Nhiều công ty Mỹ tại Việt Nam bất ngờ muốn tuyển thêm người
Tường Thụy
13/12/2024 2:43 PM (GMT+7)
Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia muốn mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, theo AmCham. Thành viên của hiệp hội này dự kiến tuyển thêm lao động.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), nhánh tại TP.HCM và Đà Nẵng, vừa công bố khảo sát mới nhất về môi trường kinh doanh 2024.
TP.HCM (trong ảnh) là trung tâm kinh tế của cả nước. Các hội viên AmCham dự kiến sẽ tuyển thêm nhân sự trong thời gian tới. Ảnh TL
Khảo sát "Môi trường Kinh doanh AmCham 2024", được thực hiện với sự hợp tác của công ty Cimigo, đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại ở Việt Nam, qua đó xác định những thách thức và cơ hội cụ thể mà các công ty đang đối diện.
Khảo sát này tóm tắt quan điểm của 184 lãnh đạo cấp cao từ các công ty thành viên của AmCham, thể hiện kỳ vọng của họ đối với hiệu quả kinh doanh, kế hoạch đầu tư và những cải thiện chính sách. Khảo sát gồm các chủ đề chính như triển vọng kinh tế của Việt Nam, thách thức và cơ hội, vai trò của quan hệ song phương Mỹ - Việt, và các xu hướng mới nổi như việc áp dụng chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Theo AmCham Việt Nam, hơn 64% hội viên cho biết họ lạc quan về hiệu quả kinh doanh của họ trong 12 tháng tới, trong đó ngành vật liệu là ngành tích cực nhất.
Tương tự như vậy, phần lớn hội viên của AmCham tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện trong năm tới; gần 50% kỳ vọng sẽ tăng số lượng nhân viên mặc dù họ vẫn chưa lạc quan về nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại Việt Nam không phải không có thách thức. Việc chưa nhất quán trong các quy định kinh doanh, thách thức về nguồn nhân lực và lực lượng lao động là những vấn đề được xếp hạng hàng đầu mà các thành viên AmCham đề cập tới.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, các thành viên AmCham kỳ vọng Chính phủ Việt Nam có thể đảm bảo tính nhất quán về chính sách ở cấp trung ương và địa phương, đơn giản hóa quy trình cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Về hoạt đồng đầu tư, hội viên AmCham dự đoán tăng trưởng sẽ tăng trong 12 tháng tới và tinh giản thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam.
Cụ thể hơn, các chính sách thu hút, chào đón doanh nghiệp nước ngoài khá tích cực (tỷ lệ trong khảo sát: 45%), nhưng hội viên của hiệp hội vẫn cảm thấy doanh nghiệp nước ngoài chưa được đối xử công bằng so với doanh nghiệp trong nước (35%), chủ yếu là vấn đề cấp phép.
Căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng đang tác động đến các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, với 54% thành viên AmCham tin rằng những căng thẳng này sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, trong nhóm này, 42% đã trả lời họ vẫn có kế hoạch tăng đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo khảo sát trên, các thành viên vẫn lo ngại rằng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IP) chưa được tăng cường và việc không thực thi có thể ảnh hưởng đến động lực đầu tư vào thị trường Việt Nam. Và 46% tin rằng hoạt động đầu tư của họ sẽ bị hạn chế nếu bị ảnh hưởng bởi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không đầy đủ và thách thức lớn nhất mà các công ty phải đối mặt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là sự bảo vệ không đầy đủ của các luật và quy định liên quan đến IP.
Hơn 2/3 số hội viên AmCham, nhất là các công ty đa quốc gia, tin rằng quan hệ song phương tích cực giữa Mỹ và Việt Nam rất quan trọng đối với kinh doanh, với nhiều hy vọng thị trường Việt Nam sẽ mở cửa hơn nữa cho các công ty nước ngoài.
Ngoài ra, hầu như tất cả các hội viên của AmCham kỳ vọng quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện hoặc ít nhất là sẽ vẫn như hiện nay, xét đến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.
Các thành viên AmCham đang tích cực triển khai các chiến lược Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) tại Việt Nam, chủ yếu ưu tiên trách nhiệm doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 75% hội viên tham gia vào một số hình thức hoạt động ESG, tập trung vào việc thiết lập các hoạt động quản trị doanh nghiệp minh bạch.
Gần 50% thành viên AmCham Việt Nam coi tăng trưởng tiêu dùng nội địa là cơ hội hàng đầu đối với họ, cùng với các cải cách kinh tế và thị trường đang diễn ra (tỷ lệ tới 41%) và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu giàu có và số lượng lớn (tỷ lệ 39%).
- Tham khảo thêm