mạng lưới và khả năng thực tế.
Trong đó, phải đưa chỉ tiêu về doanh số và tăng trưởng qua từng năm, đảm bảo hiệu quả, phù hợp thực tế và đáp ứng nhu cầu đổi ngoại tệ của khách du lịch nước ngoài, của người dân, song vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tránh việc lợi dụng hoạt động thu đổi ngoại tệ để giao dịch, mua bán ngoại tệ tự do, vi phạm pháp luật và gây khó khăn cho hoạt động quản lý.
Cũng theo cơ quan này, Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về quy chế đại lý đổi ngoại tệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã quy định trách nhiệm, nhiệm vụ đối với tổ chức ủy quyền cho tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ.
Trên cơ sở đó, tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và thu đổi ngoại tệ thực hiện tổ chức niêm yết công khai minh bạch về hoạt động này tại các đơn vị kinh doanh (chi nhánh, phòng giao dịch) để người dân, khách hàng nắm bắt và thực hiện bán ngoại tệ thuận lợi.
Hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng, phòng giao dịch rộng khắp trên địa bàn cần tăng cường thông tin, lập bảng thông báo thu đổi ngoại tệ tại địa điểm hoạt động. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi góp phần để việc thu đổi ngoại tệ đúng quy định, cơ quan quản lý nhấn mạnh yêu cầu các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối cần triển khai trên toàn mạng lưới của mình.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, yêu cầu trên nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý ngoại hối trên địa bàn, đảm bảo thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định; hạn chế hiện tượng mua bán ngoại tệ tự do làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và hiệu quả chính sách cũng như tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, người dân có ngoại tệ tiền mặt được quyền bán cho các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối và các tổ chức kinh tế được phép hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ.
Với các đại lý thu đổi ngoại tệ, theo quy định chỉ được mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân nhưng không được phép bán USD ngược lại cho người dân.
Chỉ trừ các đại lý đổi ngoại tệ đặt tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh theo quy định.
Với người dân có nhu cầu mua ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chính đáng theo quy định.
Cụ thể là học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài, chuyển tiền một chiều cho nhu cầu hợp pháp khác.
Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, ngân hàng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân để thanh toán cho các giao dịch căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch. Do đó, người dân có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ, chứng từ với giao dịch thực tế nhằm đảm bảo việc mua ngoại tệ đúng mục đích và phù hợp quy định.
"Việc mua, bán, chuyển ngoại tệ tiền mặt của người dân phải thực hiện đúng theo quy định. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định xử phạt hành chính về trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Vì vậy, người dân phát sinh nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cần liên hệ ngân hàng, không mua bán ngoại tệ tự do, trái với quy định pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro", Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khuyến cáo.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.