"Lái xe muốn nghe bản nhạc yêu thích dài có 5 phút mà nhận chục cuộc gọi quảng cáo dịch vụ, mở thẻ tín dụng, chữ ký số,...".
Đó là chia sẻ của người dùng Tuấn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) khi anh bị làm phiền quá nhiều bởi những cuộc gọi rác từ số máy lạ hàng ngày.
"Mỗi ngày, có vài chục cuộc gọi làm phiền đủ hình thức. Tình trạng phiền đến mức khi thấy số lạ tôi không dám nghe nên nhiều khi bị nhỡ cuộc gọi của đối tác công việc, thực sự khó chịu", anh Minh bức xúc nói thêm.
Đó là thực trạng không chỉ một mà hầu hết người sử dụng điện thoại hiện nay vẫn đang phải đối mặt hàng ngày với cuộc gọi rác, tin nhắn rác mời gọi, chèo kéo đủ dịch vụ đánh bạc trực tuyến, mại dâm... nhắn về điện thoại.
Thậm chí, cũng cùng một công ty tài chính tư vấn, người dùng đã chặn số, nhưng phía công ty vẫn liên tục gọi bằng nhiều số lạ khác.
"Tôi không ngờ 1 công ty tài chính lại có nhiều số điện thoại rác để gọi làm phiền vậy luôn. Đã chặn số này, nhưng 1-2 tiếng sau lại có một số khác gọi cũng là công ty đó tư vấn cho vay tiêu dùng... ", chị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Gọi bất kể giờ nào từ giờ hành chính, nghỉ trưa, tối muộn... các công ty tư vấn đủ mọi lĩnh vực sẵn sàng làm phiền người dùng khi họ cảm thấy cần, chạy chỉ tiêu hay đơn giản là công ty tư vấn rảnh là họ gọi cho người dùng bận.
"Đang giờ ngủ trưa 12h nhận điện thoại từ "công ty tư vấn chứng khoán..." hay 9 giờ tối vẫn là những cuộc điện thoại tư vấn mời chào tham gia tiền ảo, bất động sản... Muốn nghỉ ngơi phải bật chế độ không làm phiền mà nhiều khi như vậy gia đình có việc lại không gọi được", anh Văn Hùng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.
Thực trạng cuộc gọi rác ngày càng khiến người dùng hết kiên nhẫn bởi bất chấp khung giờ, các tư vấn viên của các công ty đa lĩnh vực sẵn sàng mời chào khách hàng. Trong số đó, chẳng biết bao nhiêu cuộc gọi là tư vấn thật hay chỉ nhằm mục đích lừa đảo. Người dân không những mất thời gian, bị làm phiền mà còn ảnh hưởng đến công việc khi dễ bị "trôi" những cuộc gọi quan trọng từ đối tác, người thân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, chỉ cần có nhu cầu mua SIM rác, người dùng dễ dàng được đáp ứng tại các đại lý bên ngoài.
Cụ thể, tại các đại lý bán SIM trên đường Kim Mã, Hà Nội, chỉ cần bỏ ra 180 nghìn đồng, khách hàng dễ dàng sở hữu một SIM đã kích hoạt sẵn đăng ký các gói cước gọi nội mạng 1.000 phút, ngoại mạng 5 phút và dùng data 3G 4Gb/ngày. Nếu nhu cầu cao hơn, số tiền phải bỏ ra cũng tương ứng và muốn mua bao nhiêu cũng được.
Khi được hỏi đây có phải SIM kích hoạt sẵn tên không chỉ người bán thường có những câu trả lời quanh co để trấn an khách hàng.
"SIM này chuyên dùng vào mạng nên không bị khoá. Nếu bị khoá, chúng tôi mở lại miễn phí", người bán SIM trên đường Kim Mã nói với phóng viên.
Thực tế, mỗi ngày có nhiều SIM kích hoạt sẵn như thế được bán ra chỉ cần khách hàng có nhu cầu và đó là nguồn cơn nhãn tiền để SIM rác, cuộc gọi rác liên tục làm phiền người dân.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, sau thời gian triển khai quyết liệt từ năm 2023, hiện có 100% thuê bao được chuẩn hoá thông tin theo cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia với số lượng là 127 triệu thuê bao ở Việt Nam.
"Các thuê bao mới kích hoạt đã giảm 30% so với trước đây, thuê bao dùng để vào mạng cũng giảm đáng kể", ông Nhã cung cấp số liệu.
Mặc dù đã chuẩn hoá 100% thuê bao, nhưng đại diện Cục Viễn thông vẫn băn khoăn vì hiện nay hiện tượng cuộc gọi/tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng vẫn phát sinh.
Trong khi đó, thời gian qua, các nhà mạng đã có những rà soát, chấn chỉnh hoạt động mua, bán SIM rác để hạn chế tình trạng cuộc gọi/tin nhắn rác.
Đặc biệt, các nhà mạng đã dừng toàn bộ hoạt động của các đại lý bán SIM với hình thức mua bán SIM đã kích hoạt sẵn. Các nhà mạng sẽ tập trung phát hành SIM tại các chuỗi, hệ thống có đủ nhân lực kinh doanh. Không những vậy, các nhà mạng sẽ phát triển những kênh của chính doanh nghiệp mình.
Cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Viễn thông đều cho rằng đã rà soát, nhưng thực tế đến nay tình trạng SIM kích hoạt sẵn tại các đại lý vẫn được bán công khai.
Trả lời về vấn đề vẫn còn cuộc gọi rác, ông Nguyễn Phong Nhã cho hay, đến nay với còn khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc nhóm người dùng đứng tên từ 4-9 SIM cùng một giấy tờ tuỳ thân. Số lượng khá lớn này vẫn được Cục Viễn thông sẽ rà soát nhằm chuẩn hóa thông tin, đồng thời có biện pháp chặn thuê bao không đúng thông tin.
Do lượng SIM rác từ nhóm người đứng tên từ 4-9 SIM vẫn còn trên thị trường nên khó tránh khỏi cuộc gọi rác, điều này vẫn ảnh hưởng lớn đến người dân.
"Trước mắt, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông vẫn tiếp tục triển khai cuộc gọi Brandname (cuộc gọi định danh). Dịch vụ này đã được áp dụng với Bộ Công an, nhiều doanh nghiệp và đã hiện tên khi gọi đến người dân", ông Nhã cho biết.
Để cuộc gọi rác được kiểm soát hoàn toàn tránh làm phiền người dân, có lẽ sẽ cần những giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.