Tại hội nghị, ông Huế bức xúc cho hay, dự án khu nhà ở cao cấp Vườn Xuân chỉ cần có 3 năm triển khai là đã bàn giao cho khách hàng, nhưng phải trải qua một hành trình thủ tục pháp lý gần 10 năm.
Theo đó, năm 2010, dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Dương được xác định là chủ đầu tư. Từ đó, dự án đã trải qua “đoạn trường” với hàng trăm văn bản, thủ tục pháp lý của các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh, chưa kể phải nhiều lần trì hoãn vì tỉnh điều chỉnh quy hoạch.
“Hơn 2 năm qua, thanh tra tỉnh vẫn chưa kết luận, rồi Thanh tra Bộ lại kiểm tra nữa, chủ đầu tư cứ đi vòng vòng hết cơ quan, ban ngành để ôm tài liệu đi trình bày, mà vẫn chưa khép lại quá trình thanh tra khiến chúng tôi khốn khổ”, ông Huế nói.
Giám đốc điều hành dự án, ông Nguyễn Thanh Toàn, cho biết: “Chúng tôi phải là chủ đầu tư từ năm 2010 và tuân thủ mọi hướng dẫn của chính quyền địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan thì mới hoàn thành xong một khu đô thị khang trang như ngày nay. Cơ sở pháp lý thì Sở xây dựng tỉnh đã xác nhận và tham vấn nhiều lần, khẳng định đúng quy trình rồi. Thanh tra Bộ xây dựng cũng hai lần thanh tra toàn diện và kết luận đúng rồi, thậm chí cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kết luận quy trình đầu tư đúng pháp luật, văn bản kết luận báo chí cũng đăng nhiều rồi. Giờ vẫn thanh kiểm tra khiến doanh nghiệp khốn khó”.
Về vấn đề này, sau khi VietnamFinance phản ánh nội dung “Dự án Vườn Xuân: Chủ đầu tư khốn khổ ‘đi xin’ công nhận là chủ đầu tư”, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Linh cho biết, Văn bản 6370 là văn bản đã chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định 23/2007 của UBND tỉnh. Thủ tục hành chính này không bắt buộc có biểu mẫu lựa chọn chủ đầu tư ở đây là Công ty Bất động sản Đông Dương.
Sau ngày 15/10/2010, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có quy định về biểu mẫu lựa chọn chủ đầu tư, là thời điểm sau khi văn bản 6370 đã ban hành. Về bản chất, Công ty Bất động sản Đông Dương đã là chủ đầu tư, nhưng sau ngày 15/10/2010 các thủ tục đầu dự án nhà ở thực hiện theo Nghị định số 71/2010 của Chính phủ và Thông tư số 16/2010 của Bộ Xây dựng, nên nhiệm vụ này được giao cho Sở Xây dựng. Do đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị với tỉnh giao Sở Xây dựng xác định việc chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư cho Công ty Bất động sản Đông Dương tại văn bản 6370 và thống nhất cao với ý kiến của Sở Xây dựng.
Tại Văn bản 5155 ngày 14/10/2023, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công nhận Văn bản 6370 là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và là văn bản lựa chọn chủ đầu tư tại thời điểm năm 2010 theo đúng quy định của pháp luật. Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản tham mưu với UBND tỉnh căn cứ pháp lý, cơ sở pháp luật của văn bản 6370 và đề nghị lãnh đạo tỉnh trả lời sớm công luận và cơ quan thanh tra.
Cùng quan điểm với Sở Xây dựng, Phó chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cũng khẳng định tính pháp lý hoàn chỉnh của văn bản 6370 đối với chủ đầu tư của dự án này và cho hay UBND tỉnh cần trả lời nhanh chóng cơ quan thanh tra để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Như vậy, cả ba cơ quan có chức năng quản lý của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định một sự thật đã quá rõ ràng. “Vậy mà đến nay UBND tỉnh lại vẫn chưa có văn bản chính thức. Chúng tôi là nhà đầu tư, mọi quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, quyết định đầu tư... đều do UBND tỉnh ban hành và cho phép mới làm được. Chúng tôi không tin và làm theo chính quyền thì biết tin ai. Vậy mà khi cơ quan thanh tra chỉ hỏi một vấn đề chúng tôi là chủ đầu tư từ khi nào, một sự thật hiển nhiên trong suốt 13 năm qua, UBND tỉnh lại không khẳng định, thì chúng tôi còn biết tin ai”.
Bất an, kiệt quệ vì căn bệnh “lãnh đạo - lãnh đạm”
Bức xúc tới phát khóc của đại diện chủ đầu tư dự án Vườn Xuân là điển hình của hàng trăm doanh nghiệp vướng vào “mê hồn trận” của thủ tục hành chính pháp lý với đủ văn bản hướng dẫn chồng chéo, và là nạn nhân của căn bệnh “lãnh đạo- lãnh đạm”. Chính quyền né tránh trách nhiệm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là “căn bệnh” trầm kha tại nhiều địa phương.
