
FDI lĩnh vực tiêu dùng Nhật Bản: Sóng sau tiếp sóng trước
Tường Nguyên
06/12/2023 3:50 PM (GMT+7)
Gần đây, nhiều công ty Nhật Bản đẩy mạnh tốc độ thâm nhập và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, thị trường ASEAN được giới đầu tư từ xứ sở mặt trời mọc coi trọng.
Đầu tháng 11/2023, tập đoàn đa ngành Marubeni của Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược của AIG Asia Components, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Theo thông tin từ AIG, với tuổi đời 22 năm, công ty đang có những chuyển đổi trên nhiều góc độ như sáng tạo, phát triển giải pháp cũng như các sản phẩm thực phẩm tự nhiên.
Cũng trong ngành thực phẩm, Marubeni cũng là cổ đông của Acecook Việt Nam thuộc công ty sản xuất mì ăn liền Acecook Japan. Acecook Việt Nam là công ty dẫn đầu Việt Nam về doanh số xuất khẩu mì ăn liền sang Nhật Bản.

Dây chuyền sản xuất mì ăn liền Hảo Hảo của Acecook Việt Nam. Ảnh: Acecook.
Theo thông tin từ Marubeni, tập đoàn đạt lợi nhuận hàng năm khoảng 2 tỷ USD. Ông Masumi, CEO của Marubeni, cho biết Marubeni sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, chế biến, xuất khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng.
Một "ông lớn" khác xem Việt Nam là thị trường chiến lược và quan trọng là Aeon, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Đang vận hành 6 đại siêu thị tại Việt Nam, Aeon đang mở thêm, dự kiến tổng cộng đến 30 đại siêu thị vào năm 2030. Aeon phải cạnh tranh quyết liệt từ tập đoàn Central Group của Thái Lan, Emart của Hàn Quốc (thông qua thỏa thuận nhượng quyền với tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương) và Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Đại siêu thị Aeon Mall Bình Tân, quận Bình Tân - TP.HCM. Ảnh: Aeon
Trong ngành tài chính, Mizuho – một trong những ngân hàng lớn của Nhật Bản – đã từng bước mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam như công ty M-Service (sở hữu nền tảng fintech Momo) và Vietcombank thuộc nhóm 4 ngân hàng hàng đầu (Big 4) của Việt Nam.
Trong khi đó, SMBC, ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản, sở hữu đến 49% công ty tài chính tiêu dùng FE Credit của ngân hàng VPBank. Không chịu kém cạnh, MUFG – tập đoàn tài chính, ngân hàng lớn nhất tại Nhật – đã mua 100% công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance của ngân hàng SHB của "ông bầu" Đỗ Quang Hiển. Thông qua ngân hàng con là Krungsri tại Thái Lan, MUFG đã thanh toán được 50% giá chuyển nhượng của thương vụ.
Tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện". Theo giới quan sát, các nhà đầu tư Nhật Bản hy vọng sự kiện này sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa. Đây là mức độ quan hệ song phương cao nhất mà Việt Nam mới chỉ thiết lập với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden trong tháng 9.
Trong cùng tháng 11, tập đoàn kinh doanh tổng hợp hàng đầu Nhật Bản Sojitz mua lại 100% công ty Đại Tân Việt để tiếp tục củng cố vị thế của Sojitz tại thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu người tiêu dùng. Là một trong những doanh nghiệp phân phối nguyên liệu sữa và thực phẩm hàng đầu Việt Nam, công ty cổ phần Đại Tân Việt báo cáo doanh số bán hàng năm 2022 ở mức 320 triệu USD.
Tại Việt Nam, Sojitz đã hợp tác với "đại gia" Vinamilk để xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò và chế biến thịt bò Vinabeef theo phong cách Nhật Bản tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với tổng vốn đầu tư lên tới 500 triệu đô la. Qua tổ hợp này, Vinamilk dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm thịt bò mát được chế biến theo công nghệ Nhật Bản năm 2024.
Tháng 11 cũng chứng kiến công ty tài chính Aeon Financial trong hệ sinh thái của tập đoàn Aeon mua 100% vốn điều lệ của Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) thuộc ngân hàng Đông Nam Á (SeABank). Giá chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.
Nhận xét về thương vụ này, ông Kenji Fujita, Chủ tịch kiêm CEO của Aeon Financial, cho biết: "Aeon Financial được thành lập từ năm 1981 tại Nhật Bản và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại 10 quốc gia châu Á trong hơn 30 năm, bắt đầu cung cấp các khoản vay trả góp riêng của công ty tại Việt Nam từ năm 2008. Thương vụ này đánh dấu bước quan trọng trong chiến lược phát triển của chúng tôi tại Việt Nam. Sau khi nhận được giấy phép, ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, chúng tôi cũng dự định trong tương lai sẽ phát hành thẻ tín dụng".
Các công ty Nhật Bản nói chung đang quan tâm nhiều đến thị trường M&A (mua bán doanh nghiệp) Việt Nam, chuyên gia Masataka Yoshida người Nhật cho biết tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 ở TP.HCM cuối tháng 11 vừa qua.
Ông Yoshida là Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán, sáp nhập xuyên quốc gia của công ty Recof Corp. của Nhật Bản. Ông hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã hơn 12 năm.
"Recof hoạt động toàn cầu nhưng chúng tôi đang tập trung khoảng 80 - 85% nguồn lực để phục vục quan hệ đầu tư và kinh doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam", ông Yoshida cho biết.
Ông cho biết thị trường M&A Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để các công ty Nhật Bản tiếp cận. Nổi bật hơn là những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng như FMCG (hàng hóa thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày), bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, dịch vụ logistics và kho bãi, lĩnh vực tài chính - fintech…
TikTok có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu vì vi phạm quy định của EU
Ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đã bị các cơ quan quản lý công nghệ EU buộc tội vì vi phạm các quy tắc về nội dung trực tuyến của EU, khiến chủ sở hữu ByteDance có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Hai trường đại học hàng đầu Châu Á về tạo ra số người siêu giàu
Theo nghiên cứu của Altrata, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Thanh Hoa Trung Quốc là những trường đại học hàng đầu châu Á về đào tạo ra những cựu sinh viên siêu giàu.
Giới siêu giàu châu Á 'tháo chạy' khỏi tài sản Mỹ vì lo sợ thuế quan của ông Trump
Các gia đình giàu nhất châu Á đang cắt giảm đầu tư vào tài sản tại Mỹ vì cho rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên khó dự đoán hơn nhiều, theo Bloomberg.
Thấy tiềm năng kinh tế của Việt Nam, Úc ra sức đẩy mạnh thương mại và đầu tư
Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng kinh tế và thậm chí được dự báo sẽ lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù gần gũi về địa lý và có nhiều lợi ích chung, sự hiện diện kinh tế của Úc tại Việt Nam vẫn khá mờ nhạt nhưng chính phủ Úc đang nỗ lực để thay đổi tình hình, theo The Conversation.
V-GREEN ký MOU với 4 đối tác để triển khai 63.000 cổng sạc VinFast tại Indonesia, dự kiến tổng đầu tư 300 triệu USD
Jakarta, ngày 09/05/2025 – Công ty Phát triển Trạm sạc toàn cầu V-GREEN công bố ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với 4 đối tác chiến lược nhằm triển khai tổng cộng 63.000 cổng sạc dành riêng cho xe điện VinFast tại Indonesia trong năm 2025, gấp đôi so với mục tiêu công bố trước đó.