Không đăng ký chạy tuyến cố định TP.HCM – Đà Lạt nhưng vận chuyển mỗi ngày hàng nghìn lượt khách công khai; Lập bến xe lậu ngay giữa lòng thành phố TP.HCM và Đà Lạt. Khi báo chí phản ánh, thanh tra xử phạt thì Thành Bưởi kiện các cơ quan này ra toà, cho rằng báo chí thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xử phạt không đúng. Nhưng khi thua kiện, Thành Bưởi vẫn ngang nhiên hoạt động, còn cơ quan quản lý nhà nước vẫn làm ngơ…
Cách đây 7 năm, sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã kiểm tra bến lậu của nhà xe Thành Bưởi tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10.
Trong biên bản kiểm tra nêu rõ: "…kiểm tra thực tế tại địa chỉ kinh doanh số 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10, Công ty TNHH Thành Bưởi tổ chức hoạt động và xây dựng các hạng mục công trình có đầy đủ chức năng như một bến xe.
Cụ thể tại đây có thực hiện chức năng phục vụ đón, trả khách trung chuyển theo tuyến cố định; đón, trả khách theo hợp đồng, du lịch; có tổ chức quầy bán vé hành khách theo tuyến cố định TP.HCM đi Cần Thơ; có tổ chức giao nhận hàng hoá; có quầy giải đáp cho khách hàng; có nhà chờ, ghế ngồi cho hành khách… có loa phát thanh để cung cấp thông tin cho hành khách…".
Trên cơ sở đó, ngày 10/10/2016, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35.000.000 đồng đối với Công ty Thành Bưởi về hành vi "lập bến xe không theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Đại diện Công ty Thành Bưởi xác định công ty đã nộp phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở GTVT TP.HCM.
Tuy nhiên, sau đó Công ty Thành Bưởi đã khởi kiện quyết định xử phạt này tại Toà án nhân dân TP.HCM. Vụ án được đưa ra xét xử, và toà đã có bản án hành chính sơ thẩm ngày 14/4/2018, với nội dung: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thành Bưởi. Công ty Thành Bưởi đã kháng cáo lên Toà cấp cao, nhưng sau đó đã rút đơn kháng cáo.
Trong nhiều năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã có hàng trăm bài viết phản ánh về tình trạng xe dù, bến cóc ở TP.HCM, trong đó Thành Bưởi là nhà xe có hoạt động công khai, rầm rộ bậc nhất.
Báo Giao thông cũng đã có nhiều loạt bài phản ánh về tình trạng hoạt động xe khách trá hình của Công ty Thành Bưởi. Các bài báo chỉ rõ những chiêu trò "lách luật", "né thuế", "né phí" của doanh nghiệp này dẫn đến việc nhà nước thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế, phí mỗi năm.
Ngày 18/1/2017, Công ty Thành Bưởi có đơn khởi kiện Báo Giao thông ra Toà án nhân dân quận 5, về việc "Đưa thông tin sai sự thật, gây thiệt hại đến kinh doanh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp".
Nội dung vụ kiện là: "Công ty Thành Bưởi buộc Báo Giao thông bồi thường toàn bộ thiệt hại của công ty do Báo Giao thông đã vi phạm luật báo chí, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Công ty Thành Bưởi; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Toà án; buộc Báo Giao thông gỡ bỏ, cải chính thông tin và công khai xin lỗi Công ty Thành Bưởi…."
Vụ án sau đó được chuyển lên Toà án nhân dân TP.HCM xét xử vào các ngày 18 và 24/7/2023.
Tại phiên xét xử, sau khi xem xét tất cả chứng cứ liên quan, toà nhận định: Báo Giao thông đã thực hiện đúng chức năng của cơ quan báo chí, thông tin mà các bài báo đưa ra là đúng thực tế, khách quan, phản ánh kịp thời để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác minh làm rõ sự thật.
Báo Giao thông không có hành vi quy chụp, vu khống làm ảnh hưởng đến Công ty Thành Bưởi, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thành Bưởi, yêu cầu bị đơn bồi thường toàn bộ thiệt hại là 12.100.000 đồng.
Về nội dung Báo Giao thông phản ánh Công ty Thành Bưởi "lách luật, né thuế, phí", bản án nêu: Công ty Thành Bưởi đã vận chuyển hành khách theo hợp đồng chở người không có tên trong danh sách hành khách, điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có danh sách kèm theo quy định.
Đón trả khách tại nơi cấm đỗ; dừng đỗ xe không đúng quy định tại vị trí dừng, đón trả khách… không có sổ sách, chứng từ thống kê những hành khách mà Công ty Thành Bưởi vận chuyển ngoài hợp đồng là vi phạm quy định Điều 45 Thông tư 63/2014 ngày 7/11/2014 của Bộ GTVT.
Các khoản thu này của Công ty Thành Bưởi không được ghi nhận là doanh thu của doanh nghiệp, từ đó không thể kê khai thu nhập để cơ quan thuế tính thuế đúng quy định đã làm thất thu ngân sách nhà nước. Việc Công ty Thành Bưởi không xuất vé khi thu tiền của hành khách là vi phạm pháp luật về kế toán, khai báo thuế, sử dụng hoá đơn.