Ông Hoàng Thông, Giám đốc điều hành một doanh nghiệp tại TP. HCM, đang có dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay thủ tục hành chính vẫn là một câu chuyện “khốn khổ” dài tập. Doanh nghiệp bỏ tiền của, công sức, thực hiện theo các hướng dẫn, quyết định của chính quyền địa phương, đến khi thanh tra , kiểm tra, lãnh đạo tỉnh lại đùn đẩy, né trách nhiệm, thì nhà đầu tư nào dám đầu tư tại tỉnh đó nữa.
“Đáng tiếc là thực tế vẫn còn những bộ phận, cá nhân cố tình gây ách tắc cho doanh nghiệp hoặc né trách nhiệm. Đặc biệt là những thủ tục hành chính của nhiệm kỳ trước hướng dẫn, ban hành, thì lãnh đạo nhiệm kỳ sau có tâm lý là chả dại gì mà không né tránh. Nguyện vọng lớn nhất của doanh nhân, doanh nghiệp là được chính quyền không chỉ lắng nghe, mà còn phải hành động cụ thể, dám làm, dám chịu. Là lãnh đạo, là người đứng mũi chịu sào mà lãnh đạm thì doanh nghiệp chỉ có đường chết thôi”, ông Thông chia sẻ.
Chia sẻ với báo giới, đại diện Công ty Nam Long cho hay không chỉ các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thực tiễn, thủ tục rườm rà, tình trạng nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm thậm chí "không hồi kết" vì một bộ phận cơ quan, ban ngành né tránh trách nhiệm đã khiến doanh nghiệp bất an, rệu rã. Hệ lụy là doanh nghiệp khốn đốn vì đứt dòng tiền, chi phí vốn "đội" lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng cao và quan trọng là cơ hội kinh doanh bị đánh mất.
Chị Bùi Thu Hương, giám đốc một công ty tư vấn pháp luật tại TP. Vũng Tàu, chia sẻ thẳng thắn, chính sự chồng chéo của một số quy định khiến thủ tục thực hiện dự án bất động sản kéo dài, trải qua nhiều thời kỳ lãnh đạo đã tạo cơ hội cho những đợt thanh tra kéo dài mà đằng sau các đợt thanh tra đó là doanh nghiệp phải “biết điều” tới kiệt quệ.
Theo luật sư Lê Cường (đoàn luật sư TP. HCM) mỗi vấn đề doanh nghiệp bức xúc, phản ánh đều có nguyên nhân chính đáng, còn đã đến nỗi phải bật khóc thì chắc chắn là quá sức chịu đựng. Chính quyền cần giải quyết, xử lý tận gốc nếu không sẽ ảnh hưởng nặng nề tới môi trường đầu tư.
Nói về căn bệnh né tránh đùn đẩy trách nhiệm của nhiều địa phương, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xử lý các trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, giải quyết câu chuyện cầm chừng và sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ ngành, trung ương và lãnh đạo địa phương hiện nay. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Câu chuyện cầm chừng và sợ trách nhiệm hiện nay đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành, cần xử lý nghiêm”.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn trong phát triển kinh tế chủ yếu từ bên ngoài, nhưng bên trong khó nhất là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội, né tránh trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp. Đấy là một hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì.
Trở lại với câu chuyện dự án Vườn Xuân, giám đốc điều hành Nguyễn Thanh Toàn khẩn thiết đề đạt: “Quá trình pháp lý đã minh bạch, một sự thật đã quá rõ ràng! Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng khẳng định mạnh mẽ với cơ quan ngôn luận và các cơ quan thanh tra về việc chúng tôi là chủ đầu tư dự án từ năm 2010 để khép lại quá trình thanh tra và bảo vệ quyền lợi của cư dân, doanh nghiệp, bảo vệ tính đúng đắn, nhất quán của quá trình pháp lý mà UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành địa phương đã hướng dẫn chủ đầu tư”.
Theo vietnamfinance.vn
Thời gian qua, giá thuê bất động sản bán lẻ có xu hướng tăng trưởng nhờ tình hình hoạt động tốt của các chuỗi thương hiệu F&B, trung tâm vui chơi trẻ em...
Là dự án trọng điểm quốc gia, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu với tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ký phê duyệt 105 gói thầu đầu tư công có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách ở mức dưới 1%, với nhiều gói trong đó chỉ có 1 đơn vị tham gia.
Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc THACO của ông Trần Bá Dương vừa đóng gói lô thiết bị xuất khẩu sang Khu liên hợp Snuol ở Campuchia. THILOGI dự kiến đến hết năm 2024 sẽ vận chuyển xuyên biên giới hơn 38.000 con bò và gần 44.000 tấn thức ăn chăn nuôi.
Nhiều quỹ mở đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hiệu suất cao hơn nhiều so "thước đo" VN-Index của thị trường. Đặc biệt, có quỹ ghi nhận cao gấp đôi mức tăng của VN-Index.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).