Chủ nhật, 08/09/2024

Hiện tượng lạ trên thị trường ô tô Việt: Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024

25/07/2024 4:36 PM (GMT+7)

Có một vài nguyên nhân "đặc thù" dẫn đến việc doanh số xe nhập khẩu vượt xe lắp ráp trong 3 tháng liên tiếp gần nhất.

Xe nhập khẩu áp đảo 3 tháng liên tiếp

Theo số liệu bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, doanh số xe trong tháng 6/2024 đạt tổng cộng 26.575 ô tô các loại. Trong đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chiếm 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước nhưng vẫn nhiều hơn lượng xe lắp ráp trong nước đã bán ra thị trường (12.962 xe). 

Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp người tiêu dùng trong nước mua sắm các dòng xe nhập khẩu nhiều hơn xe lắp ráp trong nước.

Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 1.

Có phải người Việt đang ngày càng chuộng ô tô nhập khẩu đồng thời giảm mua xe lắp ráp trong nước? - Ảnh: Baochinhphu.vn

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh số xe lắp ráp đạt 67.849 xe, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong khi nhóm ô tô nhập khẩu đã bàn giao 67.035 xe cho khách hàng trong nước, tăng tới 16%. Có thể thấy, xe nhập khẩu đang đuổi sát nút xe lắp ráp thay vì khoảng cách lên tới hơn 21.000 chiếc trong 6T/2023.

Nhìn vào hãng xe hàng đầu Việt Nam là Toyota, mức chênh lệch cũng đang thể hiện rõ. Trong tháng 6, lượng xe lắp ráp được Toyota Việt Nam bán ra thị trường đạt 1.866 chiếc, chỉ chiếm 35,1% tổng doanh số của hãng. Trong khi đó, lượng xe lắp ráp bàn giao khách hàng đạt đến 3.312 chiếc, chiếm 64,9%.

Với Mitsubishi Xpander, mẫu xe bán chạy thứ 2 thị trường nửa đầu năm 2024 (nếu tính cả doanh số VinFast), trong 7.773 xe mới đến tay khách hàng Việt, có tới 7.000 xe là bản nhập khẩu. Đây cũng là một trong số ít mẫu xe tại Việt Nam có cả bản lắp ráp trong nước cũng như nhập khẩu.

10 mẫu xe sở hữu doanh số tốt nhất thị trường Việt trong nửa đầu năm 2024 cũng xuất hiện nhiều xe nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài như Ford Everest (4.442 xe), Mitsubishi Xforce (3.890 xe), Toyota Yaris Cross (3.750 xe).

Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 2.

Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 3.

Những con số này cho thấy, người Việt đang ngày càng chuộng ô tô nhập khẩu đồng thời giảm mua xe lắp ráp trong nước.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh số ô tô nhập khẩu tăng trong những tháng qua. Trước hết, ngay khi có thông tin Chính phủ nhiều khả năng sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô lắp ráp, đa phần khách hàng đều có tâm lý chờ đợi thời điểm chính thức giảm lệ phí trước bạ để có thể sở hữu ô tô với giá "mềm" hơn. Do vậy, lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước có sự chậm lại trong khoảng 3 tháng quý II.

Một khi chính sách được áp dụng, xe lắp ráp sẽ trở nên rẻ một cách tương đối so với xe nhập khẩu cùng phân khúc. Do đó, nhiều nhà phân phối đã khẩn trương đưa ra chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ riêng cho nhiều mẫu xe nhập khẩu, với mức được hưởng 50-150% giúp giá bán giảm lên tới cả trăm triệu đồng. Đây cũng là nguyên nhân thứ hai.

Ví dụ như thương hiệu Mitsubishi, trong tháng 6/2024, hãng tung chương trình hỗ trợ 100% trước bạ với các dòng xe nhập khẩu gồm Attrage bản MT, CVT Premium, Triton bản 4x2 AT Mivec, Pajero Sport bản 4x2 AT và 4x4 AT. Khoản hỗ trợ trước bạ quy đổi có giá trị lên tới 136,5 triệu đồng.

Trong khi đó, các dòng được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ có Attrage bản CVT, 3 phiên bản Xpander, Xpander Cross, Triton bản 4x2 AT Athlete và 2 phiên bản Outlander. Trong số này, ngoại trừ Outlander và Xpander bản MT là xe lắp ráp trong nước, những cái tên còn lại đều là xe nhập khẩu.

Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 4.

Trong tháng 6/2024, hãng Mitsubishi tung chương trình hỗ trợ 100% trước bạ với các dòng xe nhập khẩu

Với Nissan, ưu đãi lên tới 150% cho cả ba dòng sản phẩm gồm Almera, Navara và Kicks, tùy theo phiên bản và năm sản xuất, có thể quy ra tiền mặt để giảm trực tiếp vào giá mua xe. Đây đều là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Như vậy, khách hàng được hưởng khuyến mại 80-100 triệu đồng. Nếu mua xe sản xuất năm 2023, mức giảm có thể lên tới 220 triệu ở đại lý.

Honda Việt Nam không triển khai hình thức khuyến mãi qua chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ với mẫu Accord nhập khẩu từ Thái Lan. Thay vào đó, hãng đề ra mức hỗ trợ trực tiếp lên tới 220 triệu đồng tiền mặt cho khách mua xe trong tháng 6.

