Thứ năm, 21/11/2024

Cục diện thế giới quảng cáo trực tuyến sẽ khác vì Google vi phạm luật chống độc quyền

06/08/2024 3:15 PM (GMT+7)

Việc Google bị xử thua tại Mỹ trong vụ kiện chống độc quyền kéo dài "là chiến thắng lịch sử đối với người Mỹ. Không một công ty nào được phép đứng trên luật pháp, bất kể quy mô lớn tới đâu", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Merrick Garland viết.

Thẩm phán cấp liên bang Amit Mehta nhấn mạnh trong phán quyết dài 286 trang ngày 5/8 (giờ Mỹ): "Tòa án đưa ra kết luận sau: Google là một công ty độc quyền và đã hành động như một công ty độc quyền để duy trì thế độc quyền của họ".

Với phán quyết sơ thẩm này, thẩm phán Mehta đã đứng về phía Bộ Tư pháp Mỹ bằng việc kết luận rằng Google đã đổ hàng tỷ USD để có những thương vụ độc quyền nhằm cho phép Google giữ được vị thế độc quyền một cách trái luật trên thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Ông Mehta là người xử vụ kiện kéo dài 4 năm qua ở tòa án Washington. Phán quyết này là kết luận sau phiên xử kéo dài nhiều tuần. Trong phiên toàn, luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Google, với công cụ tìm kiếm đang chiếm hơn 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến, đã bỏ ra hàng chục tỷ USD mỗi năm để triển khai những thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất điện thoại, nền tảng và trình duyệt, đặc biệt là gã khổng lồ công nghệ Apple cũng của Mỹ.

Tờ Financial Times cho biết những khoản tiền khổng lồ này đã giúp Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều nền tảng. Năm 2021, ước tính khoản tiền để Google giữ được vị thế mặc định trong mảng tìm kiếm trực tuyến lên tới hơn 26 tỷ USD.

Cục diện thế giới quảng cáo trực tuyến sẽ khác vì Google vi phạm luật chống độc quyền- Ảnh 1.

Bài báo của Financial Times về việc Google bị xử thua trong vụ kiện độc quyền tại Mỹ. Ảnh chụp màn hình.

Về phía Google, "ông lớn" giải thích rằng họ phải đối mặt với cạnh tranh rất khốc liệt trên thị trường, nhưng họ giữ được vị thế số 1 là nhờ chất lượng dịch vụ tìm kiếm của họ.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nói phán quyết sơ thẩm của tòa án liên bang "là chiến thắng lịch sử đối với người Mỹ. Không một công ty nào được phép đứng trên luật pháp, bất kể quy mô lớn tới đâu."

Jonathan Kanter, Trưởng ủy ban chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ, cho rằng phán quyết của tòa án liên bang đã bắt Google phải chịu trách nhiệm, và mở ra con đường cho phép tạo ra những sáng tạo công nghệ trong tương lai, cùng lúc bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin của người Mỹ.

Ông Kent Walker, Giám đốc quan hệ công chúng toàn cầu của Google, cho biết Alphabet (tập đoàn mẹ của Google) sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm. Theo đại diện Google, phán quyết này "công nhận Google là công cụ tìm kiếm tốt nhất nhưng kết luận rằng chúng tôi không được phép biến nó thành ứng dụng phổ biến cho tất cả mọi người".

Sau khi thẩm phán Mehta ra phán quyết trên, vụ kiện giữa Bộ Tư pháp Mỹ đối với Google sẽ đi vào giai đoạn 2. Trong đó, tòa án sẽ xác định những thay đổi Google phải làm, hay án phạt cho Google vì bị coi là vi phạm luật chống độc quyền.

Theo Reuters, giai đoạn 2 có thể bao gồm việc tách Alphabet thành nhiều công ty nhỏ. Cổ phiếu của Alphabet giảm 4,5% sau phán quyết trên.

Giai đoạn "khắc phục" có thể sẽ mất nhiều thời gian, sau đó có thể là việc kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Mỹ tại thủ đô Mỹ và Tối cao Pháp viện Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài đến 2025 hoặc 2026, theo báo chí Mỹ.

Cục diện thế giới quảng cáo trực tuyến sẽ khác vì Google vi phạm luật chống độc quyền- Ảnh 3.

Google là hãng dẫn đầu về thị phần tìm kiếm trực tuyến toàn cầu. Ảnh chụp màn hình kênh CNN

Bà Karine Jean-Pierre, người phát ngôn của Nhà Trắng, nói "phán quyết ủng hộ cạnh tranh là một chiến thắng cho người dân Mỹ… Người Mỹ lẽ ra phải có mạng internet miễn phí, công bằng và cho phép cạnh tranh bình đẳng".

Thẩm phán Mehta đã nhấn mạnh chi tiết Google đã bỏ ra 26,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021 để biến công cụ tìm kiếm của Google là ứng dụng mặc định trên điện thoại thông minh và trên các phần mềm trình duyệt, và để thống trị lĩnh vực này.

Trong 4 năm qua, các cơ quan quản lý chống độc quyền cấp liên bang Mỹ cũng đã kiện các nền tảng của Meta (công ty mẹ của Facebook), Amazon.com và Apple vì cho rằng các đại công ty này đã duy trì thế độc quyền một cách bất hợp pháp.

Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Đảng Dân chủ), Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, nói rằng thực tế là các vụ kiện kéo dài qua các đời tổng thống cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đối với việc thực thi luật chống độc quyền ở Mỹ.

Trong lúc Google đang phải chạy đua để đẩy các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) lên những dịch vụ trực tuyến, trong đó có cả công cụ tìm kiếm trực tuyến của Google, phán quyết sơ thẩm của tòa án Mỹ được xem là một đòn nặng lên mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất trong doanh thu hàng năm của Alphabet.

Tổng doanh thu của tập đoàn Alphabet năm 2023 là 307 tỷ USD, và doanh thu quảng cáo trực tuyến thu về từ tìm kiếm trực tuyến là 175 tỷ USD, hơn 50%. Trong khi đó, Microsoft chỉ kiếm được 12 tỷ USD doanh thu từ công cụ tìm kiếm Bing.

Cục diện thế giới quảng cáo trực tuyến sẽ khác vì Google vi phạm luật chống độc quyền- Ảnh 4.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang kiện Apple với cáo buộc độc quyền. Ảnh tư liệu

Hiện tại, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang kiện Apple với cáo buộc Apple độc quyền trong thị trường thiết bị smartphone và hệ sinh thái ứng dụng di động.

Nhóm được xem là "Big Tech" gồm 5 tập đoàn công nghệ Mỹ: Alphabet (mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta (mẹ của Facebook) và Microsoft. Ngoài ra, người ta còn đặt tên 1 nhóm khác là "Magnificent Seven", hay Bảy Ông Hoành Tráng, gồm 5 tập đoàn trên và Nvidia (chip bán dẫn) cùng với Tesla – công ty xe điện của tỷ phú Elon Musk.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.