Từ ngày 15/3, sẽ là dấu mốc quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, khi Trung Quốc mở cửa du lịch đưa khách theo đoàn đến Việt Nam sau 3 năm đại dịch Covid-19. Trước Covid-19, khách Trung Quốc chiếm 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho biết đã sẵn sàng về sản phẩm, dịch vụ để đón khách Trung Quốc. Theo các doanh nghiệp, thực tế, họ đã sẵn sàng cho lần Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch đợt đầu tiên vào đầu tháng 2/2023. Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trong danh sách 20 quốc gia trung Quốc mở đợt này. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, cũng như nắm bắt xu hướng của du khách đến từ thị trường tỷ dân này.
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TSTtourist, cho biết công ty đã đầu tư xây dựng nhiều sản phẩm tour tuyến, dịch vụ chất lượng cao để đón khách Trung Quốc. Các sản phẩm du lịch tham quan trải đều trên khắp 3 miền.
Đặc biệt, công ty tập trung khai thác khách đi tour trung, cao cấp, chi tiêu cao và sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ, sản phẩm chất lượng.
Theo ông Duy, nhu cầu đi du lịch của khách Trung Quốc rất lớn sau khi mở cửa. Các doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ phía hàng không mở thêm đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm thuận lợi cho du khách.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - doanh nghiệp tốp đầu về lữ hành tại Việt Nam, đánh giá thị trường khách Trung Quốc rất lớn với đa dạng phân khúc, nên có nhiều yêu cầu khác nhau về dịch vụ. Ở mỗi phân khúc, các doanh nghiệp lữ hành phải có sản phẩm, dịch vụ riêng để đáp ứng.
Theo bà Hoàng, dù là thị trường du lịch lớn nhưng trong quá trình đón du khách Trung Quốc trước đây đã tồn tại những bất cập, khi một số địa phương xuất hiện tour 0 đồng, lừa đảo trong mua bán hàng hóa... ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam.
Bà Hoàng nhấn mạnh khi đón khách Trung Quốc trở lại, doanh nghiệp cũng mong có những chính sách cụ thể, kế hoạch bài bản, để có thể khắc phục các hạn chế, tồn tại này.
Ngoài việc chuẩn bị về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đội ngũ hướng dẫn viên, các đơn vị, doanh nghiệp cần phối hợp triển khai chiến dịch truyền thông hình ảnh mới về du lịch Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng công nghệ thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay như Weibo, TikTok, WeChat, QQ, Baidu… để thu hút khách.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá Trung Quốc mở tour khách đến Việt Nam là tín hiệu rất tốt đối với du lịch TP.HCM và cả nước. Năm 2023, ngành du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước khoảng 160.000 tỷ đồng.
“Với sự chuẩn bị đã có về chiến lược, phân khúc, thị trường mục tiêu đối với khách Trung Quốc, chúng tôi tin rằng du lịch sẽ tăng trưởng trong thời gian tới”, bà Hoa khẳng định.
Các địa phương có đông lượng khách Trung Quốc từ trước đến nay như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa cũng đang sẵn sàng chờ khách Trung Quốc quay trở lại. Thời gian qua, du lịch nội địa bùng nổ nhưng nhiều dịch vụ đi kèm tại các tỉnh chưa phục hồi hoàn toàn. Các địa phương kỳ vọng nguồn khách Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho ngành du lịch nói chung và các dịch vụ đi kèm, như nhà hàng, khu vui chơi giải trí phục hồi.
Năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Con số này khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực, dù Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế từ rất sớm. Khách du lịch Trung Quốc sẽ là một trong những nguồn khách quan trọng giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, theo các địa phương, du lịch Việt Nam cần tiếp tục cải thiện nhiều vấn đề, trong đó có nút thắt về visa, mới có thể thu hút khách quốc tế cũng như đa dạng nguồn khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng giải quyết được các hạn chế của chính sách visa hiện nay là mở được nút thắt đầu tiên trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
“Hiện Việt Nam và TP.HCM nhận được lượng tìm kiếm rất cao của du khách quốc tế. Chúng ta phải chuyển lượng khách tìm kiếm thành khách đến với chúng ta. Khi khách quan tâm thì các thông tin visa phải có sự cạnh tranh tương xứng, mới thực sự thu hút”, bà Hoa nói.
TS. Lương Hoài Nam kiến nghị tăng số nước miễn visa đơn phương để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần, bởi có tình trạng khách ở tại Việt Nam, qua Singapore nhưng quay lại không được, vậy là họ đi luôn.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.