Subaru Forester nhập khẩu Thái Lan cũng được hưởng chính sách hỗ trợ từ một phần tới 100% lệ phí trước bạ. Ba phiên bản từ tiêu chuẩn tới cao nhất được nhận tương ứng mức giảm 70 triệu, 130 triệu và 160 triệu đồng tiền mặt.

Ngoài ra, các hãng khác như Suzuki, Subaru, Mazda, MG,... cũng liên tục có các gói hỗ trợ hấp dẫn cho khách hàng.

Bên cạnh giá bán cạnh tranh, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn người dùng bởi sự đa dạng về mẫu mã, thương hiệu cũng như kiểu loại, chức năng, đặc biệt là các dòng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… vốn được ưu đãi thuế nhập khẩu 0%.

Liệu ô tô lắp ráp có bị yếu thế?

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cân nhắc không thực hiện giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 1/8 tới đây.

Nếu tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.200 tỷ đồng. Bù lại, số tăng thu về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể đủ bù đắp cho mức giảm trên.

Tuy nhiên, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương cho rằng: Việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm các cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.

Xe nhập khẩu lên ngôi, xe lắp ráp lép vế trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 5.

Lắp ráp xe VinFast

Theo phân tích trước đó của Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã vi phạm nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA. Việc tiếp tục gia hạn chính sách sẽ vi phạm cam kết mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định thì việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ được xem là chưa phù hợp.

Thông tin này đã có tác động không nhỏ tới cả thị trường xe Việt thời gian qua vốn đang thấp thỏm chờ chính sách mới. Một số trường hợp khách hàng đã đặt cọc mua xe lắp ráp từ nhiều tháng trước, phải chịu các chi phí phát sinh như nộp phạt chậm giải ngân cho đại lý, phí gửi xe tại bãi,... trong thời gian chờ đợi giảm lệ phí. Tương tự với các đại lý phân phối xe lắp ráp cũng hồi hộp chờ đợi.

Việc giảm thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước là việc làm cần thiết để kích cầu, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Nam có thể bị kiện vì đã ký các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu không có chính sách giảm thuế trước bạ thì cần phải có các biện pháp cụ thể khác để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Bởi nếu không, xe Việt sẽ dễ bị thất thế trước xe ngoại nhập trên chính sân nhà.

Dù khó nhưng với sự trợ lực từ thương hiệu nội hàng đầu hiện nay là VinFast, khả năng xe lắp ráp giành chiến thắng doanh số cuối năm sẽ tăng cao. Hãng xe điện này đã công bố doanh số ấn tượng với 21.747 chiếc trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, phần lớn đến từ thị trường Việt Nam.

SUV VF 5 Plus được xem là “át chủ bài” của VinFast trong 2 quý đầu năm với 13.000 xe, dẫn đầu doanh số các dòng xe và đứng đầu phân khúc các dòng xe hạng A trên thị trường. Mẫu xe này hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì doanh số tốt trong nửa cuối năm 2024.

Không dừng lại ở đó, VF 3 được mệnh danh là "xe quốc dân" sẽ được giao vào tháng 8 tới đây, nhiều khả năng cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh số của hãng xe Việt nói riêng và xe lắp ráp trong nước nói chung.

Theo Nhịp sống Thị trường

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

EVNNPC thông tin thiệt hại của hệ thống điện do ảnh hưởng bão số 3

EVNNPC thông tin thiệt hại của hệ thống điện do ảnh hưởng bão số 3

Tổng công ty Điện lực miền Bắc thông tin về ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Thái Bình tính đến 12h ngày 7/9/2024.

Mai vàng dáng độc, lạ: Hàng chơi Tết không dễ có

Mai vàng dáng độc, lạ: Hàng chơi Tết không dễ có

Những chậu mai vàng có dáng con nai, con cóc... được một nông dân tại quận 12, TP.HCM trồng và chăm sóc. Kiểu dáng bonsai rất đẹp mắt và độc lạ này khá thu hút người mua.

TP.HCM tiêu huỷ hàng loạt hàng hóa vi phạm

TP.HCM tiêu huỷ hàng loạt hàng hóa vi phạm

TP.HCM vừa tiêu hủy hơn 6.000 đơn vị sản phẩm hàng hoá vi phạm bao gồm mỹ phẩm, quần áo, giày dép… với tổng trị giá hơn 580 triệu đồng.

Chính sách tiền tệ tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế

Chính sách tiền tệ tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế

Chuyên gia từ Ngân hàng UOB Singapore cho biết nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào chính sách tiền tệ ổn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh tiền đồng đang phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao.

TP.HCM sẵn sàng chia sẻ với những nơi bị ảnh hưởng bởi bão số 3

TP.HCM sẵn sàng chia sẻ với những nơi bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương theo dõi sát sao tình hình mưa, gió ảnh hưởng do bão số 3, báo cáo tình hình về Thường trực Thành ủy để kịp thời chỉ đạo.

Thực hư từ bánh trung thu "mua 1 tặng 1"

Thực hư từ bánh trung thu "mua 1 tặng 1"

Các sạp bánh trung thu tại TP.HCM đồng loạt treo bảng giảm giá "mua 1 tặng 1", "mua 1 tặng 2", thậm chí "mua 1 thành 4" khi còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ đến Tết Trung thu. Tuy nhiên, không thương hiệu lớn nào chạy chương trình này.