Số liệu được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố hôm nay cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 6,93%. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Giai đoạn 5 năm này, tăng trưởng GDP các quý II lần lượt là 0,34%; 6,55%; 7,99%; 4,25% và 6,93%.
Với mức tăng trưởng GDP quý II như vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng đã đạt 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Cụ thể, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2024 lần lượt là 1,74%; 5,71%; 6,58%; 3,84% và 6,42%.
“Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng của GSO.
Chính phủ và các bộ ngành, địa phương thời gian qua đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, theo bà Hương.
Tốc độ tăng trưởng 6,93% của quý II và 6,42% của 6 tháng đầu năm đã vượt cả mức cận trên trong kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật từ đầu tháng 4/2024.
Về cơ cấu nền kinh tế nửa đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,64%; 36,46%; 43,1%; 8,8%).
Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý II, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực hơn quý I, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%.
Theo dự báo của Nhóm ngân hàng Thế giới World Bank, tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam sẽ đạt 5,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2023.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt gần 6% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế mạnh, đầu tư nước ngoài ổn định và các chính sách điều tiết. Trong dự báo tháng 4 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.