
Tiền nhàn rỗi đang như nước trong ao
Minh Tường
12/11/2023 10:03 AM (GMT+7)
Dù không ngừng cắt giảm lãi suất tiền gửi nhưng hệ thống ngân hàng thương mại trong nước phải đối mặt với bệnh thừa tiền vì doanh nghiệp và người dân vẫn tiếp tục gửi vào do các kênh đầu tư khác đang khó khăn.
Đơn cử, với 9.816 tỷ đồng gửi ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) vẫn có lãi sau thuế trong quý 3 dù giá phân bón giảm mạnh khiến doanh thu giảm theo.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3, tính đến ngày 30/9/2023, DCM có 2.284 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, 20 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng và 7.512 tỷ đồng gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm.
Tương tự, tính đến ngày 30/9/2023, lượng tiền gửi tại ngân hàng của Công ty Nhựa Bình Minh ở mức 2.035 tỷ đồng, chiếm đến 59% tổng tài sản.
"Ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp là Sonadezi báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 tăng 37%, chủ yếu nhờ doanh thu tài chính tăng vọt dù doanh thu bị giảm. Theo báo cáo, doanh thu tài chính trong quý đạt 76,3 tỷ đồng, tăng tới 68% so với cùng kỳ (chỉ 45,3 tỷ đồng).

Doanh thu tài chính quý 3/2023 của Sonadezi đạt 76,3 tỷ đồng, rất cao so với 45,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Nguồn: báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Sonadezi.
Về phía người dân, đến cuối tháng 8/2023, lượng tiền gửi từ nguồn này vào hệ thống ngân hàng vẫn cao kỷ lục, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm được ghi nhận ở mức cao kỷ lục là 6,43 triệu tỷ đồng.
Trong tháng 8, tổng tiền gửi từ các doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng đạt 103.501 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023, tiền gửi từ nguồn này đã lên đến 6.013 triệu tỷ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước.
"Bệnh thừa tiền" trong hệ thống ngân hàng thương mại là do đầu vào quá lớn trong khi cho vay không nhiều. Vì vậy, lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm nhưng vẫn có thể giảm tiếp. Dòng tiền nhàn rỗi vẫn chưa đổ nhiều vào thị trường chứng khoán hoặc thị trường bất động sản.

Đầu tư chứng khoán đi kèm với rủi ro cao nên chưa thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Ảnh: Như Ý
Thống kê ngày 8/11 cho thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức từ 5,1-5,5%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh hồi đầu năm, từ 9-10%/năm.
VPBank vừa cập nhật giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 0,15-0,2%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng trực tuyến giảm còn 3,7%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng còn 3,8%/năm.
Tương tự tại VietBank và NamABank, lãi suất các kỳ hạn ngắn đồng loạt giảm. Thay vì mức chung 4,4%/năm, VietBank đã hạ lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng xuống dao động từ 3,9-4,1%/năm; các kỳ hạn 4 và 5 tháng từ 4,2-4,3%/năm. NamABank cũng giảm lãi suất các kỳ hạn từ 1-3 tháng từ mức chung 4,65%/năm xuống còn từ 3,6-4,2%/năm...
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, dù lãi suất tiết kiệm thấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng vì thị trường chứng khoán và bất động sản không hút được. Giá bất động sản nhà ở vẫn neo ở mức cao và đòi hỏi nguồn tiền lớn từ phía người mua để đầu tư nên thị trường trầm lắng.
Trong khi đó, những biến động trên thị trường chứng khoán hiện nay đang khó dự báo nên chưa kéo được dòng tiền nhàn rỗi trong nước.