Thứ hai, 29/04/2024

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD

24/11/2023 8:11 AM (GMT+7)

Các công ty chứng khoán đã và đang chuyển hướng, vươn tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện.

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD - Ảnh 1.

SSI đã bắt đầu theo đuổi chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn diện cho khách hàng. Ảnh: Quý Hòa.

Trong một thông điệp mới nhất, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS), cho biết hiện tại thương hiệu VNDS đã được định vị mới.

Nếu trước đây, VNDS định vị mình là “ngôi nhà đầu tư của mọi người”, sau đó mở rộng lên thành “công ty chứng khoán công nghệ”, thì nay công ty này quyết định dịch chuyển nền tảng của mình thành mô hình kinh tế giá trị hướng đến khách hàng. Nghĩa là VNDS đã và sẽ còn tạo dựng nhiều nền tảng (như nền tảng DStock, DWealth, Stockbook, TISA, My Account, MyDGO, ProTrade Trial...) cũng như thiết kế nhiều gói sản phẩm, dịch vụ để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Từ bỏ mô hình truyền thống

Thực tế, sau 23 năm hình thành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Về quy mô, từ chỗ chỉ là thị trường cổ phiếu, hiện nay chứng khoán Việt Nam có tới 3 thị trường gồm cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Xét số lượng chứng khoán niêm yết ở cả 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) đã có khoảng 1.600 doanh nghiệp, với vốn hóa thị trường tương đương 60,8% GDP (năm 2022). 

Ngoài ra, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VDS), tính đến cuối tháng 10/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thu hút được 7,38 triệu tài khoản, chiếm khoảng 8% dân số.

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD - Ảnh 2.

Với những thay đổi này, ngành chứng khoán đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi. Chưa kể, theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng Bộ phận Phân tích Thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), ngành chứng khoán gắn chặt với biến động thị trường, biến động lãi suất, biến động của chu kỳ kinh tế nên để dự đoán chính xác tình hình và tư vấn tốt cho nhà đầu tư, công ty chứng khoán phải gia tăng nguồn lực về cả đội ngũ, tài chính lẫn công nghệ.

Chuyển đổi số đã là bài toán mà các công ty chứng khoán ưu tiên đầu tư, nhất là khi tệp khách hàng mới của các công ty chứng khoán đa số đến từ giới trẻ. Đây là lứa tuổi yêu thích công nghệ, mạng xã hội. Đến nay, hầu hết các công ty chứng khoán đã triển khai tính năng mở tài khoản trực tuyến eKYC và giao dịch trực tuyến. Các công ty chứng khoán lớn như SSI, VNDS, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)... còn hình thành nên những hệ sinh thái công nghệ đa dạng. 

Riêng một số công ty nhỏ hơn như Công ty Chứng khoán DNSE cung cấp dịch vụ AI Broker - Môi giới ảo, BSC cung cấp sản phẩm i-Invest, MBS triển khai dịch vụ copy trading...

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD - Ảnh 3.

Ông Ngô Đăng Triều, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật số của Mirae Asset, đánh giá việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp công ty chứng khoán phát triển nhanh và hiệu quả, có thể nâng cao trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cho người dùng. 

Bên cạnh đó, công nghệ sẽ giúp Công ty thích nghi tốt hơn với các biến động về môi trường kinh doanh và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, như lãnh đạo tại một công ty chứng khoán lớn ở TP.HCM từng nhận định, lợi thế cạnh tranh cốt lõi giữa các công ty chứng khoán vẫn nằm ở con người và tính linh hoạt của hệ thống. 

“Công ty chứng khoán nào có được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp vững vàng, có tầm nhìn rộng, có kiến thức và kỹ năng vượt trội đi trước sự phát triển của thị trường sẽ là công ty có nhiều lợi thế cạnh tranh và tạo dựng được hiệu quả hoạt động lành mạnh, bền vững”, vị này nói.

Để có đủ nguồn lực cho đầu tư mới, một số công ty chứng khoán đã chọn giải pháp tìm đối tác chuyển nhượng. Chẳng hạn như thương vụ VPBank mua 97,4% cổ phần của Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank. Hay Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (DSC), Công ty Chứng khoán DNSE (trước đây là Đại Nam), Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng có chủ mới. 

Các công ty này sau đó đã lột xác như DNSE tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần và lọt vào Top 10 công ty chứng khoán có vốn lớn nhất. Hay KBSV đã nằm trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất quý III/2023 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nhóm các công ty chứng khoán đình đám như VNDS, SSI, TCBS, VCSC... thì tiến sâu vào chuyển đổi mô hình. Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán SSI, cho biết từ năm 2022, SSI đã bắt đầu theo đuổi chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ toàn diện cho khách hàng. SSI muốn trở thành một định chế tài chính đồng hành với nhà đầu tư lâu dài.

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD - Ảnh 4.

Tập trung từng điểm mạnh

Ông Vicente Nguyễn, CIO của AFC Vietnam, đánh giá, sự lột xác ở các công ty chứng khoán là xu hướng tất yếu. Lâu nay, vì pháp luật chưa cho phép và vì thị trường còn non trẻ, hoạt động của các công ty chứng khoán tại Việt Nam vẫn theo hướng đơn giản với sản phẩm thô sơ, chưa đa dạng. Khi thị trường phát triển dần lên, các công ty chứng khoán phải mở rộng. Trong quá trình đó, sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu khách hàng sẽ tồn tại, ngược lại sẽ bị loại bỏ.

Để chuẩn bị cho mục tiêu mới, bà Lệ Hằng cho biết SSI chú trọng việc xây dựng thị trường, cung cấp kiến thức, thông tin kịp thời, chính xác đến khách hàng cũng như đóng góp ý kiến tư vấn, xây dựng chính sách. SSI còn theo đuổi cách tiếp cận gia tăng tài sản cho khách hàng hơn là chỉ tập trung vào tư vấn giao dịch thuần túy. 

Công ty này cũng dần tổ chức lại các khối kinh doanh thành 2 phân khúc: khách hàng bán lẻ và khách hàng tổ chức. Trong mọi thay đổi, phía SSI cho biết sẽ quan tâm đầu tư cả hạ tầng công nghệ lẫn đội ngũ nhân sự.

Nhóm phân tích của VNDS đánh giá, SSI có sự thuận lợi nhờ thế mạnh thương hiệu chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp SSI thu hút dòng tiền đầu tư tốt hơn. SSI cũng là 1 trong 3 công ty chứng khoán có hoạt động nguồn vốn nổi bật. Nhờ mảng nguồn vốn này, kết hợp với các dịch vụ truyền thống như môi giới, cho vay margin, SSI có thể tạo nên hệ sinh thái toàn diện hơn so với nhiều đối thủ.

Trong khi đó, VNDS định vị mình là la bàn đầu tư, giúp khách hàng xây dựng “sức khỏe tài chính - bảo an thịnh vượng và tăng trưởng bền vững”. Và “tri thức sẽ là chìa khóa để VNDS mở cánh cửa ra thế giới, hội nhập và phát triển, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc”, bà Phạm Minh Hương của VNDS nhấn mạnh.

TCBS thì dành đầu tư cho công nghệ và phát triển mảng nghiệp vụ sản phẩm Wealth nhằm hoàn thiện hệ sinh thái Wealthtech (tài chính công nghệ). Song song đó, TCBS vẫn duy trì những mảng thế mạnh về môi giới (thứ 4 về thị phần), tư vấn phát hành (dẫn đầu) và đã ra mắt sản phẩm trái phiếu iBond Protect có Ngân hàng Techcombank bảo lãnh.

Các bước chuyển đã giúp TCBS đạt lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 hơn 2.148 tỉ đồng, về đích sớm kế hoạch lợi nhuận năm. Nhưng xa hơn, theo lãnh đạo của TCBS, mục tiêu của Công ty là muốn trở thành “nhạc trưởng” của dòng chảy vốn tại Việt Nam, để đến năm 2025 TCBS sẽ phục vụ 5 triệu người dùng, đạt 5.000 tỉ đồng lợi nhuận và vốn hóa chạm đến 5 tỉ USD.

Công ty chứng khoán "chuyển màu" trong thị trường tỷ USD - Ảnh 5.

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán HSC. Ảnh: Quý Hòa

Thách thức thị trường

Các mục tiêu của TCBS, SSI, VNDS... đều là nhắm đến thị trường rộng lớn hơn, với mong muốn đáp ứng trọn vẹn nhu cầu tháp tài chính của mỗi người. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, quy mô thị trường tài chính Việt Nam đã tăng mạnh, chiếm khoảng 300% GDP. Riêng tiền gửi cá nhân hiện chiếm trên 50% tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.

