8 hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM gồm Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh Wincomerce và Kingfood Market đang cùng tham gia và triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (hay còn gọi là chương trình "Tick xanh trách nhiệm")
Các siêu thị thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc chủ động quy hoạch vùng trồng nhằm đảm bảo nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Song song đó, các siêu thị cũng bắt tay nhau để kiểm soát chất lượng hàng hóa, cụ thể, nếu một hệ thống phát hiện một nhà cung cấp vi phạm về chất lượng, siêu thị sẽ thông báo với các siêu thị còn lại, và loại hàng ra khỏi toàn bộ hệ thống sau khi xem xét, đánh giá.
Theo ghi nhận, các nhà bán lẻ đều ủng hộ chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Sau khi tự nguyện tham gia, họ đã triển khai các nội dung với nhà cung cấp, đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Mới đây, Saigon Co.op đã ký kết với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu giai đoạn 1, đến từ 6 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang. Thời gian tới, Saigon Co.op có kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu giai đoạn 2 và 3 tại các tỉnh, thành còn lại trên cả nước.
Bà Võ Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc phòng quản lý chất lượng Saigon Co.op, cho biết chất lượng hàng hóa đầu vào được đơn vị thiết lập quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu sẽ mang đến tay khách hàng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng cao và giá cả hợp lý. Đồng thời giúp nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân ổn định đầu ra, tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Đối ngoại miền Trung và miền Nam của Central Retail Việt Nam, cho biết các siêu thị GO!, Big C hiện nay có chủ trương toàn bộ rau củ quả đưa vào hệ thống buộc phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP. Định hướng của tập đoàn không phải là hàng hóa đạt chuẩn tối thiểu vào siêu thị mà phải là chuẩn cao nhất. Việc này nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Vũ Dương Quân - Trưởng Ban quản lý hệ thống bán lẻ Satra, cho biết đơn vị đang khuyến khích các nhà cung cấp tự nguyện đăng ký tham gia chương trình "Tick xanh trách nhiệm" và hiện đã có 4 nhà cung cấp hưởng ứng. Sắp tới, Satra sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để các đơn vị, nhà cung cấp cùng tham gia nhiều hơn.
Nhà bán lẻ này cũng sẽ có hàng loạt chương trình truyền thông, hỗ trợ nhà cung cấp đạt “Tick xanh trách nhiệm” như có khu vực bán hàng riêng, sản phẩm xuất hiện trên ấn phẩm truyền thông, chương trình cho khách dùng thử… để khuyến khích nhà cung cấp tăng cường trách nhiệm với người tiêu dùng.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết trước mắt, Sở Công Thương sẽ phối hợp các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả các đơn vị.
Khi có bộ tiêu chí này, những nhà cung cấp tiên phong thực hiện cam kết về kiểm soát chất lượng, được xem xét và đánh dấu "Tick xanh” sẽ được thống nhất hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối. Sở Công Thương cũng sẽ thống nhất về chế tài đối với những vi phạm cho phù hợp, đủ sức răn đe.
Sở Công Thương TPHCM cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng triển khai chương trình đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ở địa phương. Mục tiêu là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường đều có "Tick xanh trách nhiệm", đều được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn ở mức cao nhất.
Tại hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành 2024 đang diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và bền vững, việc kết nối không chỉ giữa người mua và người bán mà phải là kết nối nâng cao "trách nhiệm”.
Theo đó, trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà cung cấp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn thuộc về nhà bán lẻ, người tiêu dùng trong việc giám sát và trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước trong xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, mong mỏi của thành phố không chỉ là kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, kết nối trực tuyến 24/24, kết nối xây dựng thương hiệu… mà từng bước đặt nền móng tiến tới chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, trách nhiệm, minh bạch.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.