Thứ năm, 21/11/2024

Chủ tịch LPBank với tham vọng Barca Việt Nam

08/10/2024 5:41 PM (GMT+7)

Thông tin Chủ tịch LPBank - Nguyễn Đức Thuỵ lên kế hoạch xây dựng học viện bóng đá tiêu chuẩn cao nhất châu Á với diện tích 90 ha tại tỉnh Ninh Bình không có gì lạ. Đây là một bước tiến mang tính lô-gíc nếu xét theo các động thái đầy tham vọng của doanh nhân này.

Chủ tịch LPBank muốn mang La Masia về Việt Nam

Hiện tại, châu Á có 3 học viện đạt chuẩn 3 sao cao nhất được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) công nhận là Học viện Aspire (Qatar), Học viện Jeonbuk (Hàn Quốc), Học viện PVF (Việt Nam). Nếu thêm học viện ở Ninh Bình nghĩa là Việt Nam trở thành "cái nôi" bóng đá trẻ châu Á, xét về độ hoành tráng của cơ sở vật chất.

Để có cái ruột xứng tầm với cái vỏ, đội tham mưu của Nguyễn Đức Thuỵ đã đi làm việc với các học viện bóng đá của các CLB nổi tiếng châu Âu như Ajax, Feyenoord (Hà Lan). Và cuối cùng, họ đã chốt hợp tác với Học viện La Masia – cỗ máy sản xuất ra nhiều thế hệ cầu thủ rất chất lượng cho CLB Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha. Bóng đá Tây Ban Nha đã thống trị thế giới trong hai thập kỷ trở lại đây.

Có khá nhiều dạng hợp tác đào tạo, mở học viện bóng đá ở Việt Nam của các CLB châu Âu trong hơn 10 năm qua, có thể kể đến như Arsenal, Benfica, Juventus, Lyon… Ngoại trừ Arsenal hợp tác tương đối thành công với CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trước khi rút lui, cho ra một lứa cầu thủ khá, các dự án hợp tác khác không thành công.

Bầu Thụy với tham vọng Barca Việt Nam - Ảnh 1.

Lò đào tạo trứ danh La Masia của CLB Barcelona

Nếu mục tiêu ban đầu của Arsenal khi hợp tác với HAGL là đào tạo được ít nhất 1-2 cầu thủ thi đấu cho Arsenal thì rõ ràng mục tiêu này không đạt. Rõ ràng, việc đào tạo các cầu thủ trẻ không hề dễ dàng. Hy vọng dự án đào tạo cầu thủ trẻ với La Masia có thể cho ra các cầu thủ tốt hơn trong tương lai, dù có thể chưa đủ trình độ khoác áo Barca, nhưng có thể tự tin thi đấu cho các CLB ở châu Âu.

Học viện mới của ông Nguyễn Đức Thụy có thể tham khảo cách đào tạo của Học viện Aspire, họ không chỉ đào tạo các cầu thủ bản địa, mà còn nhận những tài năng từ các nước khác. Sau này, các cầu thủ có sinh ra ở nước ngoài có thể chọn thi đấu cho nước họ sinh ra hoặc cho đội tuyển Việt Nam. Thời đại toàn cầu hóa, không thể giữ mãi quan điểm bảo thủ là không dùng cầu thủ nhập tịch hay cầu thủ không mang dòng máu Việt Nam.

Mở học viện là bước đi mang tính lô-gíc của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy, chủ tập đoàn ThaiGroup đang hoạt động đa ngành, từ xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản, khoáng sản, năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm, nông nghiệp, vận tải…

Tiền thân của ThaiGroup là tập đoàn Xuân Thành của doanh nhân Nguyễn Xuân Thành thành lập năm 1976. Ông Thành có 7 người con, trong đó có ông Thụy, đều là doanh nhân thành đạt xoay quanh hệ sinh thái các doanh nghiệp gia đình họ xây dựng.

Cân bằng hai thế lực "ngầm" ở bóng đá Việt

Trở lại với bóng đá hơn 2 năm nay, ông Thụy đã có "thâu tóm" nhiều đội bóng để trở thành một hệ sinh thái bóng đá. Ông Thụy đã sở hữu phần lớn cổ phần đội HAGL, tài trợ cho đội Công An Hà Nội, và có phần trong đội Thép Xanh Nam Định – đương kim vô địch V.League 1. Chủ sở hữu chính thức của Nam Định là tập đoàn Xuân Thiện của chủ tịch Nguyễn Văn Thiện – anh trai ông Thụy.

