Đã chấn chỉnh nhưng vẫn có "quỹ lớp, quỹ trường"
Ngày 9/10, một tài khoản đăng tải trên diễn đàn dành cho học sinh tại TP.HCM với nội dung phản ánh chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng kinh phí hoạt động của trường (dành cho học sinh), kinh phí hoạt động lớp và vận động tiền mua tivi.
Cụ thể, tài khoản này đăng tải: "Để có sự thuyết phục hơn, rất mong quý Sở GDĐT TP.HCM kiểm tra, chấn chỉnh việc lạm thu của ban đại diện phụ huynh lớp 7A1, Trường THCS Kiến Thiết (quận 3).
Tin nhắn vận động đóng "quỹ trường, quỹ lớp" và mua tivi bị phụ huynh phản ánh. Ảnh: MXH
Tôi đã tìm hiểu, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai họp đầu năm, không thu quỹ trường quỹ lớp. Nhưng chỉ duy nhất lớp con tôi tự ý thu quá nhiều. Trong cuộc họp ban đại diện tại lớp, đa số phụ huynh không đồng tình nhưng ban đại diện vẫn thu, nhiều phụ huynh bức xúc với vụ việc tôi nêu ra đây..."
Đính kèm bài viết là hình ảnh chụp màn hình zalo với nội dung do tài khoản N.H thông báo: Kinh phí hoạt động của trường cho mấy bé là 450.000 đồng/năm/học sinh, kinh phí hoạt động của lớp là 650.000 đồng/năm/học sinh. Kinh phí mua tivi dành cho việc học: 450.000 đồng/học sinh.
Tổng thu mỗi em đóng 1.550.000 đồng. Đã có 7 em đóng tiền trước, phần còn lại là 26 học sinh sẽ chuyển khoản sau.
Số tài khoản ngân hàng dùng để chuyển khoản cũng được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp ghi rõ trong tin nhắn Zalo của lớp.
Ngay lập tức, bài đăng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Đa phần đều tỏ ra ngán ngẩm trước việc "tận thu" với phụ huynh và dẫn lại lời lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM đã khẳng định: Không có quỹ lớp, quỹ trường. Mọi khoản thu phải được công khai tới phụ huynh về dự toán, cách thu và mục đích sử dụng. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động thu - chi trong nhà trường và Sở sẽ xử lý nghiêm các đơn vị thực hiện sai quy định.
Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, nếu không thu tiền từ phụ huynh thì bao nhiêu khoản cần phải chi trong suốt năm học lấy từ nguồn nào? Có người còn thẳng thắn "nếu không muốn đóng tiền nọ, tiền kia thì chọn trường tư thục học để biết "mùi" học phí".
Đến 13h cùng ngày, theo ghi nhận của Dân Việt, bài đăng này đã bị gỡ trên mạng xã hội.
Cùng ngày, trao đổi với báo chí, cô Đỗ Thị Huỳnh Nga, Hiệu trưởng THCS Kiến Thiết xác nhận, có việc thu tiền phụ huynh học sinh tại lớp 7A1 như phản ánh trên. Nhà trường cũng vừa nắm bắt sự việc này.
Theo cô Nga, vào ngày 5/10, nhà trường tổ chức họp Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Tại cuộc họp này, phụ huynh đề cập tới việc nhà trường có cần trang bị gì thêm về cơ sở vật chất hay không, nhà trường trả lời là không. Tuy nhiên, phụ huynh muốn trường tăng cường chuyên môn cho các lớp nên đề xuất trang bị máy chiếu, tivi.
Trước đề nghị này, lãnh đạo nhà trường trả lời rõ ràng với phụ huynh: Nếu vận động phụ huynh tài trợ được là điều tốt. Còn không, tiết học nào cần đến máy chiếu, tivi, học sinh có thể xuống phòng học chuyên môn để học vì đã được trang bị.
Ngày 6/10, nhà trường tổ chức họp phụ huynh ở các lớp, giáo viên chủ nhiệm cũng đã quán triệt rõ ràng tinh thần là năm nay không thu khoản tiền nào hết.
Đối với việc phụ huynh lớp 7A1 đóng tiền kinh phí hoạt động trường, lớp và mua tivi, cô Nga hoàn toàn không nắm được vì phụ huynh tự vận động và chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Hiệu trưởng nhà trường chỉ biết đến sự việc khi phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội.
Về hướng xử lý, theo cô Nga, nhà trường đã chỉ đạo ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 7A1, giáo viên chủ nhiệm của lớp này xem xét, trả lại tiền cho toàn bộ phụ huynh đã đóng vì thu tiền sai so quy định của Sở GDĐT TP.HCM.
Đến trưa ngày 9/10, 30/33 phụ huynh của lớp 7A1 đã đóng các khoản tiền này. Tất cả phụ huynh đã đóng đều sẽ được nhận lại tiền ngay trong ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM đề nghị, Phòng GDĐT TP.Thủ Đức và các quận huyện cần tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục thu, chi không đúng quy định các khoản thu trong năm học.
Tất cả các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh phải dựa trên quy định tại các thông tư và lãnh đạo nhà trường phải nắm; phải có sự bàn bạc để đi đến đồng thuận, đồng thời, không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường.
Lãnh đạo Sở cũng đề nghị, Phòng Kế hoạch – Tài chính của Sở GDĐT TP.HCM phải hướng dẫn cho các trường thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt, để sở quản lý được trên hệ thống các trường thu chi.
Quốc hội hôm nay chính thức thông qua Nghị quyết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,3 tỷ USD), phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.
Trái với không khí kém nhiệt hôm qua 29/11, từ sáng đến trưa nay, nhiều người bắt đầu ùn ùn đổ về các trung tâm thương mại tại TP.HCM để mua sắm Black Friday.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu tài sản số. Hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam nhưng lĩnh vực này chưa có luật điều chỉnh.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, và quản lý đất đai tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Tuần lễ du lịch TP.HCM diễn ra đồng loạt nhiều hoạt động từ trung tâm thành phố đến các quận huyện. Đáng chú ý, năm nay, nhiều công ty lữ hành tổ chức một loạt tour khám phá TP.HCM hoàn toàn miễn phí.
Cuộc điều tra mới nhất của giới chức ở Canada cho thấy Google là nhà cung cấp công nghệ quảng cáo lớn nhất cho các quảng cáo trên web tại Canada và đã "lạm dụng vị trí thống lĩnh thông qua hành vi nhằm duy trì và củng cố sức mạnh thị trường của họ".