"Công ty Thành Bưởi không ký hợp đồng vận chuyển với khách hàng, thu tiền của khách không có chứng từ thì không có cơ sở để khai báo doanh thu đầy đủ, đúng quy định. Do đó, phản ánh của Báo Giao thông về việ Công ty Thành Bưởi "lách luật", "né thuế, phí" là hoàn toàn có cơ sở", bản án nêu rõ.
Như vậy, cả hai bản án của Toà án nhân dân TP.HCM nêu ở trên đã khẳng định Công ty Thành Bưởi có những sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Cụ thể ở đây là lập bến xe trái phép tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10, TP.HCM; tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo kiểu xe dù, bến cóc, lách luật, né thuế, phí.
Nhưng điều rất lạ lùng là sau những bản án trên, nhà xe Thành Bưởi vẫn ngang nhiên hoạt động theo kiểu cách không tuân thủ pháp luật nhưng vẫn tồn tại, nhởn nhơ...
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết Công ty Thành Bưởi có tổng cộng 269 phương tiện được cấp phù hiệu, biển hiệu. Trong đó tuyến cố định có 31 xe; du lịch có 134 xe; hợp đồng 36 xe, trung chuyển 15 xe; 9 xe container và 44 xe tải.
"Hiện tại, Công ty Thành Bưởi chỉ đang khai thác một tuyến cố định duy nhất là từ bến xe Miền Tây đến bến xe Cần Thơ", ông Hải khẳng định.
Như vậy, cả trăm chuyến xe hoạt động như xe chở khách tuyến cố định từ TP.HCM đi Đà Lạt và ngược lại mỗi ngày đều chạy dưới danh nghĩa xe hợp đồng, du lịch. Chiêu trò của Công ty Thành Bưởi là sử dụng xe đăng ký dưới hình thức hợp đồng, rồi gom khách lẻ, lập một bản hợp đồng chung.
Hành khách khi gọi điện đến đặt xe, nhân viên sẽ xin thông tin họ tên, số điện thoại để điền vào một bảng danh sách, gọi là hợp đồng, để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra. Khi nhân viên phát phiếu thông tin cho hành khách, đồng thời sẽ thu tiền.
Những khách nào có yêu cầu xuất hoá đơn, Thành Bưởi sẽ xuất hoá đơn lẻ cho từng khách; ai không yêu cầu xuất hoá đơn thì bỏ qua.
Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông mới TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Huy, phân tích: theo quy định, mỗi hành khách khi đi xe trong bến đều phải mua vé. Trong vé đó, có 10% thuế giá trị gia tăng nộp cho nhà nước.
Vé TP.HCM đi Đà Lạt là 280.000 đồng, tức thuế VAT là 28.000 đồng. Mỗi ngày ước tính thấp nhất khoảng 2.000 khách đi tuyến này nhưng không vào bến, tức nhà nước thất thu thuế VAT khoảng 56.000.000 đồng, mỗi năm thất thu riêng thuế VAT hàng chục tỷ đồng, chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, cũng băn khoăn khi cho rằng: "Không biết các lực lượng chức năng của thành phố họ nghĩ gì? Làm gì có chuyện Công ty Thành Bưởi bán vé lẻ từng hành khách để đưa vào hợp đồng? Nếu cứ kiểu này thì không bao giờ xe dù bến cóc hết được. Khi công an, thanh tra mở chiến dịch ra kiểm tra xử lý, xong đâu lại vào đấy".
"Không biết Sở GTVT TP.HCM suy nghĩ gì khi Công ty Thành Bưởi công khai lên trên mạng, cả thiên hạ ai cũng biết cứ mỗi hành khách đặt từng chỗ rồi gộp thành một xe hợp đồng, làm gì có chuyện đó. Tôi mà là Giám đốc Sở GTVT, tôi mời chủ xe Thành Bưởi lên làm việc, có cả thanh tra và công an để làm rõ những việc đó, yêu cầu chấn chỉnh, không được vi phạm, nếu không sẽ xử lý nghiêm, đề nghị rút giấy phép", ông Tính thẳng thắn nói.
Theo Báo Giao thông
Người dân Thủ đô và du khách sẽ có trọn vẹn tháng 10 để khám phá và hồi tưởng lại một phần ký ức thời bao cấp với hình ảnh tàu điện leng keng, xe đạp cũ kỹ, quạt tai voi, tivi cổ… Những hoạt động ý nghĩa trên nằm trong chuỗi sự kiện Hà Nội – Chạm miền ký ức tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đến hết tháng 9, số cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 85,9% kế hoạch năm 2024.
Hiện tại, tiểu thương chợ Mỹ Bình, chợ Long Xuyên (tỉnh An Giang) bán lẻ cá chạch lấu sông loại 1 (nặng ba lạng rưỡi trở lên) từ 450.000-500.000 đồng/kg. Đây là loại cá sông, cá đặc sản vùng đầu nguồn sông Hậu ở An Giang.
Được kỳ vọng trở thành khu thể dục thể thao hiện đại bậc nhất TP.HCM, nhưng Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch vẫn còn dở dang, được người dân tận dụng làm ao nuôi cá.
Dù có mức thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, nhiều GenZ vẫn chần chừ, không dám đưa ra quyết định mua nhà trong bối cảnh giá bất động sản đang biến động mạnh.
Ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé tàu Tết 2025. Theo đó, giá vé năm nay tăng bình quân từ 4% đến 5% so với cùng kỳ Tết 2024 (tùy vào từng cung chặng, thời điểm và mác tàu khác nhau).