Như vậy, trong V.League 1, ông Thụy có liên quan đến 3 đội: HAGL, CAHN, Nam Định. Mùa giải V.League 2024/2025 mới khởi tranh sẽ là cuộc đấu giữa hai phe là phe ông Thụy và phe ông Hiển. Ông Đỗ Quang Hiển, chủ tập đoàn đa ngành T&T, nắm trong tay các đội Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng và một phần Sông Lam Nghệ An.

Ở giải V.League 2, năm ngoái ông Thụy đưa đội Phù Đổng từ Hà Nội về Ninh Bình, đổi tên thành Phù Đổng Ninh Bình. Hai đội nữa đang chơi ở V.League 2 là CLB Trẻ Hồ Chí Minh và Long An cũng có liên hệ gián tiếp với bầu Thụy. Như vậy, tại V.League 2, ông Thụy có 3 đội bóng. Việc có 1 trong 3 đội bóng này sẽ lên hạng V.League 1 là trong tầm tay của ông Thụy.

Chưa hết, ngân hàng LPBank của ông Thụy đã ký hợp đồng tài trợ cho giải V.League 1, mùa bóng này giải mang tên chính thức LPBank V.League 1. Vừa tài trợ giải, vừa có đội bóng tham dự.

Bầu Thụy với tham vọng Barca Việt Nam - Ảnh 2.

Hiện tại bầu Thuỵ và Bầu Hiển là hai thế lực đứng sau các đội bóng của bóng đá Việt Nam

Cách đây hơn 10 năm, ông Thụy đã là một ông bầu bóng đá chịu chi đình đám, khi mua đội trẻ của Hòa Phát chuyển vào Hà Tĩnh thành đội Xuân Thành Hà Tĩnh, rồi đưa vào TP.HCM đổi tên thành Xuân Thành Sài Gòn, đầu tư tiền mua hơn một chục cầu thủ từng khoác áo đội tuyển quốc gia.

Cuối mùa giải 2013, ông Thụy tuyên bố từ giã bóng đá, giải thể đội bóng với lý do "VFF và VPF đã không mang đến sân chơi công bằng cho các đội tham dự", ám chỉ việc bầu Hiển có nhiều đội bóng trong tay. Vào lúc cao điểm nhất, ông Hiển được cho là nắm 5 đội bóng dự V.League 1: Hà Nội, SHB Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh.

Ở Ninh Bình, trong giai đoạn 2007-2015 cũng có đội bóng The Vissai Ninh Bình của đại gia xi măng Hoàng Mạnh Trường đã từng chơi ở V.League 1. Đất cố đô có ba đại gia lớn nhất thì hai đầu tư bóng đá: ông Trường xi măng, gia tộc ông Xuân Thành, người còn lại là ông Nguyễn Văn Trường đầu tư vào Hoa Lư, Tràng An, Bái Đính, Tam Chúc.

Hơn 10 năm trước, ông Thụy rút lui vì ấm ức "một ông chủ có nhiều đội bóng". Bây giờ ông cũng nắm trong tay nhiều đội bóng. Lúc trước, nhiều người cũng phàn nàn với việc "một ông chủ có nhiều đội bóng", nhưng sau này dư luận đó không còn gay gắt nữa.

Vì nói thật ra, CLB bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam vốn không có nhiều, càng ngày các doanh nhân đại gia càng xa lánh bóng đá, vì bóng đá tự thân là chưa kiếm được tiền để nuôi nó, mặt khác là kinh tế không khởi sắc. Nếu ông Hiển mà bỏ hết các đội bóng, V.League 1 không tan nhưng rất ảm đạm. Sau mùa giải 2023, ông Hiển tìm người tiếp quản đội bóng Đà Nẵng bị xuống hạng không được. Bóng đá Việt Nam nợ bầu Hiển ân tình.

Vậy nên bóng đá Việt Nam đang mong là có nhiều ông như ông Hiển, ông Thụy. Mong các ông đừng chán bóng đá sớm quá. Mong học viện đang lên kế hoạch của ông Thụy sẽ cho ra các lứa cầu thủ xuất sắc hơn hẳn trong tương lai. Người Việt Nam mình cần có thứ để tự hào. Nếu chưa được tự hào bằng sản xuất xe hơi thì tự hào bằng bóng đá… cũng được.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.

Nhóm cổ đông lớn ở Eximbank kiến nghị hủy việc miễn nhiệm trưởng Ban Kiểm soát

Nhóm cổ đông lớn ở Eximbank kiến nghị hủy việc miễn nhiệm trưởng Ban Kiểm soát

Một nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank (đang nắm giữ 5,66% vốn điều lệ) nêu trong đơn kiến nghị rằng việc miễn nhiệm ông Ngo Tony, trưởng Ban Kiểm soát của Eximbank, là phạm luật.

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc