Mạng xã hội gần đây lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh con chó Alaska bị xích, trong khi một thiếu niên liên tục dùng gậy thọc, đánh mạnh nhiều phát mặc con chó tội nghiệp liên tục kêu.
Một video nữa ghi lại cảnh hai thanh niên, một người tay nắm dây dắt chó tay kia đấm mạnh vào con chó Alaska. Người còn lại dùng chân đá, đạp vào bụng nó. Cả hai vụ này là vụ việc đánh chó ở Đà Lạt gây xôn xao dư luận trong tuần qua.
Tháng 3 năm ngoái, trên mạng xã hội cũng lan truyền một đoạn video nam thanh niên cầm gậy dài, đánh liên tục vào chú chó Alaska. Nguyên nhân được người đăng tải video cho biết là do trời nắng, chú chó không chịu "hợp tác" để chụp ảnh với du khách nên bị "phạt".
Đưa chó ra quảng trường Lâm Viên giữa TP.Đà Lạt để bán dịch vụ chụp ảnh với khách du lịch đã tồn tại từ lâu, mặc dù chưa được cấp phép. Cơ quan chức năng thường xuyên ra quân xử lý các đối tượng này, nhưng chưa triệt để.
Thời gian qua, dịch vụ này không những không giảm mà ngày càng mở rộng. Có người còn sẵn sàng chi tiền trăm triệu để đầu tư cho loại hình kinh doanh tự phát này.
Điều đáng nói, hằng ngày đưa chó đến quảng trường để chụp hình với du khách, những chủ nuôi đang dùng "thú cưng" của mình để kiếm tiền. Nhưng khi con thú không nghe lời, người ta đánh đập con vật một cách không thương tiếc.
Dưới góc nhìn của chuyên gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thú cưng, ThS-BS Thái Thị Mỹ Hạnh – CEO Bệnh viện Thú y Petpro phân tích, các dịch vụ như chụp ảnh cùng thú cưng có thể tạo ra tiếng cười và trải nghiệm thú vị cho du khách.
"Thoạt nhìn có vẻ vô hại, nhưng đằng sau đó, các thú cưng này bị bắt buộc sống trong một môi trường khác biệt với nhu cầu tự nhiên. Thú cưng bị ép buộc tuân thủ các động tác không yêu thích và triệt tiêu bản năng tự vệ", bà Hạnh nói.
Những con vật này thường bị nhốt chặt, sống trong kỷ luật hà khắc, bị trừng phạt nặng nếu không thuộc bài… Những khắc chế, bạo hành ở những mức độ khác nhau đó sẽ dẫn đến căng thẳng, lo âu, và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý và thể chất của thú cưng. Và việc phản kháng của vật nuôi là hoàn toàn có thể lý giải như chuyện những chú chó Alaska ngoan ngoãn hằng ngày, bất ngờ "đình công" và nhận lấy những trận đòn như phản ánh những ngày qua.
Theo ThS-BS thú y Thái Thị Mỹ Hạnh, thú cưng có quyền nhận được sự yêu thương, chăm sóc và không bị ngược đãi, đánh đập hay bỏ rơi. Thú cưng không được sử dụng vào các hoạt động đấu đá, thử nghiệm y tế không cần thiết, hoặc bị bắt làm việc quá sức…
"Cần thúc đẩy việc ban hành và thực thi các luật nghiêm ngặt hơn về bảo vệ thú cưng, bao gồm các điều khoản cấm ngược đãi, khai thác sức lao động quá mức và sử dụng thú cưng cho mục đích thương mại không nhân đạo", bà Hạnh nhấn mạnh.
Việc đảm bảo phúc lợi của động vật đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng. Người nuôi động vật, dù con vật đó có thể "kiếm tiền" hoặc không đều phải có nghĩa vụ bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo Điều 57 và Điều 69 của Luật Chăn nuôi 2018.
ThS. Đỗ Thị Mộng Thơ - Phó Chủ tịch Chi hội Thú y Thú nhỏ Việt Nam cũng cho rằng, trong vấn đề phúc lợi động vật, ngược đãi động vật là điều cấm kỵ nhất. Việc làm này đã được lên án rất nhiều trên toàn thế giới.
Khái niệm "phúc lợi động vật" (animal welfare), về cơ bản, là đối xử tốt với động vật để chúng có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần. Việc này giúp tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay là thú cưng.
Nghị định 14/2021/NĐ-CP Điều 29 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Còn với việc giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền mức 3.000.000 - 5.000.000 đồng...
Nuôi thú cưng làm "công cụ sản xuất" đã khó thể chấp nhận rồi chứ chưa nói đến còn hành hạ, ngược đãi chúng.
Theo bà Phan Yến Ly - chuyên gia du lịch, việc hài hòa lợi ích giữa động vật và người kinh doanh không phải không thể. Điển hình như các mô hình safari, ở đó thú được thả bán tự do, du khách muốn xem thú phải "nhốt" mình vào xe chuyên dụng. Như vậy, không gian tự nhiên của động vật được tôn trọng, phía khách du lịch cũng được thỏa mãn.
Hay như Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, ban quản lý đã triển khai những tour ngắm thú đêm. Du khách lên xe trong đêm, khi phát hiện thú, họ đứng từ xa để ngắm...
Vụ việc đánh đập chó ở Đà Lạt vừa qua là một lối kinh doanh bất nhẫn. Lối kinh doanh này cần chấm dứt ngay!
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.