
2 'đại gia' ô tô Nhật Bản chốt lộ trình vụ sáp nhập 58 tỷ USD
Minh Vân (tổng hợp)
25/12/2024 5:18 PM (GMT+7)
Lãnh đạo của Honda và Nissan nhấn mạnh hợp nhất 2 tập đoàn sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng để có khả năng xuất xưởng hơn 8 triệu xe mỗi năm và tăng cường sức cạnh tranh. Ngoài ra, Mitsubishi cũng sẽ gia nhập trong thời gian sau đó.
"Khi môi trường xung quanh ngành ô tô tiếp tục trải qua sự thay đổi mạnh trên toàn cầu, chúng tôi đã thảo luận nhằm hướng đến các khả năng khác chứ không chỉ có hợp tác", ông Mibe Toshihiro, CEO tập đoàn Honda, cho biết.

Lộ trình sáp nhập giữa Honda và Nissan còn bao gồm khả năng Mitsubishi về chung một nhà. Ảnh: Motor1
Theo kênh CNN (Mỹ), Honda và Nissan đã chính thức đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán trong sáu tháng tới để thảo luận các chi tiết về sáp nhập. Sau khi bắt đầu quá trình thảo luận vào tháng 6/2025, hai tập đoàn dự kiến sẽ về chung một mái nhà vào tháng 8/2026.
Theo biên bản ghi nhớ về quá trình sáp nhập do Honda và Nissan công bố ngày 23/12 tại Tokyo, Honda sẽ nắm vai trò chủ chốt trong bộ máy quản lý của tập đoàn mới, chủ tịch tập đoàn cũng sẽ là người do Honda chỉ định. Đồng thời, Honda sẽ đề cử phần lớn các giám đốc, bao gồm cả giám đốc nội bộ và giám đốc độc lập, trong tập đoàn.
Theo lộ trình, cổ phiếu riêng của Honda và Nissan sẽ bị huỷ vào cuối tháng 7/2026 và cổ phần của tập đoàn mới sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo vào tháng 8/2026.
Cấu trúc công ty mẹ cuối cùng có thể cho phép Mitsubishi Motors gia nhập công ty mẹ. Hiện nay, Nissan là cổ đông lớn nhất của Mitsubishi với tỷ lệ nắm giữ 24% cổ phần. Công ty mẹ đặt mục tiêu sẻ sản xuất hơn 8 triệu xe mỗi năm.
Ông Uchida Makoto, CEO của Nissan, nói tại Tokyo ngày 23/12: "Khi các hãng ô tô mới liên tiếp xuất hiện làm thay đổi môi trường cạnh tranh, lợi thế của Nissan trong vai trò là một nhà sản xuất ô tô quy mô lớn sẽ trở thành vũ khí quan trọng hơn bao giờ hết".
Ông Makoto giải thích thêm: Khi Nissan và Honda chung tay có thể tạo ra sức mạnh cộng hưởng lớn ở nhiều thị trường khác nhau. Thế mạnh của từng công ty sẽ được phát huy tối đa để giải quyết các vấn đề, trong đó bao gồm phát triển các thế hệ ô tô mới ít thải ra carbon hơn như xe điện, xe lai điện, xe điện tự lái…
Các công ty xe điện Trung Quốc đang mở rộng thị trường trên toàn cầu, bao gồm thị trường nội địa, nơi cả Nissan và Honda đều gặp nhiều thử thách mới trong cạnh tranh với các công ty xe Trung Quốc.
Hiện nay, tập đoàn Foxconn hàng đầu thế giới về sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao đang đàm phán để mua cổ phần của Nissan từ hãng xe Renault của Pháp. Đây là bước đệm để Foxconn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới là ô tô, chú trọng nhiều đến xe điện thông minh, xe tự lái.
Năm 2023, tập đoàn Toyota sản xuất tổng cộng 11,2 triệu xe trên toàn cầu và tập đoàn Volkswagen của Đức (sở hữu rất nhiều thương hiệu ô tô) xuất xưởng 9,2 triệu xe. Nếu tính theo số liệu này, liên minh mới của Honda, Nissan và Mitsubishi với mục tiêu 8 triệu xe mỗi năm sẽ xếp thứ 3 toàn cầu về sản lượng.