Với quy mô này, từ ngân hàng, công ty quản lý quỹ đến công ty tài chính, Fintech, công ty chứng khoán... đều không muốn bỏ qua chiếc bánh hấp dẫn này. Nghĩa là cạnh tranh sẽ càng gay gắt. “Các công ty nhỏ sẽ khó cạnh tranh hơn nhưng không có nghĩa là không thể tồn tại. Họ cũng phải tạo ra sản phẩm mới, cung cấp ít nhất cho lượng khách hàng hiện tại của họ. Dù không chiếm được thị phần lớn thì họ cũng có thể đáp ứng trong phạm vi cho phép của mình”, ông Vicente Nguyễn nhận định.

Nhưng “thách thức cho các công ty chứng khoán là cần kiên trì hướng dẫn, đào tạo cho khách hàng về các kiến thức tài chính cá nhân”, Giám đốc Chi nhánh một công ty chứng khoán ở TP.HCM nhấn mạnh. Theo khảo sát “Financial literacy around the world” do S&P Global thực hiện vài năm trước, chỉ khoảng 24% người Việt có kiến thức tài chính, thấp hơn nhiều so với mức 33% của thế giới. 

Ngay người quan tâm, chủ động về đầu tư, quản lý tài sản cũng chủ yếu là tầng lớp có thu nhập trung bình cao, theo báo cáo của Standard Chartered.

Một khó khăn khác là niềm tin của người dân vào thị trường tài chính bị sụt giảm, nhất là khi nhiều người gửi tiết kiệm bỗng trở thành nhà đầu tư trái phiếu. Bên cạnh đó, theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng Quản trị AzFin, người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung thường không tin tưởng giao tiền của mình cho người khác quản lý.

Dù vậy, với những nỗ lực chuyển đổi từ các công ty chứng khoán nói riêng và toàn ngành tài chính nói chung, lãnh đạo các công ty chứng khoán đều tin tưởng ngành chứng khoán sẽ vẫn phát triển trong tương lai. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng dù nền kinh tế trong nước và toàn cầu có những khó khăn nhưng xu hướng chính của thị trường chứng khoán Việt Nam cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng.

SSI Research cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trong năm tới. Một phần là nhờ vào một số yếu tố hỗ trợ thị trường như kỳ vọng nâng hạng, triển khai hệ thống KRX... Tất cả hứa hẹn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút nhà đầu tư mới cũng như lượng tiền tham gia thị trường.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Nắng nóng, các điểm vui chơi tại TP.HCM vẫn đông đúc dịp lễ 30/4

Người dân TP.HCM bắt đầu đổ về các điểm tham quan, vui chơi nhiều hơn vào ngày 29/4, tức ngày thứ ba của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, bất chấp nắng nóng. Suối Tiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhộn nhịp, khách chuộng những nơi có nhiều khu vực "giải nhiệt".

Nhóm 5 doanh nghiệp bắt tay nhau vì "mê" thị trường bảo hiểm Việt Nam

Nhóm 5 doanh nghiệp bắt tay nhau vì "mê" thị trường bảo hiểm Việt Nam

Bốn công ty giải pháp tài chính -- Zalopay, Lotte Finance, FE Credit và bảo hiểm OPES -- vừa trở thành đối tác chiến lược tại Việt Nam của công ty công nghệ bảo hiểm Igloo từ Singapore.

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

49 năm sau ngày thống nhất đất nước với hơn 30 năm đổi mới và phát triển, ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh đã “lột xác” theo hướng văn minh, hiện đại.

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Đông đúc chợ đêm TP.HCM

Dịp nghỉ lễ này, thời tiết nắng nóng nên nhiều gia đình ở TP.HCM không đi chơi xa và buổi tối thường đi đến các chợ đêm (còn gọi là phố ẩm thực) để vui chơi, mua sắm, ăn uống. Có chợ đêm lượng khách tăng gần gấp đôi ngày thường.

Giá vàng giảm nhẹ đầu tuần

Giá vàng giảm nhẹ đầu tuần

Giá vàng hôm nay 29/4 ghi nhận giảm nhẹ mở phiên đầu tuần. Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần tới là quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang vào thứ Tư và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu.

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, chuyên gia nói thẳng sự thật

Ô tô Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, chuyên gia nói thẳng sự thật

Mặc dù thị trường ô tô Việt Nam đang vô cùng ảm đạm về doanh số, nhưng nhiều hãng xe Trung Quốc vẫn "nhảy" vào cuộc đua thị phần.