Cung không đủ cầu
Nửa đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp đáng kể của nhóm ngành nông nghiệp, đặc biệt là gạo. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Đây là mặt hàng đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra sôi động nhờ nhu cầu tăng cao trên thế giới, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia… Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng bởi El Nino khiến năng suất giảm. Nguồn cung từ vụ thu hoạch Đông Xuân dồi dào và cho năng suất cao (bình quân đạt 67 tạ/ha, cao kỷ lục trong 20 năm qua) đã đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Đáng chú ý, giá bán gạo của Việt Nam cao hơn của Thái Lan và Ấn Độ. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam ghi nhận mức giá 478 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ khoảng 50 USD/tấn.
Những ngày đầu tháng 7/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt khoảng 508 USD/tấn loại 5% tấm và 488 USD/tấn loại 25% tấm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo liên tiếp nhận được các đơn hàng lớn, nhưng lượng gạo vụ Đông Xuân cạn dần, hiện chờ nguồn cung từ vụ Hè Thu.
Nhìn chung, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội khi thời tiết nóng và khô hạn do El Nino tại nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ ảnh hưởng đến năng suất làm gia tăng lo ngại về nguồn cung gạo trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng.
Trong báo cáo tháng 6/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 lên 512,5 triệu tấn, tăng 4,1 triệu tấn so với dự báo trước đó, nhưng vẫn thấp hơn 1,34 triệu tấn so với niên vụ 2021 - 2022. Về nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu, niên vụ 2022 - 2023 tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2021 - 2022, lên mức kỷ lục 521,4 triệu tấn.
USDA cũng dự báo, năm 2023, Việt Nam tiếp tục đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo với khối lượng 7,2 triệu tấn, tăng so với mức 7,05 triệu tấn của năm 2022.
Kỳ vọng lợi nhuận khả quan
Giá bán cao trong khi chi phí đầu vào là phân bón có xu hướng giảm sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gạo được cải thiện. Cụ thể, nguồn cung phân bón thế giới gia tăng, trong bối cảnh các nước châu Âu mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga, còn Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón. Ngân hàng Thế giới dự báo, giá phân urê giảm 10% trong năm 2023 và giảm thêm 8% trong năm 2024.
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý I/2023, thị trường gạo có diễn biến tích cực, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gạo suy giảm so với cùng kỳ, do chi phí lãi vay ở mức cao. Kết quả kinh doanh quý II/2023 được kỳ vọng sẽ khả quan khi đơn hàng và giá bán gia tăng, trong khi lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm.
Thực tế, đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên sàn chứng khoán lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cho năm 2023.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm An Giang (Afiex, mã chứng khoán AFX) đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 2.558 tỷ đồng, lợi nhuận 36,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 52,9% và 29% so với mức thực hiện năm 2022.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG), giới phân tích đánh giá, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho Lộc Trời xuất khẩu gạo vào thị trường EU. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng. Đây là hai thị trường xuất khẩu chính của Lộc Trời. Mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Lộc Trời trong năm 2023, nhất là khi có thành viên mới là Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, giúp gia tăng công suất. Ước tính, năm 2023, Lộc Trời đạt 14.028 tỷ đồng doanh thu và 465,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 13% so với năm 2022.
Với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR), Công ty Chứng khoán Nhất Việt thông tin, hoạt động xuất khẩu gạo của Trung An chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. Dự phóng, năm 2023, Trung An đạt doanh thu 3.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,2% và 13,9% so với năm 2022.
Giới phân tích kỳ vọng Trung An sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan, dù doanh nghiệp này đề ra mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, còn lợi nhuận dự kiến giảm 33% so với cùng kỳ.
Trung An cho biết, năm nay, Công ty sẽ đầu tư cải tiến máy móc, đầu tư sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo chất lượng gạo xanh, sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.
Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN) đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng, tăng 10,7% so với mức thực hiện năm ngoái. Riêng mảng nông nghiệp, Tập đoàn PAN dự kiến doanh thu và lợi nhuận tăng 10 - 15%, do nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của một số doanh nghiệp đầu ngành gạo như PAN, LTG, TAR hiện có mức tăng khá mạnh so với đầu năm 2023, trong khi cổ phiếu AGM điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng trước đó, mã AFX và NSC cũng giảm giá.
Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu tiếp tục sáng, giá bán gạo tăng trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn vay giảm, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp ngành gạo vẫn đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét danh mục cho nửa cuối năm 2023.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.
Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam cuối năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực, với nguồn cung mới cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng còn cần nhiều yếu tố để tạo nên kịch bản lý tưởng, hoặc kỳ vọng, thách thức cho thị trường…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ có nhiều gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hai đai gia trên thi trường chứng khoán là FPTS và Pinetree bị phạt do vi phạm về công bố thông tin và nhân sự và cấp giao dịch ký quỹ với mã chứng khoán không được phép, lần lượt số tiền là 177,5 triệu và 190 triệu đồng.
Hôm nay 15/10, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (bao gồm nghe và gọi) đối với các thuê bao còn sử dụng mạng 2G Only. Theo đó, hơn 770 nghìn thuê bao sẽ bị khóa.
UBND TP.HCM đề xuất giữ được lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.