Mới đây, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2 từ ngày 15/3.
Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng tới Trung Quốc, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Đây là tin vui cho ngành hàng không - du lịch trong lộ trình phục hồi và đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều nỗi lo xoay quanh các rào cản về chính sách visa.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM nói với Zing rằng việc mở cửa trở lại du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam là tin vui mà các doanh nghiệp chờ đợi từ nhiều tháng qua.
"Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị làm mới sản phẩm, quảng bá và sẵn sàng đón khách. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc cạnh tranh với các nước trong khu vực. Trong đó, vấn đề visa còn trầy trật khó khăn là một rào cản lớn" - Bà Khánh vừa mừng vừa lo.
Với ông Ngô Minh Đức, chủ tịch HG Holding - việc Trung Quốc mở tour cho khách đến Việt Nam có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế vĩ mô.
"Khách Trung Quốc chiếm đến 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài việc thúc đẩy du lịch, khách quốc tế còn mang ngoại tệ đến và làm cân bằng tỉ giá, giúp giảm lạm phát".
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc cho phép mở tour trở lại đến Việt Nam chỉ là điều cần. Điều kiện đủ vẫn nằm ở phía các chính sách quảng bá, thu hút khách du lịch Trung Quốc trở lại của Việt Nam. Trong đó, chính sách visa hay thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu ở biên giới cần phải được ưu tiên giải quyết nhanh chóng.
Phát biểu tại hội thảo 'Mở visa để phục hồi du lịch' do Báo Thanh niên tổ chức sáng 10/3, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) khẳng định Việt Nam cần mở toang cánh cửa visa để thu hút khách du lịch.
Ông Nam khẳng định hiện sức khoẻ ngành hàng không và du lịch đang rất xấu. Vì vậy, sự cởi mở về visa sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của hàng không, du lịch, lan toả đến các ngành kinh tế khác, thu hút nguồn ngoại tệ...
“Tháo gỡ những vướng mắc về visa giúp các doanh nghiệp tiếp tục đứng vững và phát triển”, chuyên gia nói.
Ông Trần Thanh Vũ - CEO Vina Group cho biết doanh nghiệp này vẫn đang chờ thông tin chính thức về việc phía Trung Quốc sẽ cấp visa du lịch trở lại rồi mới bắt đầu bán tour. Vị này cũng rất mong chờ việc mở cửa thông thương 2 chiều để doanh nghiệp này có thể đưa khách Việt sang Trung Quốc.
Theo đối tác từ phía Trung Quốc của Vina Group, các chuyến bay charter (chuyến bay thuê - PV) sẽ được giải quyết vấn đề visa trước. Sau đó, chính sách visa sẽ được nới lỏng hơn cho khách đến đây trên các chuyến bay thương mại.
Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không - cho biết việc Cục đã thông báo cho các hãng hàng không Việt Nam việc lập kế hoạch và tăng tần suất khai thác tới thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này có nhiều yếu tố phải tính toán và triển khai.
Cụ thể, yếu tố quan trọng nhất là các công ty du lịch của Việt Nam phải lên kế hoạch chuẩn bị lại các tour du lịch. Vấn đề thứ 2 cũng rất quan trọng không kém là hậu Covid -19, nhiều sân bay của Trung Quốc bị thiếu nhân lực nên còn hạn chế về năng lực phục vụ các chuyến bay quốc tế. Do vậy các hãng hàng không Việt Nam muốn tăng chuyến thì phải làm việc cụ thể với từng sân bay.
"Dự tính tăng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc đã được dự liệu lâu nay nhưng bay quốc tế phụ thuộc nhiều vào nhân tố bên ngoài nên chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ" - ông Sơn nhấn mạnh.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết từ rất sớm, hãng đã chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường hàng không, du lịch Trung Quốc. Trong tháng 3, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh.
Lộ trình tiếp theo của Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, cũng như tăng cường đưa máy thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh.
“Hãng kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy hàng không, du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới,” lãnh đạo Vietnam Airlines nói.
Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên, Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ phục hồi tốt.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 933.000 lượt, các hoạt động du lịch và đường bay quốc tế dần khôi phục như trước dịch.
Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách ngoại đạt hơn 1,8 triệu lượt, gần bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và đạt gần 1/4 mục tiêu đề ra năm nay là 8 triệu lượt.
Đây cũng là tháng có lượt khách quốc tế cao nhất, tính từ lúc mở cửa tháng 3/2022. Trong đó, lượng khách quốc tế đến chủ yếu từ châu Á với gần 1,3 triệu lượt người; khách đến từ châu Âu đạt 242.000 lượt người; khách đến từ châu Mỹ đạt 186.000 lượt người; khách đến từ châu Đại Dương đạt 77.000 lượt người và cuối cùng là 4.300 lượt người đến từ châu Phi.
Nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành đã kiến nghị thay đổi chính sách visa để tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ được miễn thị thực trong vòng 15 ngày, việc này khiến khách phải cắt ngắn hành trình lưu trú ở Việt Nam. Một số hành khách ngần ngại về visa nên họ chuyển sang nước khác như Thái Lan, Singapore để giảm bớt thủ tục.
Theo Zing
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday - sự kiện mua sắm lớn nhất năm, nhưng nhiều thương hiệu đã triển khai khuyến mãi sớm thu hút sức mua từ người tiêu dùng, nhất là các chị em.
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.