Liên quan vụ việc ông H.A (Quảng Ninh) phát sinh dư nợ thẻ tín dụng Eximbank 8,5 triệu đồng từ năm 2013, sau 11 năm số dư nợ phát sinh lên tới hơn 8,8 tỷ, phía Eximbank khẳng định, đã cùng khách hàng trao đổi thẳng thắng trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ.
"Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất", phía ngân hàng thông tin.
Cũng theo Eximbank, ngay khi có thông tin trên báo chí, nhà băng này đã và đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy định, quy trình, hợp đồng, thỏa thuận, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ cũng như quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng.
Trong thời gian tới, Eximbank sẽ tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông minh bạch, đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Như Thế giới Tiếp thị đã đưa tin, theo phản ánh từ ông H.A, ông này cho biết khoảng tháng 3/2013 có mở thẻ tín dụng tại ngân hàng Eximbank, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ này. Đến năm 2017, ông A mới phát hiện bản thân đang có khoản nợ xấu tại Eximbank.
Ngay sau đó, ông A đã đến ngân hàng để xác minh và được ngân hàng phản hồi phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ do đã ký nhận thẻ.
Khách hàng này cho biết trước đó chưa hề nhận được thẻ tín dụng và cũng không phát sinh dư nợ nào từ thẻ, đồng thời khẳng định không nhận được thông báo từ ngân hàng, trong hồ sơ mở thẻ tín dụng lại có thêm 1 số điện thoại không phải của ông. Phía ngân hàng cho biết có liên lạc theo số điện thoại này và không liên lạc được.
Ông A đặt câu hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà ông đang sử dụng thì ngân hàng không trả lời được.
Theo vị khách này, thời điểm đó, ông đã đưa ra phương án chấp nhận trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, dù số tiền này không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này, tuy nhiên phía ngân hàng không đồng ý.
Sau nhiều lần làm việc không thống nhất được phương án, đến cuối năm 2023, ông A nhận được thông báo nhắc nợ phải trả lên tới hơn 8,8 tỷ đồng.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, ông H.A sau đó đã thuê luật sư đại diện để làm việc với ngân hàng.
Về phía Eximbank, nhà băng này cho biết khách hàng H.A có mở thẻ tín dụng MasterCard tại chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng.
Khách hàng sau đó phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Ngay sau đó, ngân hàng đã thực hiện nhiều bước để thu hồi khoản nợ.
Ngân hàng này khẳng định phương thức tính lãi, phí trong khoản nợ nói trên phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký khách hàng.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, trong vụ việc này, Eximbank không có sai bởi đây là nguyên tắc được gọi là lãi kép.
"Ví dụ như tôi vay 100 triệu và chịu khoản lãi 1 ngày 10.000 đồng/ngày cho khoản vay này. Nếu hôm nay tôi không trả lãi thì qua ngày mai khoản vốn sẽ đội lên là 100 triệu lẻ 10.000 đồng, và lãi mới cho ngày thứ 2 sẽ được tính theo phần trăm của 100 triệu lẻ 10.000 đồng", đây chính là lãi kép", ông Phương lý giải.
Liệu khoản lãi kép này về lý thuyết có nặng nề với người vay hay với những người sử dụng dịch vụ tài chính hay không? Chuyên gia này cũng đặt vấn đề và khẳng định, thực sự việc này chắc chắn là rất nặng.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, cũng cần phải hiểu đây là quy ước ban đầu, cũng là "luật chơi" bởi khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hay bất cứ một khoản vay nào thì cũng phải tìm hiểu kỹ các nguyên tắc về lãi suất cho vay hay lãi suất của thẻ tín dụng phát sinh khi mà đến hạn không trả được. Nếu khách hàng chấp nhận sử dụng dịch vụ thì họ sẽ phải chấp nhận nguyên tắc mà đôi bên đã thỏa thuận.
"Tôi cho rằng đây chỉ là thỏa thuận, là nguyên tắc ban đầu mà khách hàng phải nắm. Nếu khách hàng thấy mức lãi này là quá cao, không hợp lý thì đừng sử dụng dịch vụ của ngân hàng đó mà có thể chuyển sang một khoản vay khác phù hợp hơn. Ví dụ như khoản vay thế chấp hay là vay tín chấp có dư nợ giảm dần… Một khi khách hàng cẩn trọng ngay từ đầu thì sẽ không vướng vào các rắc rối về sau", ông Phương nói thêm.
Cũng theo chuyên gia này, nếu khách hàng mà không biết hay không nắm rõ các quy tắc trên thì đây là lỗi của cả 2 bên vì phía nhân viên giới thiệu dịch vụ thẻ tín dụng đã không làm tròn trách nhiệm tư vấn, giải thích rõ cho khách hàng, còn phía khách hàng cũng không tìm hiểu kỹ các yêu cầu khi sử dụng dịch vụ thẻ.
Vì vậy, nếu nói bên nào sai thì cũng rất khó vì đây là nguyên tắc đặt ra từ ban đầu, nói ngân hàng không có lương tâm hay ngân hàng sai thì cũng không phải.
Liên quan đến vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Eximbank, yêu cầu báo cáo, xử lý về vụ việc này.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vụ việc khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng P.H.A tại Eximbank Quảng Ninh.
Theo đó, Eximbank AMC gửi công văn cho ông P.H.A thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán của khách hàng tạm tính đến ngày 31/10/2023 là trên 8 tỷ đồng (gồm nợ gốc: 8.554.625 đồng và nợ lãi: 8.830.314.924 đồng).
Để giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Eximbank bố trí Lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
"Khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", văn bản nêu chỉ đạo của Thống đốc.
Đồng thời, Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng. Báo cáo kết quả xử lý vụ việc cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trước ngày 21/3.
Cũng theo văn bản này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Eximbank rút kinh nghiệm ngay về việc chậm trễ xử lý vụ việc, làm nóng dư luận trên báo chí và mạng xã hội hiện nay, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của Eximbank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.
Ngành điện khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước tình trạng một số đối tượng mạo danh nhân viên điện lực gọi điện lừa người dân chuyển tiền.
VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ tăng mạnh trong hôm nay 5/12 làm bảng điện tử đầy màu xanh. Trong khi đó, các chỉ số của chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục mới.
TP.HCM triển khai thí điểm ủy quyền cho UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết định biện pháp bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất, chủ sở hữu tài sản khi nhà nước thu hồi đất.
Đường ven sông Sài Gòn là dự án quan trọng vừa mang tính kết nối giao thông vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, nhất là với TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
UBND TP.HCM đã ủy quyền cho UBND Thủ Đức và các quận, huyện quyết định biện pháp, mức hỗ trợ đối với người có đất, chủ sở hữu tài sản khi Nhà nước thu hồi đất.
Bitcoin vừa đã vượt mốc 100.000 USD. Không những vậy, loại tiền điện tử đình đám thế giới này còn cao hơn 103.000 USD trong hôm nay 5/12.