Tiếp tục các hoạt động tại Mỹ trong dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, gồm Apple, Boeing, Google, Siemens Healthineers tại thành phố New York, Hoa Kỳ.
Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu của Tập đoàn Apple, ông Nick Ammann, cho rằng Việt Nam là thị trường, địa bàn sản xuất rất quan trọng, và hai bên còn nhiều tiềm năng để hợp tác.
Ông Ammann cũng khẳng định sự sự tin tưởng của Apple với thị trường Việt Nam. Apple ghi nhận sự tăng trưởng về quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu tại Việt Nam dù sau dịch bệnh và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hiện Apple rất quan tâm chiến lược năng lượng sạch của Việt Nam và việc thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là đội ngũ nhân lực phát triển các phần mềm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành công của Tập đoàn Apple trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng mong muốn Apple tiếp tục hợp tác, mở rộng mối quan hệ đầu tư, tăng cường nội địa hóa; đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề xuất thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Thủ tướng cũng mong muốn Apple đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm, mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất của Tập đoàn Apple.
Apple hiện có giá trị vốn hoá 2.860 tỷ USD, doanh thu đạt khoảng 394,3 tỷ USD với khoảng 164.000 nhân viên. Tại Việt Nam, Apple hoạt động chủ yếu thông qua 32 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc.
Boeing là nhà sản xuất hàng đầu các máy bay phản lực thương mại, các hệ thống phòng thủ, không gian vũ trụ và an ninh. Đến nay, Boeing có hơn 140.000 nhân viên tại 65 quốc gia trên thế giới và năm 2020 đạt doanh thu hơn 94,5 tỷ USD.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Boeing đánh giá cao tầm nhìn và quan điểm của Thủ tướng về tầm quan trọng của kinh tế hàng không. Đồng thời, hai bên đã trao đổi về chiến lược và các cam kết hợp tác trong thời gian tới.
Trong nhiều năm qua, Boeing là đối tác tin cậy cung cấp máy bay và các dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing với Việt Nam trong quá trình khai thác tàu bay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Boeing mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. Trong đó, sớm xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô và hỗ trợ các hãng hàng không. Đồng thời, khuyến khích Boeing hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Hơn hết, Thủ tướng đề nghị Boeing hợp tác cùng Việt Nam để hoàn thành và chuyển giao các đơn đặt hàng mua tàu bay đã ký kết trong thời gian qua, tiếp tục hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong lựa chọn được các tàu bay phù hợp với chi phí hợp lý.
Tại cuộc gặp với lãnh đạo Google, ông Karan Bhatia, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công của tập đoàn này đã chia sẻ về tình hình kinh doanh, tầm nhìn và cập nhật tình hình thiết lập văn phòng của Google tại Việt Nam.
Đại diện Google đánh giá cao các định hướng lớn về hợp tác đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Đồng thời, ông cũng đề xuất hợp tác, đầu tư liên quan tới lĩnh vực điện toán đám mây, hỗ trợ Việt Nam trong dạy và học trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận việc Google hỗ trợ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam, sản xuất các mẫu điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử tại Việt Nam và cam kết đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ Google mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, cũng như các đề xuất hợp tác phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, và cho biết sẽ giao các cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, hỗ trợ, hợp tác để Google triển khai thực hiện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ông đồng thời đề nghị Google tiếp tục ủng hộ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, hợp tác bảo đảm an toàn thông tin; đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số; đào tạo, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng chuỗi sản xuất, giá trị của Google tại Việt Nam.
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Siemens Healthineers bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Hơn 30 năm đầu tư vào thị trường Việt Nam, Siemens Healthineers đã hợp tác, hỗ trợ cho hơn 1.000 tổ chức chăm sóc sức khỏe, trong đó có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất, kế hoạch của tập đoàn, nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực y tế nói chung và cơ sở hạ tầng y tế nói riêng, đặc biệt là các giải pháp mang tính số hóa lĩnh vực y tế.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tập đoàn nghiên cứu, sớm triển khai đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế với công nghệ và chất lượng cao tại Việt Nam, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất, cung ứng
Siemens Healthineers là tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và giải pháp hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, các phương pháp điều trị, phòng ngừa, giám sát và theo dõi, bao phủ toàn bộ quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Tại cuộc tọa đàm, ăn tối làm việc với lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư tài chính lớn của Mỹ cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, các thứ tự ưu tiên trong huy động các nguồn tài chính, tham gia vào quá trình xây dựng, cùng đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang dần hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, nhằm tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Việt Nam cũng mong muốn hỗ trợ để xây dựng, phát triển các loại thị trường khác, như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.